Rút bảo hiểm xã hội một lần - người lao động không có lương hưu và nhiều quyền lợi thiết thân khác

Giai đoạn 2016-2021, toàn tỉnh Đồng Tháp có 91.334 người hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, trong đó người tham gia BHXH tự nguyện hưởng BHXH một lần là 1.348 người. Số lượng này năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng bình quân mỗi năm khoảng 18% và đa số người hưởng một lần thuộc trường hợp ngừng đóng BHXH sau một năm nghỉ việc không có việc làm mới.

Nhân viên thu bảo hiểm xã hội vận động người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để có lương hưu

Nhân viên thu bảo hiểm xã hội vận động người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để có lương hưu

Tăng cường các giải pháp tuyên truyền kết hợp sửa đổi quy định về chính sách hưởng BHXH một lần

Qua tiếp xúc, tư vấn với người lao động (NLĐ), đa số nguyên nhân hưởng BHXH một lần là do NLĐ có thu nhập không cao, khả năng tích lũy không nhiều, dẫn đến khi mất việc làm phải đối mặt với các khó khăn về tài chính. Hầu hết lao động trẻ có tâm lý chỉ quan tâm đến nhu cầu trước mắt hơn là tích lũy để hưởng lương hưu khi về già. Tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, dẫn đến nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh, cắt giảm lao động. Tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm, mất việc làm gia tăng số người hưởng BHXH một lần.

Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân xuất phát từ quy định của chính sách, như điều kiện hưởng BHXH một lần quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 khá thuận lợi (chỉ cần sau một năm nghỉ việc hoặc sau một năm không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần) nên nhiều NLĐ đủ điều kiện đã đề nghị hưởng BHXH một lần. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa có sự liên kết, hỗ trợ đào tạo nghề phù hợp cho NLĐ khi chuyển đổi công việc.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nhìn ở góc độ vĩ mô thì cần có giải pháp hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, bằng cách sửa đổi quy định chính sách cho phù hợp, gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích NLĐ tham gia BHXH. Đồng thời hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường lao động nhằm duy trì việc làm cho NLĐ, hỗ trợ NLĐ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội...

Việc gia tăng số người hưởng BHXH một lần làm gia tăng số người rời khỏi hệ thống an sinh xã hội, gây khó khăn cho việc thực hiện mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng nghĩa với việc lao động khi về già không có lương hưu. Điều này không chỉ tác động đến cuộc sống NLĐ mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của Đảng, Nhà nước. Do đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đóng góp tích lũy cho chế độ hưu trí khi về già, từ đó, tạo sự đồng thuận của người dân nói chung và người tham gia BHXH nói riêng.

Lựa chọn hưởng BHXH một lần, các quyền lợi của NLĐ bị hạn chế rất nhiều so với hưởng lương hưu

Thứ nhất, NLĐ không còn trong hệ thống BHXH được nhà nước bảo hộ, mất cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng – nguồn thu nhập ổn định, hữu ích khi về già. Người tham gia BHXH khi đã hưởng lương hưu thì mức lương hưu sẽ được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế (từ năm 2003 đến nay, nhà nước đã điều chỉnh tăng lương hưu 17 lần, với mức tăng từ khoảng 7,5% đến 9,3% cho mỗi lần điều chỉnh, tùy theo nhóm đối tượng).

Thứ hai, NLĐ mất đi cơ hội được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để hưởng các quyền lợi về khám, chữa bệnh BHYT; chăm sóc sức khỏe khi tuổi già, độ tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe nhất của mỗi người.

Thứ ba, thân nhân của NLĐ không được hưởng chế độ tử tuất khi không may NLĐ qua đời. Bởi nếu người đang hưởng lương hưu không may qua đời thì người lo mai táng sẽ được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người hưởng lương hưu qua đời và thân nhân được hưởng trợ cấp tử tuất hằng tháng hoặc một lần.

Thứ tư, số tiền NLĐ nhận BHXH một lần thiệt hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ BHXH. Theo quy định hiện hành, tổng mức đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của NLĐ. Trong đó, NLĐ đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, tổng mức đóng vào quỹ BHXH hằng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu NLĐ hưởng BHXH một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Như vậy, nếu lĩnh BHXH một lần, NLĐ sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014.

Thứ năm, khi không rút BHXH một lần, khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là “của để dành” quý giá của NLĐ, nó không mất đi mà ngược lại vẫn được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng.

V.H

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/xa-hoi/rut-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-nguoi-lao-dong-khong-co-luong-huu-va-nhieu-quyen-loi-thiet-than-khac-114584.aspx