Rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân lao kháng thuốc
Phác đồ điều trị lao đa kháng thông thường có giai đoạn điều trị tấn công kéo dài 8 tháng nhưng với phác đồ mới, thời gian này là 4 tháng và giai đoạn duy trì kéo dài 5 tháng.
Ngày 7/4, tại Hà Nội, Chương trình Chống lao Quốc gia phối hợp với Hội Chống lao Hoàng gia Hà Lan tổ chức Hội thảo trực tuyến triển khai phác đồ điều trị lao kháng thuốc mới BPaL, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ lâm sàng, cán bộ xét nghiệm tại tuyến trung ương và các đơn vị tham gia Dự án LIFT TB.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia, cho biết phác đồ điều trị lao kháng thuốc mới BPaL do WHO khuyến nghị có nhiều ưu điểm hơn. Đó là thời gian điều trị của giai đoạn tấn công ngắn hơn so với phác đồ cũ, thường là 4 tháng (kéo dài tối đa đến 6 tháng) và giai đoạn duy trì kéo dài 5 tháng. Trong khi phác đồ điều trị lao đa kháng thông thường có giai đoạn điều trị tấn công kéo dài 8 tháng và tổng thời gian điều trị kéo dài 20 tháng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo phác đồ BPal có hiệu quả điều trị lên tới 90%. Phác đồ này đã được WHO khuyến cáo triển khai trong chương trình chống lao của nhiều quốc gia.
“Hiện nay, Việt Nam có gánh nặng bệnh lao và lao kháng thuốc cao. Phác đồ điều trị lao kháng thuốc của chúng ta khá dài từ 18-20 tháng. Do đó, chúng ta cần một phác đồ điều trị khác, rút ngắn thời gian điều trị hơn. Việt Nam là một trong các quốc gia tiên phong trong điều trị bệnh nhân kháng thuốc nặng bằng phác đồ mới này, bảo đảm việc thí nghiệm phác đồ mới có lợi ích tối đa cho người bệnh và cộng đồng,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung chia sẻ.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, Việt Nam tiến hành nghiên cứu triển khai thí điểm theo dõi dọc sử dụng phác đồ điều trị BPaL. Mục tiêu chính của nghiên cứu là ước hiệu quả và mức độ an toàn của phác đồ BPaL trên bệnh nhân lao đa kháng thuốc (MDR-TB)/kháng rifampicin (RR-TB) có kháng thêm với nhóm fluoroquinolone (FQ) và bệnh nhân không dung nạp thuốc hoặc thất bại trong điều trị lao đa kháng thuốc (MDR-TB).
Nghiên cứu sẽ thu nhận 567 bệnh nhân trong thời gian 3 năm tại 3 địa phương gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ và sẽ cung cấp bằng chứng cho việc quyết định triển khai mở rộng.
Chương trình Chống lao quốc gia sẽ điều trị cho ít nhất cho 100 bệnh nhân nội trú theo phác đồ mới trong thời gian một tháng.
Sau khi có kết quả, rút kinh nghiệm trong điều trị, Chương trình sẽ có báo cáo với Bộ Y tế về việc thay đổi phác đồ điều trị mới.
“Thông qua nghiên cứu này, năng lực của Chương trình Chống lao quốc gia được tăng cường trong việc triển khai thực hiện phác đồ BpaL. Kết quả của nghiên cứu sẽ được sử dụng để hỗ trợ việc triển khai mở rộng phác đồ trên quy mô toàn quốc,” Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia thông tin.
Tuy nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung cũng cho biết vấn đề vướng mắc chính hiện nay là theo Thông tư mới, yêu cầu các điểm nghiên cứu phải có đánh giá của GCP mới được công nhận và điều trị.
“Hiện nay đánh giá theo GCP mới chỉ có Bệnh viện Phổi Trung ương đáp ứng yêu cầu. Do đó, tại hội thảo, chúng tôi cũng bàn luận các giải pháp, hỗ trợ cho các đơn vị được đăng ký theo tiêu chuẩn GCP của Bộ Y tế,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung nói.
Dự án LIFT-TB (Leveraging Innovation for Faster Treatment of Tuberculosis) giai đoạn 2021-2023 với ngân sách của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA - Korea International Cooperation Agency) thông qua tổ chức của TB Alliance hỗ trợ triển khai thí điểm phác đồ BPaL tại 7 quốc gia, trong đó có Việt Nam./.