Sa bẫy 'việc nhẹ lương cao' bên kia biên giới
Không ít người đã ngã quỵ sau khi nghe cuộc điện thoại từ bên kia biên giới gọi về đòi tiền chuộc người thân. Nhà tôn vách nứa, biết lấy tiền đâu ra để chuộc? Nhưng nếu không bỏ tiền chuộc thì chồng, con có còn lành lặn trở về sau chuyến làm ăn xa với ước vọng đổi đời?
Ngồi nghe những người mẹ nghẹn ngào kể chuyện con đi làm thuê bên Campuchia bị hành hạ, đánh đập bởi tin lời dụ dỗ của kẻ xấu, chúng tôi cũng bủn rủn tay chân. Kèm với đó là sự căm giận đối với những kẻ táng tận lương tâm trục lợi trên thân phận những con người mang khát vọng thoát nghèo tha hương tìm kiếm việc làm.
Làm thuê mang họa
Tựa lưng nơi bậc cửa ngôi nhà sàn xiêu vẹo thưng chưa kín vách, bà K.P. (làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai) thẫn thờ dõi mắt nhìn về phía đường biên giới. Ở đâu đó bên đất Campuchia, 2 người con trai của bà chưa biết sống chết ra sao.
Đôi mắt đỏ hoe, bà P. kể: Đầu tháng 6, trong các cuộc tụ tập, đám thanh niên làng này cù rủ nhau vào TP. Hồ Chí Minh làm thuê với mức lương hấp dẫn, lên đến 18-20 triệu đồng/người/tháng. Hai đứa con bà là T. (SN 1994) và Đ. (SN 1998) cũng hào hứng lắm. Do nhà nghèo, 2 đứa cũng mới cưới vợ và con còn nhỏ nên muốn đi làm để có tiền để trang trải cuộc sống. Bà P. khuyên con ở nhà làm rẫy, tuy nghèo nhưng được gần gia đình nhưng chúng chỉ ậm ừ. Có ngờ đâu cách đây chừng 10 hôm, trong đêm, cả hai lẳng lặng ôm quần áo theo 5 đứa bạn cùng làng bắt xe đi vào miền Nam. Đi nửa đường rồi chúng nó mới gọi điện thoại về báo rằng đi làm thuê miền Nam, đã nhờ người sắp xếp công việc ổn thỏa trong đó và dặn mọi người ở nhà giữ sức khỏe, đừng lo lắng gì.
“Cứ ngỡ chúng nó lo được chu toàn rồi, tôi cũng khấp khởi mừng. Ai ngờ mới hôm rồi, vợ thằng Đ. sấp ngửa chạy về nhà khóc lu loa. Một hồi sau nó mới nói là chồng đang ở Campuchia gọi điện về bảo gửi sang 90 triệu đồng, trong đó, 80 triệu đồng tiền đền bù hợp đồng vì xin nghỉ việc sớm, 10 triệu đồng tiền xe cộ về nước. Nhà nghèo, vợ nó mới mang bầu tháng thứ 5, không đi làm thì lấy tiền đâu mà gửi sang bây giờ. Còn thằng T. vẫn gắng sức làm việc cho người ta chưa đến mức phải gọi về bảo gia đình gửi tiền chuộc. Mấy đêm nay, tôi thức trắng ngóng 2 con trai, vợ chúng nó cũng vậy. Chúng tôi cũng chạy vạy mà chưa đủ tiền chuộc thằng Đ, chắc phải bán nhà, bán rẫy thôi. Mà bán rồi, biết ở đâu và làm gì để sống”-bà P. nghẹn ngào.
Cách đó mấy nóc nhà, gia đình bà K.B. cũng như “ngồi trên đống lửa” vì lo cho tính mạng con trai K.C. (SN 2003) đang làm thuê ở Campuchia. Gia đình bà B. đang xoay xở để có 150 triệu đồng gửi sang chuộc con. “Bữa thấy nó gặp mấy thanh niên trong làng để bàn nhau đi làm ăn trong miền Nam, tôi ra sức can nhưng không được. Đi làm thuê lương tháng 18 triệu đồng mà nói chuyện lén lút như ăn trộm. Có ngờ đâu chúng nó bị người ta lừa sang Campuchia làm việc, bị đánh đập và thường xuyên bị bỏ đói. Gia đình khó khăn, chúng tôi không có số tiền lớn như thế để chuộc con. Mong chính quyền có cách giải cứu cháu về nước”-bà B. rầu rĩ.
Tại thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang), cha mẹ em D.V.T. (SN 2007) nhiều ngày đỏ mắt ngóng tin con. Dù biết con đang ở Campuchia, bị người ta hành hung nhưng vì gia cảnh khốn khó, không thể xoay đâu được 65 triệu đồng tiền để chuộc con nên bố mẹ T. chỉ biết gửi đơn kêu cứu đến Công an huyện Mang Yang. Bà L. (mẹ em T.) lo lắng kể: “Tháng 3 vừa rồi, cháu bỏ học để đi làm thuê. Tìm hiểu mới biết, thông qua mạng xã hội, cháu quen một người tên Hoàng làm công tác nhân sự tuyển người sang Campuchia làm vi tính với mức lương 18 triệu đồng/tháng. Thế là cháu sang đó làm. Ban đầu, cháu vẫn liên lạc về bảo công việc ổn định. Nhưng ít lâu sau, cháu gọi về bảo vay tiền nóng gửi sang để đền bù vì vi phạm hợp đồng. Nếu gia đình không gửi tiền, cháu sẽ bị bán sang công ty khác làm, bắt nhịn đói”.
Dẫu đã chuyển đủ tiền để chuộc con trai về nước an toàn nhưng khi nhắc lại chuyện cũ, bố mẹ em P.P.T. (SN 1999, xã Ia Bang, huyện Chư Prông) vẫn chưa hết hãi hùng. “Cháu bị lừa đảo sang một tỉnh ven biển của Campuchia “đào” bitcoin. Làm từ đêm đến sáng mà không đủ chỉ tiêu nên phải gọi về nói gia đình chuyển tiền sang để đền bù vi phạm hợp đồng. Khi chúng tôi chuyển đủ tiền thì đám lừa đảo mới thả cho cháu về Việt Nam”-mẹ em T. chia sẻ.
“Miếng pho mát miễn phí chỉ có trên chiếc bẫy chuột”
Với nhiều người trẻ tuổi, nhất là gia đình có hoàn cảnh khó khăn, khát vọng đổi đời luôn hừng hực cháy. Vì thế, khi nghe nơi nào có công việc với mức lương hấp dẫn, họ sẵn sàng bỏ lại sau lưng cha mẹ, vợ con để tìm đến. Họ chính là “con mồi béo bở” của các đối tượng lừa đảo núp bóng môi giới việc làm. Đặc biệt, sự thiếu hiểu biết về thông tin việc làm trên mạng xã hội đã khiến không ít người “sập bẫy” lừa đảo. Hàng trăm nạn nhân, trong đó có hàng chục người Gia Lai mắc bẫy lừa đảo việc làm ở Campuchia là một hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng này.
“Đang lúc rảnh rỗi, cháu xin vào TP. Hồ Chí Minh làm việc ít tháng rồi về phụ giúp tôi thu hoạch nông sản. Vì quen người trên mạng xã hội, nghe lời dụ dỗ ngon ngọt việc nhẹ lương cao nên cháu sang Campuchia làm. Cháu kể là khi chưa đi, đám lừa đảo bảo công việc không hề nặng nhọc, học nghề nhanh vì đơn giản và chỉ làm trên máy vi tính. Thế mà lúc sang đó, cháu phải thức trắng đêm làm việc, nếu không đủ chỉ tiêu thì phải làm bù ban ngày. Ai làm không đạt thì chúng nó dùng dùi cui điện chích. Con tôi nói dù không bị chích điện nhưng lại bị bắt phải chích những người khác. Không làm theo không được. Nghe con gọi về nói úp mở, chúng tôi chạy vạy tiền bạc gửi sang chuộc gấp”-mẹ em P.P.T. kể thêm.
Khi nghe tôi hỏi: “Họ nhắn tin số tài khoản thôi à? Anh chị không sợ bị lừa lần nữa sao?”, bố em P.P.T. thủng thẳng: “Biết làm sao khác được chú. Nghe bảo không gửi tiền là con không toàn mạng, mình đành liều thôi. Thậm chí, lúc gia đình tôi đã đồng ý mức tiền đền bù, gửi thêm tiền xe thuê chở nhưng gần đến biên giới, chúng nó còn gọi bảo gửi gấp tiền, không gửi sẽ chở ngược lại chỗ làm cũ, đừng hòng tìm được con. Sau lần này, con trai tôi rút ra được bài học xương máu vì nhẹ dạ cả tin. Tuy nhiên, cháu bị ám ảnh tâm lý, xấu hổ nên tránh gặp mọi người xung quanh”.
Chủ tịch UBND xã Ia Bang Nguyễn Ngọc Trúc chia sẻ: “Đây là trường hợp đầu tiên ở xã bị lừa đảo ra nước ngoài làm việc. Cháu T. vào miền Nam làm việc rồi bị lừa sang Campuchia. Ủy ban nhân dân xã sẽ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân, tránh xảy ra trường hợp tương tự”.
Nói về 7 công dân “dính bẫy” việc làm ở Campuchia, Phó Chủ tịch UBND xã Ia O Ksor Tuâng cho hay: “Đây là sự việc đáng tiếc. Nguyên nhân là do đa phần gia đình các nạn nhân khó khăn về kinh tế, lại nhẹ dạ cả tin khi nghe dụ dỗ việc nhẹ lương cao. Sau khi nắm thông tin, chúng tôi đã gặp gỡ, động viên các gia đình và báo cáo cấp trên để có hướng tháo gỡ. Tới đây, song song với hoạt động tuyên truyền phòng tránh tình trạng lừa đảo việc làm, xã cũng sẽ làm việc với các doanh nghiệp trồng cao su trên địa bàn tiếp tục nhận người vào làm công nhân, nhất là người dân tộc thiểu số. Ngoài ra, xã sẽ phối hợp với các ban, ngành của huyện tổ chức phiên chợ việc làm và các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn”.
Thượng tá Đinh Văn Sơn-Phó Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) cũng thông tin: Thời gian gần đây, đơn vị nhận được các đơn trình báo về thủ đoạn mới là lừa đi làm việc tại Campuchia với mức lương 800-1.000 USD/người/tháng. Theo đó, sau khi sang Campuchia, công dân được đưa vào sống trong các căn hộ chung cư do người Trung Quốc quản lý. Công việc hàng ngày của họ là thông qua mạng xã hội gọi điện về Việt Nam để lừa đảo người trong nước bằng các hình thức: tuyển cộng tác viên bán hàng, kêu gọi đầu tư, lôi kéo đi làm việc tại Campuchia… Nếu không đạt chỉ tiêu, họ sẽ bị phạt hoặc đánh đập, bỏ đói rồi sau đó buộc phải gọi điện cho người nhà gửi tiền chuộc do vi phạm hợp đồng ký kết trước đó. Họ chỉ được thả khi người thân nộp đủ tiền theo thỏa thuận. “Khi có nhu cầu tìm việc làm, người dân cần phải tìm hiểu kỹ, tỉnh táo trước thông tin tuyển người trên mạng xã hội và thực hiện theo đúng các thủ tục, quy định của pháp luật Việt Nam về lao động, nhất là đi lao động ở nước ngoài. Đồng thời, người lao động cần tìm đến chính quyền định phương hay Sở Lao động-Thương binh và Xã hội để được hướng dẫn, tư vấn cụ thể khi tìm việc, tránh bị lừa đảo”-Thượng tá Sơn khuyến cáo.
“Đói thì đầu gối phải bò”. Dù việc nhẹ lương cao luôn có sức hấp hẫn với bao người nhưng câu thành ngữ phương Tây “miếng pho mát miễn phí chỉ có trên chiếc bẫy chuột” vẫn là lời cảnh báo có sức thuyết phục.
HOÀNH SƠN