S-500 Nga thể hiện xuất sắc trong thực chiến, có thể 'bẻ gãy' mọi đòn tấn công
S-500 sẽ là lựa chọn lý tưởng để Nga tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa dọc theo đường biên giới với NATO.
Sputnik dẫn lời thiếu tướng Sergei Babakov, Tư lệnh lực lượng phòng thủ tên lửa trực thuộc không quân Nga cho biết, tập đoàn Almaz-Antey vừa hoàn thành xuất sắc một loạt các cuộc thử nghiệm đối với hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-500 “Prometheus”, bao gồm cả việc đặt vũ khí này trong trạng thái chiến đấu thực tế.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Zvezda, thiếu tướng Babakov tiết lộ S-500 là một hệ thống tên lửa phòng không tầm xa được phát triển mới hoàn toàn, không dựa vào thiết kế của các hệ thống S-400 Triumf hay S-300 trước đó. Nhiệm vụ chính của S-500 là đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung và liên lục địa của đối phương ngay cả trong giai đoạn cuối. Ngoài ra, hệ thống này còn có thể tiêu diệt máy bay siêu thanh và máy bay không người lái (UAV).
"Hệ thống phòng không S-500 có khả năng tiêu diệt mọi loại vũ khí siêu thanh kể cả trong không gian, mọi phương tiện bay và cả tên lửa đạn đạo, chúng tôi có thể tự tin nói rằng đây là hệ thống vũ khí duy nhất trên thế giới có thể làm được điều này”, thiếu tướng Babakov nhấn mạnh.
Hệ thống phòng không mới của Nga được cho là có thể tấn công tên lửa đạn đạo của đối phương ở cự ly lên tới 600km và máy bay ở khoảng cách 500km.
Đại diện lực lượng phòng thủ tên lửa Nga còn giải thích rằng các cuộc thử nghiệm của S-500 thường bao gồm bài kiểm tra tiêu diệt các mục tiêu bay sở hữu thông số kỹ thuật tương dương các loại vũ khí tấn công hàng không vũ trụ hoặc tiên tiến đang được các cường quốc sử dụng.
Theo Thiếu tướng Babakov, bên cạnh việc đưa vào trang bị các hệ thống vũ khí mới, lực lượng phòng không Nga còn trau dồi kỹ năng của mình bằng cách đánh chặn cả các mục tiêu có kích thước nhỏ, bay tầm thấp cho đến các mục tiêu có tốc độ bay nhanh ở độ cao lớn như tên lửa siêu thanh.
Hơn nữa, kinh nghiệm có được trong suốt thời gian tham chiến ở Syria cũng giúp phòng không Nga xây dựng được một chiến lược đối phó với các tấn công phi đối xứng.
S-500 có phải được nâng cấp từ S-400?
Tháng 12 năm ngoái, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexei Krivoruchko tiết lộ rằng hệ thống tên lửa S-500 và radar cảnh báo sớm tầm xa Voronezh có thể đi vào hoạt động sớm nhất là vào năm 2021, sau khi hoàn thành các cuộc thử nghiệm.
Các radar cảnh báo sớm tầm xa là “xương sống” của bất kỳ tổ hợp phòng thủ tên lửa nào. Bản thân dòng radar cảnh báo sớm Voronezh có nhiệm vụ giám sát không phận, phát hiện sớm các cuộc tấn công của tên lửa đạn đạo và máy bay, nó cũng được phát triển thành ba biến thể: Voronezh-M (dải mét), Voronezh-DM (dải decimet) và Voronezh-SM (dải centimet). Cả ba đều hoạt động trong một hệ thống duy nhất nên khả năng xác định các thông số và phân loại mục tiêu chính xác hơn.
Đầu tháng 4/ 2021, Almaz-Antey phát đi tín hiệu cho thấy quá trình thử nghiệm hệ thống phòng không S-500 sẽ kết thúc trong năm nay. Theo kế hoạch, S-500 sẽ được chuyển giao cho quân đội Nga sau khi kết thúc quá trình thử nghiệm trong thực chiến.
Trước đó, vào cuối tháng 6, trong cuộc gặp với học viên vừa tốt nghiệp từ các trường quân sự và học viện của Bộ Quốc phòng, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố hệ thống phòng không S-500 Prometheus, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat và tên lửa siêu thanh Zircon sẽ sớm được đưa vào trang bị cùng các tổ hợp quân sự tiên tiến khác.
Chương trình phát triển hệ thống phòng không S-500 của Nga cũng gây ra không ít tranh cãi giữa các nhà quan sát quân sự phương Tây, bởi nhiều ý kiến cho rằng phòng không Nga có thể dễ dàng “bắt thóp” các máy bay tàng hình của Mỹ khi S-500 đi vào hoạt động.
"Trong tất cả các dự án phát triển vũ khí tiên tiến của Điện Kremlin, S -500 là một trong những câu trả lời trực tiếp và mạnh mẽ nhất của Nga đối với các dòng tiêm kích tàng hình của Mỹ như F-35 Lightning II và F-22 Raptor", tờ National Interest nhận định trong một bài bình luận vào tháng 5/2021.
Trong khi đó tờ Drive lại cho rằng, S-500 sẽ là lựa chọn lý tưởng để cung cấp khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo trong khu vực dọc theo biên giới châu Âu của Nga với NATO. Về nhiều mặt, S-500 gần giống với Hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ, tuy nhiên tên lửa của Nga có khả năng chiến đấu linh động và toàn diện hơn.
Theo các nhà quan sát phương Tây, S-500 không thể được gọi là "người kế nhiệm" thuần túy của S-400, nó là một vũ khí hoàn toàn mới, được thiết kế để hoàn thành một loạt các nhiệm vụ chiến lược.