Rút bảo hiểm xã hội một lần: Cân nhắc kỹ để tránh bị thiệt thòi
Khi rút bảo hiểm xã hội một lần, người lao động sẽ bị mất các quyền lợi liên quan đến bảo hiểm y tế, lương hưu, chế độ tử tuất, mai táng phí… Tuy vậy, tại nhiều buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến về chính sách bảo hiểm xã hội, vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần cũng là câu hỏi thường xuyên được người lao động đặt ra.
Người tham gia bị thiệt thòi
Chị Phạm Thị Trang, Cơ sở cai nghiện ma túy số 5 muốn biết trường hợp lao động nam đã đóng bảo hiểm xã hội 23 năm, hiện 52 tuổi thì có được rút bảo hiểm xã hội một lần được không? Nếu không rút mà muốn nghỉ hưu thì có được nghỉ không và hưởng mức lương hưu là bao nhiêu?
Chị Ngô Thị Dịu, Công đoàn Công ty Cheewan không rõ nếu người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội được 20 năm, bây giờ muốn nghỉ việc thì có được rút bảo hiểm xã hội một lần không?
Cũng liên quan đến hưởng bảo hiểm xã hội một lần, chị Nguyễn Thị Nhung, Công đoàn xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì muốn biết nếu lao động nữ 49 tuổi, đã công tác được 22 năm và muốn nghỉ việc. Vậy chị có được rút bảo hiểm xã hội một lần được không, nếu nghỉ việc thì có được hưởng lương hưu không và hưởng bao nhiêu phần trăm...
Giải đáp cho người lao động, bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm xã hội Hà Nội cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội quy định, người đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội sẽ không được quyền thanh toán bảo hiểm xã hội một lần, trừ các trường hợp mắc các bệnh hiểm nghèo như: Ung thư, xơ gan,… hoặc suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì vẫn được thanh toán.
Với trường hợp là lao động nam, có 23 năm đóng bảo hiểm xã hội, người lao động hiện 52 tuổi mà xin nghỉ hưu thì tỷ lệ hưởng lương hưu rất thấp, cụ thể là chỉ được hưởng 43% mà thôi. Nếu muốn được hưởng chế độ lương hưu tối đa 75% thì nam phải đủ 35 năm, nữ phải đủ 30 năm đóng bảo hiểm xã hội.
Với trường hợp của chị Dịu, bà Châu cho biết, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, nếu lao động nữ có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, thì đủ điều kiện nghỉ hưu. Đây là một trong hai điều kiện để hưởng lương hưu.
Bà Dương Thị Minh Châu cũng nhấn mạnh, người lao động nên cân nhắc khi quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần, bởi nếu rời bỏ bảo hiểm xã hội, người lao động sẽ mất các quyền lợi liên quan đến bảo hiểm y tế, lương hưu, chế độ tử tuất, mai táng phí…
Tăng quyền lợi của người hưởng chính sách bảo hiểm xã hội
Tại cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và công nhân lao động, góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần cũng được nhiều người lao động quan tâm, kiến nghị. Chị Hoàng Thị Oanh, Công đoàn Tạp chí phổ biến pháp luật Việt Nam kiến nghị mức rút bảo hiểm xã hội không phải là 50%, mà tương ứng với mức đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.
Anh Tô Mạnh Linh (Liên đoàn Lao động quận Hai Bà Trưng) đề nghị chính sách cho người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần cần được tiếp tục duy trì và không phân biệt trước hay sau khi có Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) như phương án đưa ra trong dự thảo Luật, bởi đây là quyền lợi chính đáng của người lao động...
Cho ý kiến tại Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần liên tục tăng, tháng 4/2024 có 121.873 người rút, tăng gần 39% so với trung bình của cả quý I/2024.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, vấn đề này đặt ra yêu cầu nâng cao trách nhiệm, hiệu quả của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội cho người lao động, nhất là trong bối cảnh dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội có những quy định theo hướng chặt chẽ hơn để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi nhìn nhận, rút bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề nóng, cho thấy rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn là lựa chọn của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, thôi việc, mất việc làm.
Nói về nguyên nhân, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho rằng, phần lớn do người lao động gặp khó khăn trước mắt và chưa nhận thức được các lợi ích dài hạn của bảo hiểm xã hội, chính sách bảo đảm an sinh xã hội.
Vì vậy, thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về lợi ích và các quyền lợi của người lao động trong quá trình tham gia bảo hiểm xã hội. Đồng thời, nghiên cứu sửa Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng tăng quyền lợi của người hưởng chính sách bảo hiểm xã hội để “giữ chân” người lao động.