S&P 500 vượt mốc 4000 điểm; Dầu tăng giá khi lo ngại về ngành ngân hàng dịu lại
Chứng khoán Mỹ tiếp đà tăng vào thứ Ba (21/3), khi các nhà đầu tư trở nên lạc quan về triển vọng của ngành tài chính sau những lời trấn an của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen. Giá dầu tăng, mở rộng đà phục hồi từ phiên trước đó, khi việc giải cứu Credit Suisse giúp xoa dịu những lo ngại về rủi ro của ngành ngân hàng toàn cầu có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và nhu cầu nhiên liệu.
Phố Wall đánh dấu ngày tăng thứ hai
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones tăng 316,02 điểm, tương đương 0,98%, đóng cửa ở mức 32.560,60. Trong khi đó, S&P 500 tiến 1,30% và kết thúc ngày ở mức 4.002,87 - lần đầu tiên chỉ số này khép phiên trên ngưỡng 4.000 kể từ ngày 06/3. Nasdaq Composite cộng 1,58%, lên 11.860,11.
Cổ phiếu của các ngân hàng khu vực đã tăng mạnh trong ngày 21/3, dẫn đầu là First Republic với mức tăng bức phá gần 30%, một ngày sau khi “lao dốc” 47%. Chứng chỉ quỹ SPDR Regional Banking ETF vọt gần 6%. Cổ phiếu các ngân hàng khu vực được hỗ trợ sau khi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết rằng chính phủ sẵn sàng cung cấp thêm bảo đảm tiền gửi nếu cuộc khủng hoảng ngân hàng trở nên tồi tệ hơn.
Phố Wall đang chờ đợi thông báo của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) về lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ vào chiều ngày 22/3. Các nhà đầu tư hiện đang mong đợi tốc độ thắt chặt chậm hơn từ Fed do cuộc khủng hoảng ngân hàng. Theo công cụ FedWatch của CME Group, các nhà giao dịch hiện đang dự đoán 86% khả năng lãi suất sẽ tăng thêm 25 điểm cơ bản khi Fed kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày vào thứ Tư. Xác suất tạm dừng nâng lãi suất là 13,6%.
Johan Grahn, trưởng bộ phận chiến lược ETF tại Allianz Investment Management, cho biết “Nếu Fed tạm ngừng nâng lãi suất, điều đó cũng giống như thừa nhận rằng họ biết điều gì đó mà có thể thị trường không biết. Tôi nghĩ đó sẽ là ý tưởng tồi tệ đối với họ.”
Ông cũng nói thêm rằng, sự biến động của thị trường sau thất bại của Silicon Valley Bank và cuộc khủng hoảng của Credit Suisse là một “phản ứng tức thời rất tự nhiên để các nhà đầu tư hướng tới sự an toàn ngay lập tức.”
Dầu tăng khi lo ngại về ngân hàng giảm bớt
Sau những biến động ban đầu vào thứ Hai, tâm lý trên khắp các thị trường tài chính đã được cải thiện sau khi UBS tiếp quản Credit Suisse và sau khi các ngân hàng trung ương lớn cho biết họ sẽ tăng cường thanh khoản thị trường và hỗ trợ hệ thống ngân hàng.
Khép phiên, dầu thô Brent tăng 70 cent, tương đương 0,95%, ở mức 74,49 USD/thùng. Dầu thô West Texas Middle của Mỹ cũng tăng 81 cent, tương đương 1,20%, giao dịch ở mức 68,45 USD.
Chuyên gia Stephen Brennock của công ty môi giới dầu mỏ PVM cho biết: “Mặc dù một cuộc khủng hoảng trước mắt dường như đã được ngăn chặn nhưng vẫn có những lo ngại về một đợt bán tháo khác.”
Trọng tâm tiếp theo đối với các nhà đầu tư là quyết định của Fed vào thứ Tư về việc liệu có tăng lãi suất hay không và tăng bao nhiêu khi cơ quan này kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày.
Kể từ khi khủng hoảng ngân hàng bắt đầu vào tháng này, thị trường đã điều chỉnh giảm kỳ vọng về lần tăng lãi suất tiếp theo của Fed xuống 25 điểm cơ bản từ 50 điểm cơ bản.
Chỉ số đô la tăng vào thứ ba sau khi chạm mức đáy trong 5 tuần trong phiên trước đó. Đồng đô la mạnh hơn khiến dầu trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác và do đó có thể làm giảm nhu cầu.
Một cuộc họp của các bộ trưởng chủ chốt của OPEC+, bao gồm các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với Nga và các đồng minh khác, dự kiến diễn ra vào ngày 03/4. Các nguồn tin của OPEC+ nói với Reuters rằng việc giảm giá dầu phản ánh lo ngại về ngành ngân hàng, thay vì mất cân bằng cung và cầu.