Rút ngắn thời gian cấp sổ đỏ xuống còn tối đa 20 ngày

Thời gian giải quyết thủ tục cấp sổ đỏ được rút ngắn, tối đa 17 ngày làm việc với đăng ký lần đầu, không quá 20 ngày đối với trường hợp cấp kèm Giấy chứng nhận.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa ban hành Sổ tay “Hướng dẫn công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai khi thực hiện chính quyền địa phương hai cấp”.

Phân định rõ ràng thẩm quyền và nhiệm vụ ở từng cấp

Sổ tay đã cụ thể hóa thẩm quyền, nhiệm vụ của chính quyền cấp tỉnh và cấp xã trong quản lý đất đai, đảm bảo sự thống nhất, minh bạch và hiệu quả trong tổ chức thực hiện.

Sổ tay giúp chính quyền cấp tỉnh, cấp xã mới đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025 hình dung được hết các công việc mà họ phải thực hiện khi triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Ảnh: Trường Giang.

Sổ tay giúp chính quyền cấp tỉnh, cấp xã mới đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025 hình dung được hết các công việc mà họ phải thực hiện khi triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Ảnh: Trường Giang.

Theo đó, đối với cấp tỉnh, HĐND cấp tỉnh có 6 thẩm quyền, nhiệm vụ; UBND cấp tỉnh có 50 thẩm quyền, nhiệm vụ; riêng Chủ tịch UBND cấp tỉnh có 37 thẩm quyền, nhiệm vụ; Sở Nông nghiệp và môi trường có 15 thẩm quyền, nhiệm vụ. Đồng thời cũng hướng dẫn cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền của Văn phòng Đăng ký đất đai, Tổ chức Phát triển quỹ đất.

Đối với cấp xã, HĐND cấp xã có 4 thẩm quyền, nhiệm vụ; UBND cấp xã có 45 thẩm quyền, nhiệm vụ; riêng Chủ tịch UBND cấp xã có 44 thẩm quyền, nhiệm vụ và cơ quan quản lý đất đai cấp xã có 19 thẩm quyền, nhiệm vụ. Việc làm rõ vai trò từng cấp, từng vị trí nhằm bảo đảm thống nhất, minh bạch và hiệu quả trong tổ chức thực hiện chính quyền địa phương hai cấp.

Hướng dẫn chi tiết quy trình thu hồi đất và cấp giấy chứng nhận

Một trong những vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm là quy trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đặc biệt khi thẩm quyền này được chuyển về cấp xã.

Sổ tay đã hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục về nội dung này gồm 16 bước, đảm bảo đúng thẩm quyền, rõ trách nhiệm và công khai, minh bạch trong từng khâu. Quy trình này bao gồm từ việc xây dựng kế hoạch thu hồi đất, tổ chức họp với người dân, ban hành thông báo, kiểm đếm tài sản, lập và phê duyệt phương án bồi thường, đến việc thực hiện bồi thường và bàn giao đất.

Đối với trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu do cấp xã thực hiện, Sổ tay cũng hướng dẫn cụ thể gồm 3 bước, phân công rõ trách nhiệm giữa cơ quan nhà nước và người dân. Quy trình này bao gồm việc nộp hồ sơ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, cơ quan giải quyết thủ tục kiểm tra và chuyển hồ sơ về UBND cấp xã để xác minh, và cuối cùng là việc UBND cấp xã cấp Giấy chứng nhận sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Thời gian giải quyết thủ tục cũng được rút gọn đáng kể: Đối với đăng ký đất đai lần đầu không quá 17 ngày làm việc; đối với đăng ký đất đai kèm cấp Giấy chứng nhận không quá 20 ngày làm việc. Đối với địa bàn miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa hoặc có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thời gian được kéo dài tối đa 30 ngày làm việc.

Đồng hành với chính quyền địa phương trong quản lý đất đai

Cùng với việc ra mắt Sổ tay “Hướng dẫn công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai khi thực hiện chính quyền địa phương hai cấp”, trước đó, Cục Quản lý đất đai đã tham mưu Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định số 151/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025, quy định phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương hai cấp, phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực đất đai.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đã ban hành Thông tư 23/2025/TT-BNNMT quy định phân quyền, phân cấp, phân định thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai và Quyết định 2304/QĐ-BNNMT công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai. Những văn bản này là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc triển khai thực hiện mô hình mới một cách động bộ, hiệu lực, hiệu quả.

Bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý, Cục Quản lý đất đai cũng tích cực đồng hành, tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương, đảm bảo sự liên thông, minh bạch và lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương liên quan đến công tác quản lý đất đai khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp. Các địa phương cũng được yêu cầu rà soát quy trình, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu và đào tạo cán bộ để đáp ứng nhiệm vụ mới.

Những nỗ lực của Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong việc chuẩn bị kỹ lưỡng và ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết sẽ góp phần quan trọng vào việc triển khai thành công mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai trong giai đoạn mới.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang xây dựng trình Chính phủ Nghị quyết về tháo gỡ, xử lý vướng mắc để triển khai các dự án trong thời gian Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chưa được phê duyệt điều chỉnh và Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai để kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai, góp phần cho việc thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động thông suốt, không gián đoạn, không có khoảng trống pháp lý.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/rut-ngan-thoi-gian-cap-so-do-xuong-con-toi-da-20-ngay-410353.html