Rút kinh nghiệm từ chiến sự Nga-Ukraine, Mỹ tính thiết lập quân đoàn UAV?
Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ đã đề xuất thiết lập quân đoàn UAV nhằm tăng cường tính chuyên nghiệp và đẩy mạnh cuộc đua vũ trang trong lĩnh vực này với Nga.
Không còn là "Sương mù trên chiến trường"
Theo hãng tin Sputnik, tình hình chiến sự tại Ukraine đã cho thấy cách thức tiến hành chiến tranh hoàn toàn mới.
Những chiếc máy bay không người lái (UAV) đã chứng minh được ảnh hưởng sâu rộng trên chiến trường dù chỉ có chi phí cực nhỏ, vô hiệu hóa trang thiết bị quân sự đắt tiền được trang bị thiết bị dẫn đường có độ chính xác cao.
Hai bên đã sử dụng số lượng lớn các UAV thương mại ít tốn kém đã xua tan những "màn sương mù trên chiến trường".
Nhờ có những chiếc UAV trinh sát cỡ nhỏ như những con chim bay lượn liên tục trên bầu trời, cả 2 bên đều không thể bí mật cơ động một lực lượng lớn quân ra tiền tuyến hay các khu vực gần đó nữa.
Thậm chí, cả Nga và Ukraine cũng đã thành lập các UAV trinh sát có khả năng thực hiện những vụ tấn công có độ chính xác cao không lâu sau khi phát hiện ra kẻ thù. Mặt khác, việc sử dụng các UAV được trang bị các loại vũ khí thô sơ như đầu đạn tự chế trong việc tấn công các mục tiêu của kẻ thù cũng cho thấy hiệu quả rất cao và thiệt hại ở mức hoàn toàn có thể chấp nhận được.
Ngoài ra, việc sử dụng UAV trên chiến trường cũng đã làm thay đổi chiến thuật sử dụng các trang thiết bị quân sự, đặc biệt là loại vũ khí tấn công chủ chốt trên bộ là xe tăng.
Chỉ cần một người điều khiển giàu kinh nghiệm cùng một chiếc UAV rẻ tiền cũng có thể "thổi bay" một chiếc xe tăng trị giá hàng triệu USD bằng việc tấn công vào tháp pháp hoặc buồng lái vốn ít được bảo vệ kỹ lưỡng của những chiếc xe tăng.
Mỹ đã tụt hậu như thế nào?
Những quan chức Mỹ theo dõi sát sao về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga cho rằng nước này đã bị bỏ lại khá xa so với đối thủ trong xu hướng quân sự mới này và có thể sẽ lâm vào tình thế phải chạy đua khó khăn để bắt kịp kẻ thù.
Washington hoàn toàn hiểu rõ, trong một cuộc chiến lớn và lâu dài, một trang thiết bị quân sự có khả năng được sản xuất ồ ạt sẽ đóng vai trò quan trọng hơn rất nhiều so với một trang thiết bị quân sự phức tạp về công nghệ.
Do đó, việc đề xuất lập quân đoàn UAV dường như để sửa chữa cho sự mất cân bằng này.
Theo đề xuất của Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, quân đoàn UAV sẽ đảm đương việc phát triển, triển khai chiến đấu của những chiếc máy bay loại nhỏ và những hệ thống nhằm chống lại UAV của những kẻ thù tiềm tàng.
Đề xuất này cũng bao gồm việc tổ chức huấn luyện trên quy mô lớn cho những người chuyên điều khiển các UAV cỡ nhỏ cả ở dạng UAV trực thăng và UAV thông thường. Quân đoàn UAV mới nếu được chấp thuận sẽ trở thành quân đoàn số 22 trực thuộc Lục quân Mỹ cùng với các quân đoàn phòng không, bộ binh cơ giới, xe tăng và pháo binh…
Ông Robert Solano, Giám đốc Cơ quan Quản lý Hợp đồng Quốc phòng của Boeing, nhấn mạnh, sự thay đổi về chiến thuật quân sự đang diễn ra trên chiến trường Ukraine cho thấy tầm quan trọng ngày càng lớn của UAV, buộc Mỹ phải ngay lập tức áp dụng chiến lược mới để tăng cường toàn diện năng lực của quân đội.
Ông Solano tin tưởng quân đội Mỹ sẽ thiết lập các lực lượng UAV riêng rẽ cho cả Lục quân, Không quân và Hải quân để đáp ứng được sự gia tăng sử dụng UAV trên chiến trường.
Tuy nhiên, không phải tướng lĩnh nào ở Lầu Năm Góc cũng chia sẻ quan điểm trên. Thứ trưởng Lục quân Mỹ Gabe Camarillo cho rằng, ông hoàn toàn hiểu lý do Quốc hội Mỹ quan tâm đến việc phát triển UAV khi xét đến thực tế trong chiến sự ở Ukraine và Trung Đông. Tuy nhiên, theo ông Camarillo việc thiết lập các lực lượng UAV riêng rẽ không phải là cách tiếp cận phù hợp, ít nhất là đến thời điểm này.
Ông Camarillo cho biết, kể từ năm 2017, Lục quân Mỹ đã chi 1,8 tỷ USD cho việc phát triển các hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống phòng không cỡ nhỏ và các chi phí duy tu, bảo dưỡng các xe thiết giáp và ngân sách cho năm tài khóa 2026 sẽ tập trung nhiều hơn cho những khoản chi nói trên.