S&P 500 tiếp tục leo dốc nhờ cổ phiếu Alphabet, giá dầu tăng nhẹ
Phiên giao dịch ngày thứ Năm (24/7) đánh dấu phiên tăng điểm thứ tư liên tiếp của chỉ số S&P 500 và thứ hai liên tiếp của chỉ số Nasdaq nhờ kết quả kinh doanh khởi sắc của Alphabet làm gia tăng sự hưng phấn của nhà đầu tư về các cổ phiếu liên quan tới trí tuệ nhân tạo (AI)…

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters
Cả hai chỉ số này đều đạt mức điểm cao chưa từng thấy. Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,07% lên 6.363,35 điểm, còn Nasdaq tăng 0,18% chốt ở mức 21.057,96 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệp Dow Jones giảm 0,7% còn 44.493,91 điểm.
Giá cổ phiếu Alphabet - công ty mẹ Google - tăng 1% khi kết quả kinh doanh quý 2 khiến giới đầu tư tin vào các khoản đầu tư mạnh tay của công ty này trong cuộc đua công nghệ AI đang mang lại “trái ngọt”. Tổng doanh thu của Alphabet tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, vượt mức dự báo 10,9% của các nhà phân tích. Năm nay, công ty này dự kiến sẽ tăng tiếp tục đầu tư mạnh vào AI trong năm nay.
Giá cổ phiếu của Microsoft, Nvidia và Amazon phiên này cũng tăng khoảng 1%.
Thông tin chi tiết về thỏa thuận thương mại Mỹ - Nhật được công bố hôm thứ Tư và những tín hiệu khả quan về đàm phán thương mại với Liên minh châu Âu (EU) cũng góp phần vào tâm lý lạc quan trên thị trường.
“Nhà đầu tư đang cảm thấy rất lạc quan về các cuộc đàm phán thương mại, về nền kinh tế, xu hướng lạm phát cũng như báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 tốt hơn dự báo của các công ty”, ông Sam Stovall, chiến lược gia đầu tư trưởng tại công ty CFRA Research, nhận xét.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu Tesla lao dốc 8,2% sau khi CEO Elon Musk của công ty này cảnh báo về “một vài quý khó khăn” sắp tới khi Chính phủ Mỹ cắt hỗ trợ cho các nhà sản xuất xe điện. Kết quả kinh doanh quý 2 được công bố ngày thứ Tư của công ty này cũng gây thất vọng lớn. Tính từ đầu năm 2025 đến nay, mã này đã giảm khoảng 25%.
Trong phiên, cổ phiếu American Airlines cũng sụt mạnh gần 10% sau khi hãng hàng không này dự báo sẽ lỗ nặng trong quý 3 do nhu cầu đi lại trong nước ảm đạm. Cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây ra sự bất ổn ở mức độ lớn nhất đối với ngành hàng không kể từ sau đại dịch Covid-19.
Thị trường cũng theo dõi sát sao kết quả chuyến thăm của ông Trump tới trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), sau nhiều tháng chỉ trích Chủ tịch Fed Jerome Powell vì không hạ lãi suất. Thị trường hiện dự báo 60% khả năng cơ quan này sẽ có một đợt hạ lãi suất vào tháng 9 - theo công cụ FedWatch của sàn CME.
Báo cáo việc làm vừa công bố Bộ Lao động Mỹ vừa cho thấy số lượng đơn xin thất nghiệp trong tuần trước tại nước này giảm còn 217.000 - thấp hơn mức dự báo. Đây là tín hiệu cho thấy thị trường việc làm của nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục duy trì trạng thái khỏe mạnh.
Hoạt động của doanh nghiệp Mỹ tăng trưởng tốt trong tháng 7, nhưng nhiều công ty đã tăng giá hàng hóa và dịch vụ do thuế quan. Điều này khiến một số nhà phân tích dự báo lạm phát sẽ tăng nhanh hơn trong những tháng tới.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu quay đầu tăng nhờ tin tức tích cực về đàm phán của Mỹ với các đối tác thương mại giúp giải tỏa phần nào mối lo về áp lực với nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, dữ liệu cho thấy tồn kho dầu của Mỹ giảm mạnh hơn dự báo.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 67 cent/thùng, tương đương tăng 0,98%, đóng cửa ở mức 69,18 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 78 cent/thùng, tương đương tăng 1,2% lên 66,03 USD/thùng.
Cả hai loại dầu này đều giảm nhẹ trong phiên ngày thứ Tư khi thị trường theo dõi các diễn biến đàm phán thương mại Mỹ - EU, sau khi ông Trump thông báo về thỏa thuận với Nhật.
“Lực mua tăng nhờ tâm lý lạc quan rằng tiến triển trong đàm phán thuế quan của các nền kinh tế lớn sẽ giúp nền kinh tế toàn cầu tránh được kịch bản xấu nhất”, chiến lược gia trưởng Hiroyuki Kikukawa của công ty Nissan Securities Investment, nhận xét. “Tuy nhiên, sự bất định vẫn bao trùm đàm phán Mỹ - Trung và đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine đã kìm hãm khiến giá dầu không tăng đột phá”.
Vị chuyên gia dự báo giá dầu WTI có thể sẽ vẫn duy trì quanh ngưỡng 60-70 USD trong thời gian tới.
Về nguồn cung, dữ liệu mới công bố của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ tuần trước giảm 3,2 triệu thùng xuống còn 419 triệu thùng, giảm mạnh hơn đáng kể so với mức dự báo chỉ giảm 1,6 triệu thùng của các nhà phân tích trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.
Bên cạnh đó, căng thẳng chính trị vẫn là một mối quan tâm chính trên thị trường năng lượng. Các quan chức Nga và Ukraine đã gặp nhau Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày thứ Tư để thảo luận về việc trao đổi thêm tù binh. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa tìm được nói chung về các điều khoản của lệnh ngừng bắn và việc sắp xếp một cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo cấp cao nhất.