Rút tiền bằng căn cước công dân gắn chíp: Cần một khung pháp lý khi triển khai đại trà
Hiện nay, việc rút tiền mặt máy ATM bằng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip mới đang dừng ở mức độ thí điểm, chưa có khung pháp lý cụ thể để xử lý trách nhiệm của người có CCCD gắn chip, của ngân hàng cũng như các đơn vị liên quan. Nhiều ý kiến cho rằng, cần hình thành một khung pháp lý khi triển khai đại trà để đảm bảo an toàn giao dịch, đồng thời đảm bảo trách nhiệm của các bên liên quan.
Là ngân hàng đầu tiên triển khai thí điểm thành công dịch vụ rút tiền bằng thẻ CCCD gắn chip, đại diện Ngân hàng BIDV khẳng định, việc áp dụng các công nghệ hiện đại về sinh trắc học sẽ bảo mật và an toàn hơn nhiều so với trước đây.
Bà NGUYỄN THỊ QUỲNH GIAO - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng BIDV: “Việc áp dụng CCCD gắn chip trong các giao dịch đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong quá trình xác thực khách hàng, giảm thời gian tác nghiệp và loại bỏ các rủi ro giả mạo, sai sót trong quá trình giao dịch với khách hàng.”
Trước những lo lắng về bảo mật thông tin, các chuyên gia trong lĩnh chuyển đổi số cho rằng, với việc sử dụng công nghệ xác thực như hiện nay thì việc làm giả hay lọt lộ thông tin khó xảy ra.
Ông PHẠM QUANG NGA – Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ I&E Việt Nam: “Dùng thẻ CCCD gắn chip có một vài bước xác thực thậm chí là còn chuyên sâu hơn nữa. Phải đánh giá rằng, mức độ bảo mật chắc chắn có sự ưu việt hơn so với việc dùng các thẻ ATM truyền thống. Còn trong những trường hợp để lộ, lọt thông tin cá nhân hay là mất thẻ thì mức độ rủi ro cũng tương tự như đánh mất thẻ ATM thôi."
Cũng có ý kiến cho rằng, các bước xác thực chỉ đơn thuần là giải pháp công nghệ. Nhà nước cần đưa ra các quy định bắt buộc các đơn vị chấp nhận thẻ phải có các bước xác thực để đảm bảo an toàn khi giao dịch.
Ths TRẦN HỒNG TÌNH – Hội Luật gia thành phố Hà Nội: “Về việc thực hiện các bước xác thực trong giao dịch rút tiền bằng thẻ CCCD gắn chip tại cây ATM, tôi cho rằng, đó mới chỉ là một giải pháp công nghệ. Điều đó cần phải đưa vào một khung pháp lý cụ thể quy định chặt chẽ, ràng buộc vấn đề pháp lý giữa các bên ngân hàng để các bước xác thực đó bắt buộc phải có khi thực hiện việc giao dịch.”
Chưa có khung pháp lý nào quy định chặt chẽ về trách nhiệm cá nhân của người sử dụng CCCD gắn chip, trách nhiệm của ngân hàng và các đơn vị có liên quan. Bởi vậy, tôi cho rằng rất cần thiết phải hình thành một khung pháp lý cụ thể, quy định rõ ràng khi thực hiện một cách đại trà rút tiền bằng CCCD gắn chip tại cây ATM.”
Hiện nay, việc rút tiền mặt máy ATM bằng CCCD gắn chip đang dừng ở mức độ thí điểm, chưa có khung pháp lý cụ thể để xử lý trách nhiệm của cá nhân, đơn vị liên quan. Vì vậy cần hình thành một khung pháp lý khi triển khai đại trà để đảm bảo an toàn giao dịch, đồng thời đảm bảo trách nhiệm của các bên về sau.
Thực hiện : Trần Tiến Ngọc Tuấn