'Sa lầy' trong giảm phát - kịch bản 'ác mộng' với Trung Quốc nhưng lại là tin vui của Fed?
Trong khi ở khắp nơi trên thế giới, rủi ro là lạm phát dai dẳng, thì tại Trung Quốc, giảm phát kéo dài lại khiến đất nước này đau đầu.
Rủi ro giảm phát
Chỉ 6 tháng trước, các nhà kinh tế lo lắng rằng, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau gần 3 năm áp dụng chính sách nghiêm ngặt phòng chống đại dịch Covid-19 sẽ dẫn đến sự gia tăng hoạt động kinh tế, làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát cao ngất ngưởng trên toàn cầu.
Nhưng hiện tại, dù người tiêu dùng đã quay trở lại mua sắm và sử dụng các dịch vụ giải trí, việc mở cửa trở lại đã không mang lại kết quả như những gì thế giới mong đợi. Lĩnh vực bất động sản vẫn trong tình trạng "ốm yếu", tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng cao và khoản nợ 35 nghìn tỷ USD của chính quyền địa phương đã đè nặng lên tăng trưởng kinh tế, khiến giá tiêu dùng trong nước bị đình trệ.
Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 6/2023 gần mức 0%, gây bất ngờ cho các nhà kinh tế, vốn đã kỳ vọng mức tăng 0,2% khác. Như vậy, lạm phát của Trung Quốc đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021, chủ yếu do giá thịt heo và năng lượng giảm.
Trong khi đó, lạm phát cơ bản (không bao gồm giá lương thực và năng lượng dễ biến động hơn) đã giảm 0,1%, xuống 0,4%, từ mức 0,6% của tháng 5
Nhận định về số liệu trên, ông Zhang Zhiwei, kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management Ltd nói: “Nguy cơ giảm phát là rất thực tế. Cả hai thước đo lạm phát đều bổ sung thêm bằng chứng cho thấy, sự phục hồi đang yếu đi, với những lo ngại về giảm phát đè nặng lên niềm tin người tiêu dùng".
Các nhà phân tích của Nomura dự đoán, lạm phát sẽ “trượt xa hơn” vào tháng tới, xuống mức -0,5%.
Cũng trong tháng 6/2023, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc cũng giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm giá sản xuất mạnh nhất trong hơn 7 năm và là tháng giảm thứ 9 liên tiếp đối với chỉ số này.
Nhà kinh tế Harrington Zhang của Nomura nhận định, kết quả PPI phần lớn là do sự sụt giảm mạnh về giá nguyên liệu thô và nhu cầu suy giảm từ các nhà sản xuất.
Trong bối cảnh có dấu hiệu tăng trưởng yếu và giá sản xuất giảm, chính phủ Trung Quốc và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã nỗ lực thúc đẩy chi tiêu và đầu tư vào nước này.
Thời gian qua, các quốc gia khác liên tục tăng lãi suất để chống lạm phát thì PBoC đã quyết định cắt giảm lãi suất trung hạn chủ chốt vào tháng 6. Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cũng cam kết đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Các nhà phân tích của Nomura tin rằng, dữ liệu lạm phát mới nhất sẽ khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới "tung" nhiều gói kích thích tài chính và tiền tệ hơn trong suốt cả năm nay.
Các nhà phân tích nhấn mạnh: “Chỉ số lạm phát cực thấp hỗ trợ cho quan điểm của chúng tôi rằng, PBoC có khả năng thực hiện thêm hai đợt cắt giảm lãi suất chính sách trong thời gian còn lại của năm".
Hồi chuông báo động
Nền kinh tế sa lầy trong giảm phát có thể là kịch bản ác mộng đối với một quốc gia.
Ông Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng tại công ty kiểm toán Ernst & Young (EY) giải thích: “Việc nền kinh tế bị mắc kẹt trong môi trường giảm phát này là một rủi ro thực sự. Xét về tiềm năng tăng trưởng, nếu nền kinh tế phải đối mặt cùng lúc với rủi ro giảm phát và môi trường nợ tăng cao, thì đó là điều tồi tệ nhất".
Trung Quốc đang phải đối mặt với “sự suy thoái bảng cân đối kế toán” như đã từng thấy trong “thập niên mất mát” của Nhật Bản vào những năm 1990.
Ông Daco lưu ý rằng, giảm phát khiến các khoản nợ trở nên đắt đỏ hơn và cũng làm trì hoãn chi tiêu, đầu tư của người tiêu dùng. Do đó, giảm phát khiến tăng trưởng bị trì hoãn và chi phí nợ tăng lên.
Nhà kinh tế trưởng Richard Koo của Viện nghiên cứu Nomura cảnh báo rằng, Trung Quốc đang phải đối mặt với “sự suy thoái bảng cân đối kế toán” như đã từng thấy trong “thập niên mất mát” của Nhật Bản vào những năm 1990. Thời điểm đó, người tiêu dùng và doanh nghiệp chuyển từ đầu tư và chi tiêu sang giảm thiểu nợ do giảm phát dai dẳng.
Theo ông Daco, tác động này có thể còn tồi tệ hơn ở Trung Quốc vì nước này thiếu mạng lưới an sinh xã hội. Không có sự hỗ trợ của chính phủ, người tiêu dùng Trung Quốc buộc phải tiết kiệm nhiều hơn thay vì chi tiêu và đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhà kinh tế Daco khẳng định: “Đó là một vấn đề kéo dài và mang tính cấu trúc trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từ nhiều thập niên. Người tiêu dùng thắt hầu bao, tăng tiết kiệm là một trong những lý do dù đối mặt với khó khăn, Bắc Kinh vẫn chứng kiến quỹ đạo tăng trưởng ấn tượng".
Tin tốt cho Fed
Mặc dù giảm phát chắc chắn sẽ không giúp ích gì cho nền kinh tế của Trung Quốc, nhưng đó có thể là một dấu hiệu mừng đối với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - cơ quan đang cố gắng dập tắt tình trạng lạm phát.
Ông Ed Yardeni, Chủ tịch công ty nghiên cứu thị trường Yardeni Research cho rằng, tình trạng giảm phát của Trung Quốc có thể giúp chỉ số PPI của Mỹ “bất ngờ giảm xuống”.
Ông lưu ý: "Trong lịch sử, chỉ số PPI của nền kinh tế lớn nhất thế giới có “mối tương quan cao” với của Trung Quốc do mức độ trao đổi thương mại chặt chẽ giữa hai quốc gia. Sự phục hồi yếu ớt sau đại dịch của Bắc Kinh có thể là nguyên nhân gây giảm phát cho nền kinh tế toàn cầu".
Còn nhà kinh tế Daco thì nói rằng, mặc dù không có ngân hàng trung ương nào muốn chứng kiến tình trạng giảm phát, nhưng Fed có thể cảm thấy hài lòng khi thấy "tình trạng giảm phát từ phần còn lại của thế giới”.
Dù vậy, các chuyên gia nhận thấy, vấn đề giảm phát của Trung Quốc có thể là tin tốt cho các quan chức Fed, nhưng lại là rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu trong dài hạn.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc, từ một quốc gia đang phát triển thành một siêu cường toàn cầu và là đối thủ kinh tế lớn của Mỹ kể từ những năm 1990 đã định hình lại thế giới. Tình trạng giảm phát dai dẳng có thể thay đổi thực trạng này.
Đặc biệt, đối với thế hệ Z (thế hệ này được sinh ra từ năm 1997 đến năm 2012) của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - những người đang vật lộn với tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục hơn 20% - giảm phát là một thảm họa đang chực chờ bùng nổ.