Rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng kiểm sát giải quyết tranh chấp đất đai

VKSND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Thông báo rút kinh nghiệm, yêu cầu các đơn vị nghiên cứu, rút kinh nghiệm chung, kịp thời phát hiện các dạng vi phạm để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất.

Qua công tác kiểm sát, việc giải quyết các vụ án dân sự theo thủ tục phúc thẩm, VKSND tỉnh Thanh Hóa nhận thấy, việc giải quyết vụ án dân sự “Tranh chấp về quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn bà Lê Thị X. và bị đơn bà Lê Thị Th. đã được TAND TP Thanh Hóa xét xử theo Bản án dân sự sơ thẩm số 40/2023/DS-ST ngày 19/9/2023 có vi phạm, cần thông báo rút kinh nghiệm.

 Kiểm sát viên tham gia thẩm định tại chỗ cùng Tòa án (ảnh minh họa).

Kiểm sát viên tham gia thẩm định tại chỗ cùng Tòa án (ảnh minh họa).

Tranh chấp tài sản đất đai thừa kế

Cụ thể, nội dung vụ án: Bà Lê Thị Th. và bà Lê Thị X. là con gái của cụ K. (chết năm 1972) và cụ N. (chết năm 1990). Bà X. lấy chồng và sinh sống cùng chồng ở tỉnh TB., bà Th. ở lại cùng bố mẹ, lấy chồng và sinh sống trên thửa đất cho đến nay. Năm 1985, bà X. quay về và xây dựng nhà ở với diện tích 110m2 trên một phần đất của bố mẹ. Năm 1993, toàn bộ thửa đất trên được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mang tên bà Th.

Năm 2017, thửa đất trên bị thu hồi theo dự án mở rộng đường, theo đó, thửa đất bà X. đang ở bị thu hồi 64,3m2 được cấp 1 lô tái định cư có diện tích 104,71m2, thửa đất bà Th. bị thu hồi là 257,8m2 được cấp 2 lô tái định cư. Các thửa đất trên đều được cấp GCNQSDĐ cho từng người.

Quá trình sinh sống trên đất, hai chị em bà đã phát sinh tranh chấp từ năm 1997 đến nay và được UBND phường xác định, nguồn gốc đất là của bố mẹ hai bà là cụ K. và cụ N. tạo lập. Trước khi chết, các cụ không để lại di chúc và chưa tặng cho ai. Do đó, bà X. làm đơn khởi kiện đề nghị Tòa án công nhận diện tích thửa đất số 327, tờ bản đồ số 2 lập năm 1983 nay là thửa 502, tờ bản đồ số 02 đo vẽ năm 1994 là của hai cụ K. và cụ N.; phân chia toàn bộ tài sản là thửa đất trên cho hàng thừa kế của hai cụ.

Bị đơn bà Lê Thị Th. có yêu cầu phản tố, bà không thừa nhận nguồn gốc thửa đất đang tranh chấp là di sản của cụ K., cụ N. để lại mà là tài sản của cá nhân bà do năm 1964 bà mua lại thửa đất trên của hàng xóm là ông Phạm Văn T. với giá 140 đồng. Nhà đất cũ của hai cụ K. và N. đã bỏ hoang nên các nhà láng giềng đã lấn chiếm để sử dụng, hiện không còn xác định được tài sản cũ này. Năm 1985, bà Th. đồng ý cho gia đình bà X. về ở nhờ. Bà Th. yêu cầu bà X. có nghĩa vụ trả lại toàn bộ phần đất bà đang sử dụng và lô đất bà X. được đền bù tái định cư do lô đất này được đền bù từ thửa đất của bà.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 40/2023/DS-ST ngày 19/9/2023 của TAND thành phố Thanh Hóa quyết định:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc “Yêu cầu chia di sản thừa kế". Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn về việc “Đòi lại tài sản". Xác định toàn bộ diện tích đất hiện gia đình bà Lê Thị X. và gia đình bà Lê Thị Th. đang quản lý sử dụng tại thửa số 327 tờ bản đồ số 02, lập năm 1984 (nay là thửa đất số 502, tờ bản đồ số 02, đo vẽ năm 1994) và 98,4859% phần giá trị 2 lô đất tái định cư số 39, 51, tại MBQH 1484 và 49,1262%, phần giá trị lô đất tái định cư số 10 L1 tại MBQH 5226 thuộc phường Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa là di sản thừa kế của các cụ Lê Viết K. và cụ Lê Thị N. để lại, có tổng trị giá là 16.127.311.364 đồng. Chia cho bà Lê Thị X. được hưởng 35% giá trị di sản thừa kế, tương đương 5.644.558.977 đồng và chia bà Lê Thị Th. được hưởng 65% giá trị di sản thừa kế, tương đương 10.482.752.3864 đồng.

Những vi phạm nghiêm trọng của Bản án sơ thẩm cần rút kinh nghiệm

Vi phạm về xác định giá trị di sản: Theo bản đồ địa chính năm 1993, thửa đất tranh chấp có diện tích 730m2, là đất thổ cư, nhưng trong nội dung quyết định thu hồi đất của hai hộ gia đình và phần đất các gia đình đang quản lý, sử dụng còn lại là 713,8m2 bao gồm cả đất ở và đất vườn. Như vậy, về số liệu diện tích của thửa đất khác nhau nhưng chưa được Tòa án xác minh làm rõ để xác định giá trị tài sản khi tranh chấp.

Vi phạm về cách phân chia di sản: Khoản 2 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau”. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm chia cho bà Lê Thị X. được hưởng 35% giá trị di sản thừa kế, bà Lê Thị Th. được hưởng 65% giá trị di sản thừa kế, là không đúng với quy định của điều luật trên.

Vi phạm trong việc xác định tài sản của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Biên bản thẩm định ngày 21/10/2022 và Biên bản thẩm định ngày 15/3/2024 thể hiện: Trên phần đất bà Th. đang quản lý sử dụng có các công trình là nhà ở và công trình phụ của anh Nguyễn Văn T., anh Nguyễn Văn Th., anh Nguyễn Văn Tr. (là con của bà Th.) xây dựng và hiện đang sinh sống trên thửa đất này. Tuy nhiên, Bản án sơ thẩm không xem xét đến phần tài sản trên đất của những người liên quan trên đang quản lý di sản mà chia toàn bộ phần đất trên cho bà Th. được hưởng là chưa đúng với quy định tại Điều 618 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Từ những vi phạm trên, VKSND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Thông báo rút kinh nghiệm yêu cầu các đơn vị nghiên cứu, rút kinh nghiệm chung, kịp thời phát hiện các dạng vi phạm tương tự để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất.

Đinh Huê

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/thuc-tien-kinh-nghiem/rut-kinh-nghiem-de-nang-cao-chat-luong-kiem-sat-giai-quyet-tranh-chap-dat-dai-159949.html