Rút ngắn khoảng cách địa kỹ thuật chống biến đổi khí hậu
Với những đề xuất về giải pháp xây dựng chống biến đối khí hậu được trình bày tại GEOTEC HANOI 2016, Việt Nam có thể rút ngắn khoảng cách về địa kỹ thuật chống biến đổi khí hậu.
Hôm qua (24/11), Hội nghị quốc tế lần thứ ba về lĩnh vực Địa Kỹ thuật & Hạ tầng - GEOTEC HANOI 2016 đã chính thức khai mạc tại Hà Nội.
Diễn ra trong hai ngày, với quy mô và chất lượng được nâng tầm hơn so với hai kỳ hội nghị trước, GEOTEC HANOI 2016 tập trung vào 5 chủ đề chính bao gồm: 1/ Móng sâu; 2/ Hầm và công trình ngầm; 3/ Cải tạo nền đất yếu cho công trình hạ tầng; 4/ Địa kỹ thuật bờ biển, bờ sông & giải pháp địa kỹ thuật chống biến đổi khí hậu; 5/ Quan trắc, kiểm định và bảo trì.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường, các chủ đề được thảo luận tại Hội nghị năm nay có ý nghĩa đặc biệt đối với các nước đang phát triển như Việt Nam.
“Với trên 80 bài trình bày và 145 bài tham luận từ các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu trên thế giới về khoa học địa kỹ thuật, nền móng, công trình ngầm, đến từ các nước phát triển có nền khoa học hùng mạnh, Hội nghị là cơ hội để chia sẻ những kiến thức cập nhật nhất về xây dựng bền vững, thiết lập những mối quan hệ hợp tác trong phát triển hạ tầng hướng tới thị trường Việt Nam”, ông Trường nhấn mạnh.
Đặc biệt, trước tình hình biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng tới các công trình xây dựng tại Việt Nam và thế giới, chủ đề “Địa kỹ thuật bờ biển, bờ sông và giải pháp địa kỹ thuật chống biến đổi khí hậu’' là một phần của giải pháp xây dựng, được nhấn mạnh và nâng thành một chủ đề chính tại hội nghị năm nay.
Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FECON Phạm Việt Khoa, Trưởng Ban tổ chức GEOTEC HANOI đánh giá, Việt Nam là nước nằm trong khu vực địa lý có nhiều đe dọa về thiên tai và biến đổi khí hậu, đặc biệt điều kiện địa chất rất phức tạp dẫn đến việc phải đối mặt với những vấn đề không bền vững liên quan đến xây dựng, vận hành và khai thác các loại công trình trên toàn quốc.
Điều này có thể nhận thấy qua các công trình nghỉ dưỡng sát bờ biển miền Trung của Việt Nam đang có nguy cơ bị sạt lở, xói mòn, hay các công trình tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Với khoa học địa kỹ thuật, Việt Nam đang sở hữu khá nhiều công nghệ đã phổ biến tại các nước phát triển từ 20 - 30 năm trước. Trong khi đó, chiến lược đến năm 2020 của Chính phủ sẽ xây dựng Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại. Vì vậy, nhu cầu phát triển hạ tầng, phát triển công nghiệp, phát triển đô thị trong thời gian này đang bùng nổ từng ngày.
“Chính phủ đã và đang thiết lập những chính sách đặc biệt ưu tiên cho phát triển kết cấu hạ tầng trong mọi ngành và lĩnh vực. Đây là cơ hội cho các nhà khoa học, các nhà chuyên môn và các doanh nghiệp phát huy kiến thức và nguồn lực của mình để đóng góp cho phát triển hạ tầng nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nước nhà nói chung, cũng nhờ đó, phát triển chính doanh nghiệp và tổ chức của mình”, ông Khoa nói.
GS. Ikuo Towhata, Phó chủ tịch Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật Quốc tế (ISSMGE) khẳng định, địa kỹ thuật là một trong những chìa khóa khiến cho mọi người hạnh phúc hơn. “Chúng tôi có thể tạo dựng cho con người nền móng vững chắc để xây dựng những ngôi nhà. Chúng tôi có thể đem đến cho con người những phương tiện vận tải hiệu quả. Chúng tôi có thể giúp con người thoát khỏi những thảm họa thiên nhiên như lũ lụt và sạt lở đất”.
Theo đánh giá, các nội dung trình bày tại Hội nghị lần này sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách về khoa học công nghệ trong ngành địa kỹ thuật giữa Việt Nam và các nước phát triển. Đồng thời, các nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp có thể nhanh chóng vận dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào triển khai các nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với chủ trương phát triển hạ tầng của chính phủ và các địa phương, nhằm tới 3 tiêu chí quan trọng là: nhanh - hiệu quả - bền vững.
Những kết quả tích cực thu được từ GEOTEC HANOI năm nay chắc chắn sẽ đem lại một cái nhìn tổng quan về thực tại phát triển của khọc học địa kỹ thuật trong nước và thế giới, nhờ đó định hướng cho các nhà khoa học, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế tiếp tục nghiên cứu đầu tư cho phát triển ngành khoa học này một cách thiết thực. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp trong nước mạnh dạn đầu tư vào các công nghệ cấp tiến, để đáp ứng tốt nhất các yêu cầu đặt ra của thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và đất nước.