Sa Ná 'hồi sinh' sau trận lũ quét cuốn trôi cả bản làng

Trận lũ kinh hoàng 2 năm trước đã cuốn trôi cả bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) khiến nhiều người chết, đến nay Sa Ná đã 'hồi sinh' và trở thành bản nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của xã.

Ký ức về trận lũ kinh hoàng

Trở lại Sa Ná sau hai năm xảy ra trận lũ quét khiến 10 người chết và mất tích, từ bản tiêu điều, xơ xác, nay đã trở thành bản nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu của xã với những ngôi nhà kiên cố, khắp các con ngõ trong bản đã được bê tông hóa.

Sau hai năm, cuộc sống người dân đã thay đổi, nhưng có lẽ ký ức về trận lũ quét kinh hoàng ấy vẫn còn in sâu trong tâm trí của mỗi người dân nơi đây.

Toàn cảnh bản Sa Ná.

Toàn cảnh bản Sa Ná.

Ngồi bên căn nhà khang trang, trưởng bản Ngân Văn Thêu nhớ lại, khoảng 7h sáng ngày 3/8/2019, sau những trận mưa to, nước ở trên núi bất ngờ đổ về. Thời điểm này người dân nghe những tiếng nổ lớn của đất đá va vào núi, biết có lũ quét ập đến, mọi người hô hoán nhau chạy lên chỗ cao thoát thân.

Chỉ vài phút sau đó, nước lũ kèm theo đất đá tràn xuống cuốn trôi cả bản Sa Ná, tất cả nhà cửa, đồ đạc của người dân bị cuốn trôi, vùi sâu cả vài mét. Đau xót hơn, cùng với đó là 10 người trong bản bị chết và mất tích, có gia đình 6 người chết.

Các đường ngõ cũng đã bê tông hóa

Các đường ngõ cũng đã bê tông hóa

“Lũ ập đến quá nhanh, cuốn trôi toàn bộ nhà cửa, người dân cũng bị trôi theo dòng nước, người đu ngọn cây, người bám vào thân cây gỗ may mắn thoát chết. Những người chết đa phần là bị đất đá vùi lấp”, ông Thêu nhớ lại.

Anh Hà Văn Vân (SN 1990) vừa rời gia đình, vợ con đi làm thuê ngoài Hà Nội được một ngày thì nghe tin lũ cuốn trôi cả bản làng, nhiều người chết và mất tích, trong đó có cả người thân của mình.

Quá hoảng hốt, anh lập tức quay về quê. Về tới nhà, trước mắt anh là cảnh tan hoang của bản làng. Đau đớn hơn là 6 người thân trong gia đình anh đã chết và mất tích gồm: bố mẹ, chị gái, vợ và hai đứa con trai khiến anh ngã gục.

Người dân trồng hoa dọc đường quanh bản

Người dân trồng hoa dọc đường quanh bản

Bản làng tan tác, những ngày sau đó là cuộc sống vô cùng khó khăn của hàng trăm con người nơi đây, nơi ăn, chốn ở tạm bợ. Để đảm bảo cuộc sống cho người dân, từ Trung ương cho đến các cấp chính quyền địa phương đã nhanh chóng hỗ trợ, làm nơi ở mới cho người dân ổn định cuộc sống.

Chỉ 4 tháng sau đó, khu tái định cư bản Sa Ná mới được hình thành, 51 hộ dân đã được về nơi ở mới, phát triển sản xuất.

Bản nông thôn mới kiểu mẫu

Theo trưởng bản Ngân Văn Thêu, để có được như ngày hôm nay, dân bản vô cùng biết ơn sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, và các nhà hảo tâm trong suốt thời gian vừa qua. Sau hai năm, Sa Ná đã thực sự thoát nghèo.

Ngôi trường ở Sa Ná được xây dựng khang trang

Ngôi trường ở Sa Ná được xây dựng khang trang

Bà Vi Thị Như (47 tuổi) không khỏi vui mừng thốt lên, Sa Ná hết nghèo rồi. Lên khu tái định cư mới, mỗi nhà được 100m2 đất để canh tác. Giờ luống rau nhà bà mùa nào thức đó không phải lo lắng thức ăn hàng ngày như trước kia nữa.

“Khi lũ quét cuốn trôi cả bản làng, chúng tôi nghĩ sẽ chẳng bao giờ vực dậy được. Vậy mà chỉ sau hai năm 51 hộ dân đều có nhà mới an toàn trên đỉnh đồi Pom Ngồ. Trẻ em được học dưới những ngôi trường mới kiên cố. Đường làng, ngõ xóm trải bê tông phẳng lì”, bà Như vui mừng kể.

Các em đã được học trong ngôi trường mới, bàn ghế mới

Các em đã được học trong ngôi trường mới, bàn ghế mới

Chủ tịch UBND xã Na Mèo Lương Văn Huân cho biết, năm 2019, bản Sa Ná đang còn 37 hộ nghèo trong tổng số 78 hộ. Sau trận lũ lịch sử, các hộ lại càng nghèo hơn. Đến nay, 100% hộ dân ở đây đã thoát nghèo. Tháng 7/2020, bản Sa Ná đã đón nhận quyết định bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của xã.

Người dân bản Sa Ná giờ đã tự chủ động được thức ăn hàng ngày

Người dân bản Sa Ná giờ đã tự chủ động được thức ăn hàng ngày

“Cuộc sống của bà con bây giờ cơ bản đã ổn định, chủ yếu sản xuất nông - lâm nghiệp, tập trung vào trồng vầu, luồng, lúa và các lâm sản phụ, qua đó giải quyết cơ bản công ăn việc làm trong bản. So với những năm trước, năm nay ước tính thu nhập bình quân người dân trong bản đạt trên 30 triệu đồng/người/năm”, ông Huân thông tin.

Ông Huân cho biết thêm, trong thời gian tới, Phòng LĐ-TB&XH huyện Quan Sơn sẽ tiếp tục mở lớp tập huấn, phổ biến cho người dân Sa Ná về kỹ năng trồng rau an toàn. Bên cạnh đó, tham mưu cho các cấp lãnh đạo mở rộng mô hình này để bà con nơi đây sản xuất, phát triển ngành nông nghiệp tại địa phương.

Lê Dương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/sa-na-hoi-sinh-sau-tran-lu-quet-cuon-troi-ca-ban-lang-810065.html