Rút tiền tại máy ATM bằng Căn cước công dân có an toàn?

Người dân đã sẵn sàng để sử dụng dịch vụ rút tiền bằng Cước công dân tại máy ATM. Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ băn khoăn về nguy cơ lộ thông tin nếu không may bị rơi giấy tờ, còn ngân hàng lo ngại chi phí lắp đặt thêm thiết bị sẽ đội lên và ATM có nguy cơ bị 'xóa sổ'.

Bên cạnh nhiều phương thức khác như rút tiền bằng mã QR của ứng dụng ngân hàng trên điện thoại thông minh, rút tiền bằng nhận diện khuôn mặt hoặc sinh trắc vân tay, người dân hiện có thêm hình thức nộp, rút tiền qua Căn cước công dân (CCCD) một cách dễ dàng, nhanh chóng.

Tiện lợi, nhanh chóng, nhưng cần thêm tiện ích

Cụ thể, người dân rút tiền bằng CCCD có gắn chip điện tử, phải đặt mặt sau của thẻ (nơi tích hợp chip bảo mật) lên "mắt đọc" tại cây ATM. Sau đó, thiết bị này thu thập ảnh chân dung, vân tay của công dân rồi đối sánh dữ liệu sinh trắc đã lưu trên chip. Nếu 2 trường dữ liệu trùng khớp thì người dân thực hiện các thao tác như sử dụng thẻ ATM truyền thống để rút tiền. Thời gian xác thực thông tin khách hàng rất nhanh chóng, chỉ từ 6 - 8 giây với mỗi giao dịch.

Hiện nay có 5 ngân hàng tham gia thí điểm phương thức rút tiền bằng CCCD tại 2 địa phương là Hà Nội và Quảng Ninh

Hiện nay có 5 ngân hàng tham gia thí điểm phương thức rút tiền bằng CCCD tại 2 địa phương là Hà Nội và Quảng Ninh

Theo đại diện VietinBank, các khách hàng mới chuyển đổi từ Chứng minh nhân dân sang CCCD có gắn chip nhưng chưa cập nhật thông tin với ngân hàng vẫn có thể thực hiện giao dịch rút tiền bình thường.

Tương tự, VietCapital Bank cũng triển khai nộp, rút tiền mặt bằng CCCD tại hệ thống ngân hàng tự động Digimi+. Theo đó, khách hàng hoàn toàn có thể nộp/rút tiền mặt bằng CCCD hoặc thẻ (ATM/tín dụng) tại hệ thống ngân hàng tự động Digimi+ của VietCapital Bank. Đối với rút tiền mặt, hạn mức là 10 triệu đồng/giao dịch và tối đa 100 triệu đồng/ngày.

Sau hơn 1 tháng triển khai, tuy chưa nhiều điểm chấp nhận, nhưng người dân có thể sử dụng dịch vụ nộp, rút tiền bằng CCCD tại khoảng 10 cây ATM tại Hà Nội và Quảng Ninh. Đặc biệt, nhiều người dân cho biết rất sẵn sàng sử dụng dịch vụ này bởi sự tiện ích và nhanh chóng.

Sau khi trải nghiệm dịch vụ tại cây ATM của BIDV, chị Nguyễn Thu Hà (Hà Nội) chia sẻ: "Tôi sử dụng CCCD gắn chip để chuyển khoản tại ATM rất tiện lợi và nhanh chóng, chỉ trong thời gian 2 phút, mọi giao dịch đã hoàn tất. Đặc biệt, việc rút tiền bằng CCCD gắn chip không phát sinh chi phí mới so với rút tiền bằng thẻ ATM”.

Trong khi đó, chị Thu Hương ở quận Hà Đông, Hà Nội bày tỏ ủng hộ việc bổ sung thêm nhiều tính năng cho Căn cước công dân, như vậy không cần phải mang quá nhiều loại giấy tờ trên người. “Càng nhiều phương thức xác thực thì càng tiện ích, đó cũng là mong muốn của khách hàng”, chị Hương nói.

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, thẻ CCCD gắn chip tích hợp nhiều công dụng, rất tiện ích, nên tiến tới người dân sẽ không còn phải mang nhiều thẻ trong ví. Ngoài việc 5 ngân hàng tham gia thí điểm chương trình tại 2 địa phương triển khai thí điểm trong giai đoạn đầu là Hà Nội và Quảng Ninh, cần nhanh chóng triển khai mở rộng với nhiều ngân hàng và nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Ngoài ra, cũng phải thêm nhiều tiện ích sử dụng, như được thanh toán tại các máy POS ở các cửa hàng hay siêu thị và được rút tiền ở bất cứ máy ATM nào của bất kỳ ngân hàng nào...

Đảm bảo an toàn bảo mật thông tin

Mặc dù người dân đã sẵn sàng để sử dụng dịch vụ rút tiền bằng CCCD tại máy ATM, song nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về nguy cơ lộ thông tin nếu không may bị rơi giấy tờ và mất mát tài sản.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cho biết, chi phí lắp đặt thêm thiết bị là rào cản lớn khiến các ngân hàng lo ngại trên lộ trình thực hiện phổ biến giao dịch ATM bằng CCCD.

Để có thể giao dịch được thẻ CCCD tại cây ATM, mỗi cây cần lắp đặt thêm thiết bị đọc thông tin của con chip gắn trên CCCD. Nếu phủ rộng dịch vụ giao dịch này, ngân hàng cũng phải tính tới một khoản chi phí không nhỏ.

Toàn hệ thống ngân hàng hiện có hơn 20.000 cây ATM. Trong những năm gần đây, giao dịch qua ATM giảm đáng kể do các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Vì vậy, khoản tiền đầu tư thêm thiết bị cho mỗi cây ATM là một "bài toán không dễ giải".

"Mọi tiện ích cho người dân sử dụng là rất tốt. Tuy nhiên, vấn đề là tiện ích có làm tăng chi phí của người dân hay không? Ai bỏ tiền để đầu tư thiết bị đầu cuối của các cây ATM? Nếu không tăng chi phí thì khuyến khích, còn nếu tăng chi phí thì cân nhắc cho phù hợp", ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ.

Mỗi năm, Việt Nam phát hành thêm khoảng 5 triệu chiếc thẻ ATM mới, với chi phí phát hành khoảng 250 tỷ đồng. Con số này hoàn toàn có thể giảm đáng kể khi nhu cầu mở thẻ giảm xuống vì đã có CCCD gắn chip.

Về tính bảo mật, Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (thuộc Cục C06, Bộ Công an) cho biết quy trình sử dụng thẻ CCCD gắn chip rút tiền từ cây ATM được thực hiện bảo mật, bảo vệ dữ liệu cá nhân rất chặt chẽ mà không bị thất thoát.

Nếu bị mất thẻ ATM mà bị lộ mật khẩu, kẻ gian hoàn toàn có thể sử dụng thẻ để rút tiền trong tài khoản. Nhưng với thẻ CCCD gắn chip, nếu bị mất, kẻ gian cũng không thể sử dụng để rút tiền vì thông tin trên chip bảo mật phải được đối sánh và đảm bảo trùng khớp với thông tin của chủ thẻ.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/rut-tien-tai-may-atm-bang-can-cuoc-cong-dan-co-an-toan-1086335.html