Sa mạc hóa, hiểm họa của hành tinh và những giải pháp ngoạn mục
Các sa mạc trên khắp thế giới đang nhanh chóng mở rộng khi đất đai ngày càng khô cằn và mất khả năng tái tạo. Làm thế nào chúng ta có thể ngăn chặn hiểm họa này và phủ xanh sa mạc trở lại. Đây là sứ mệnh vô cùng khó khăn, nhưng không hề nằm ngoài tầm tay con người.
Hiểm họa sa mạc hóa
Trải dài khắp Mông Cổ và phía tây bắc Trung Quốc có một sa mạc phát triển nhanh nhất trên trái đất. Đó chính là sa mạc Gobi và hiện nó đã có kích cỡ lên tới 1,2 triệu km vuông, đồng thời mỗi năm đang mở rộng thêm khoảng 6.000 km mét vuông nữa.
Khi mở rộng, nó nuốt chửng đồng cỏ, nuốt chửng toàn bộ các ngôi làng và biến những vùng đất phì nhiêu rộng lớn thành một vùng đất hoang vắng không thể ở được. Hàng chục nghìn người đã và sẽ bị buộc phải phải rời bỏ quê hương và nhà cửa của mình.
Một cơn bão cát sa mạc ập vào một ngôi làng ở Trung Quốc
Sa mạc hóa - quá trình mà đất đai màu mỡ trước đây bị thoái hóa thành sa mạc - có thể do các quá trình tự nhiên gây ra. Nhưng con người đóng một vai trò quyết định trong sự mở rộng nhanh chóng của nó.
Có 4 lý do chính dẫn đến tình trạng xấu đi của đất trên toàn thế giới: Sử dụng quá nhiều nước trong nông nghiệp và công nghiệp, hạn hán thường xuyên và nghiêm trọng hơn là nạn phá rừng và việc chăn nuôi quá nhiều trên đồng cỏ.
Để rồi hậu quả là những cảnh quan trù phú và tươi tốt trước đây đang biến thành những vùng cát, đe dọa sinh kế của khoảng 1 tỷ người trên toàn thế giới, cũng như sự tồn tại của hàng triệu loài động thực vật khác. Các dự báo cho thấy vào giữa thế kỷ này, một phần tư đất trên trái đất sẽ bị tác động bởi quá trình sa mạc hóa.
Đó dường như là một sự tuyệt vọng, thậm chí với những người bi quan sa mạc hóa có thể tạo ra một thảm họa khủng khiếp nhất cho nhân loại trong thời gian ngắn tới. Nhưng điều đó không có nghĩa, chúng ta chỉ có thể đứng nhìn. Ít nhất, các nhà khoa học đã tìm ra giải pháp để ngăn chặn sự mở rộng của sa mạc, thậm chí có thể tái tạo sa mạc trở thành những vùng đất xanh mướt, phì nhiêu như chúng đã từng như vậy trước đây.
Từ bài học của người Inca đến công nghệ 4.0
Một giải pháp đầy hứa hẹn đang được triển khai ở sa mạc Mecca, Ả Rập Xê Út. Nó được gọi là dự án Al Baydha. Tại đó, các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp sa mạc đã phát triển một hệ thống giúp những vùng đất hoang vắng tìm lại sự sống với sự hỗ trợ của chính những cơn mưa tự nhiên.
Thiết lập những cánh đồng pin mặt trời là giải pháp rất khả thi để cải tạo sa mạc
Khi mưa ở Ả Rập Xê Út, một lượng nước khổng lồ thường rơi xuống trong một khoảng thời gian ngắn - như vào tháng 4/2021 khi toàn bộ thành phố bị ngập lụt. Nhưng rất khó để đất có thể tích trữ khi nước tràn vào cùng một lúc.
Neil Spackman, một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp tái sinh cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng, nếu chúng tôi có thể đưa lượng nước đó vào lòng đất, nó có thể là một nguồn nước bền vững, ngay cả khi trời không mưa trong 20 tháng.
Cùng với dân làng sống trong khu vực, các chuyên gia nông nghiệp đã xây dựng các con đập và ruộng bậc thang dọc theo các bức tường đá giáp thung lũng ở phía tây Ả Rập Xê Út, cùng với những con mương dài hàng km. Bây giờ khi trời mưa, nước đọng lại và được dẫn đến nơi cần thiết và nơi có thể thấm từ từ xuống đất. Phong cách thủy lợi này hoạt động trên khắp thế giới và từng được người Inca ở Nam Mỹ sử dụng từ nhiều thế kỷ trước.
Cách Ả Rập Xê Út không xa, các quốc gia ở Bắc Phi cũng đang thử nghiệm công nghệ để ngăn chặn sự xâm chiếm của sa mạc hóa. Với diện tích hơn 9 triệu km vuông, Sahara là sa mạc lớn nhất trên trái đất, và giống như Gobi, nó tiếp tục phát triển – thậm chí tới gần 50 km mỗi năm ở một số khu vực. Các khu vực xung quanh Sahara khô cằn, nhưng vẫn có thể nuôi dưỡng sự sống. Rất có thể, sự màu mỡ của chúng chỉ mới do con người phá hủy gần đây. Đói nghèo, thiếu nước và xung đột là các mối đe dọa thường xuyên đối với môi trường.
Giải pháp ở đây chính là các tấm pin mặt trời và các trang trại điện gió. Đây là một giải pháp vô cùng tiềm năng để ngăn sa mạc xâm lấn. Nó hoạt động như thế này: Bề mặt màu đen của các tấm pin mặt trời làm nóng không khí, sau đó bốc lên cao hơn vào khí quyển. Năng lượng thu được từ pin mặt trời sẽ vận hành nghìn tuabin gió để tiếp tục sẽ đẩy không khí lên trên.
Các chuyên gia ước tính rằng nếu 1/5 sa mạc Sahara được lắp các trang trại năng lượng mặt trời và gió, nó sẽ tạo ra lượng mưa nhiều hơn khoảng 5 cm mỗi năm ở phía nam Sahara. Điều đó nghe có vẻ không nhiều, nhưng nó có thể tăng độ che phủ thực vật của khu vực lên 20% và thúc đẩy nông nghiệp to lớn. Điều quan trọng hơn, nó sẽ có thể làm hồi sinh sa mạc huyền thoại Sahara.
Ngoạn mục nữa, theo nghiên cứu, các trang trại năng lượng mặt trời và gió với quy mô như vậy (tức chiếm 1/5 sa mạc Sahara) có thể sản xuất ra tổng lượng điện năng gấp 4 lần mức tiêu thụ trên toàn thế giới hiện nay. Điều đó đồng nghĩa nó không chỉ giúp các nước châu Phi thoát nghèo, mà thậm chí phát triển thịnh vượng.
Theo tính toán ban đầu, các nhà khoa học cho rằng chi phí để thực hiện dự án khổng lồ nói trên lên tới 20.000 tỷ USD (tương đương GDP hàng năm của Mỹ hoặc Trung Quốc). Tuy nhiên, nếu có ý chí chính trị đứng sau, tham vọng to lớn và vô cùng hứa hẹn trên hoàn toàn có thể đạt được.
Trên hết là ý chí chung của nhân loại
Thực tế không đâu xa, khi có sự đồng nhất trong ý chí và sự đồng thuận trong cộng đồng, việc dựa vào tự nhiên để làm cho sa mạc màu mỡ trở lại hoàn toàn có thể thành công. Ví dụ đó chính là ở Trung Quốc.
Màu xanh hoàn toàn có thể bao phủ trở lại sa mạc nếu có một ý chí chính trị thống nhất giữa các quốc gia.
Chỉ vài thập kỷ trước, các sa mạc ở Trung Quốc đã phát triển thêm 10.000 km vuông mỗi năm, theo Cục Lâm nghiệp và Đồng cỏ của nước này. Ngày nay, sự đảo chiều đã diễn ra, khi chúng chẳng những không xâm lấn thêm, mà còn đã bị thu hẹp lại hơn 2.000 km vuông mỗi năm.
Năm 1988, người Trung Quốc bắt đầu trồng cây ở sa mạc Kubuqi phía tây bắc Bắc Kinh để bảo vệ các tuyến đường vận chuyển của một mỏ muối. Trong những thập kỷ qua, dự án này đã phát triển thành một trong những chương trình trồng rừng thành công nhất trên thế giới.
Thay vì chỉ trồng cây theo cách thông thường, người Trung Quốc đã khoan các đường ống nhỏ cắm sâu xuống các vùng đất khô cằn, tạo ra các tia nước bắn lên. Những tia nước này sẽ tưới cho cây và đặc biệt được thiết kế để giúp các mầm non dễ dàng phát triển. Barron Orr, Trưởng nhóm Khoa học của Công ước Liên hợp quốc về Chống sa mạc hóa cho biết: “Điều này đã giảm thời gian gieo trồng từ 10 phút xuống 10 giây, một phương pháp rất hiệu quả và quan trọng”.
Ở Kubuqi, nông dân cũng đặt những cuộn rơm trên các đụn cát để bảo vệ cây non khỏi gió. Các đồng cỏ mới hiện nay được sử dụng để chăn thả và trồng trọt cho nông dân, với các loại cây như cam thảo và các loại thảo mộc khác thích hợp với khí hậu khô cằn và đang có nhu cầu cao về y học cổ truyền. Việc phủ xanh sa mạc Kubuqi thậm chí còn có những tác động tích cực đến tận Bắc Kinh - cách sa mạc khoảng 800 km - nơi ô nhiễm không khí do bão cát từ đó đã giảm đáng kể!
Vì vậy, rõ ràng công nghệ và cả tự nhiên có thể khắc phục tình trạng sa mạc hóa. Hoàn toàn không hề phù phiếm với sứ mệnh phục hồi hệ sinh thái động thực vật cho sa mạc. Nó hoàn toàn không hề nằm xa tầm tay của con người, nếu có ý chí chính trị đứng sau; hay nói cách khác nếu các quốc gia, đặc biệt các cường quốc, gạt bỏ hiềm khích sang một bên để chung tay giúp trái đất tốt hơn!