Sa nhân bất ngờ tăng giá

Cuối tháng 7, đầu tháng 8, sa nhân bước vào vụ thu hoạch. Dù mới 'khởi động' nhưng thị trường sa nhân năm nay đang mang lại 'tín hiệu' vui vì giá thu mua cao, gấp 2 - 3 lần những năm trước

Cuối mỗi buổi chiều, không khó để bắt gặp hình ảnh từng đoàn xe chở những bao sa nhân đầy ắp đến các điểm thu mua. Hình ảnh này trái ngược hoàn toàn với cảnh đìu hiu năm ngoái khi giá sa nhân xuống thấp. Các tiểu thương thu mua rạch từng bao sa nhân, bốc một nắm để kiểm tra chất lượng rồi trả giá. Những quả sa nhân đã già (vỏ thẫm, hạt đen, chắc mẩy) được thu mua với giá hơn 80.000 đồng/kg. So với thời “hoàng kim” của sa nhân, mức giá này vẫn vô cùng khiêm tốn (giá thu mua sa nhân từng có thời điểm lên tới 250.000 đồng/kg quả tươi). Thế nhưng, so với giá bán của 2 - 3 vụ trước thì đây là mức giá đáng để vui mừng bởi đã cao gấp 2 - 3 lần.

Nhiều hộ dân cho biết, giá sa nhân năm ngoái chỉ đạt 20.000 - 25.000 đồng/kg, thời điểm cuối vụ, cao nhất cũng chỉ đạt 40.000 đồng/kg. Thời điểm đó, rất ít cơ sở thu mua nên việc tiêu thụ quả sa nhân gặp khó khăn. Nhiều hộ dân không thu hoạch, thậm chí có hộ còn chặt bỏ sa nhân để trồng loại cây khác.

 Mỗi kilôgam sa nhân sấy khô có giá bán lên tới hơn 500.000 đồng.

Mỗi kilôgam sa nhân sấy khô có giá bán lên tới hơn 500.000 đồng.

Năm nay, sa nhân được giá trong khi nhu cầu thị trường rất cao, quả sa nhân thu hoạch đến đâu được các tư thương thu mua đến đó. Nhiều tiểu thương thậm chí còn phải chờ sẵn tại các chân đồi, lối lên nương để cạnh tranh thu mua. Số điểm thu mua sa nhân vì thế cũng “nở rộ”. Tại mỗi thôn, bản, ít nhất có 1 - 2 cơ sở gom mua quả sa nhân cho người dân.

Gia đình anh Trần Phúc Phương (thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương) có hơn 1,5 ha cây sa nhân. Theo tính toán của anh Phương, với mức giá khoảng 75.000 - 80.000 đồng/kg quả tươi như hiện nay, gia đình anh sẽ thu về gần 100 triệu đồng.

Những năm trước, giá xuống thấp, người trồng sa nhân buồn vô cùng. Năm nay, giá đột ngột tăng cao nên tôi phấn khởi lắm, chắc chắn có thêm nguồn thu, ổn định kinh tế gia đình.

Anh Trần Phúc Phương, thị trấn Mường Khương.

Tương tự, anh Ma Văn Sủng (xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương) vô cùng bất ngờ khi giá quả sa nhân năm nay tăng cao. Khi quả sa nhân bắt đầu chín, anh Sủng huy động vợ con lên nương thu hái rồi chở xuống thị trấn Mường Khương để bán cho xưởng thu mua, chế biến.

Anh Sủng chia sẻ: Lúc giá xuống 20.000 - 30.000 đồng/kg, nhiều hộ dân trên địa bàn đã có ý định phát bỏ để trồng cây khác. Thế mà không ngờ năm nay giá tăng khá cao, nhiều hộ phấn khởi thu hái.

 Sa nhân được tập kết, vận chuyển đến một điểm thu mua, chế biến trên địa bàn huyện Mường Khương.

Sa nhân được tập kết, vận chuyển đến một điểm thu mua, chế biến trên địa bàn huyện Mường Khương.

Theo lý giải của một số thương lái, giá quả sa nhân tăng cao là do thị trường Trung Quốc (thị trường duy nhất) tiêu thụ mặt hàng này đã “mở cửa” trở lại, việc giao thương cũng thuận lợi hơn. Thị trường rộng mở, nhu cầu cao đã đẩy giá quả sa nhân tăng so với những năm trước.

Tại Cơ sở thu mua, sơ chế sa nhân Trần Hùng của ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Châu Thịnh Phong (huyện Mường Khương) thời điểm này luôn tấp nập xe ra vào. Không chỉ thu mua sa nhân trong huyện, cơ sở còn mở rộng thu mua từ các địa phương trong và ngoài tỉnh (Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên). Mỗi ngày, cơ sở này thu mua 30 - 40 tấn quả sa nhân tươi để sấy khô, phân loại rồi xuất bán sang thị trường Trung Quốc.

 Sa nhân được mua gom từ nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh.

Sa nhân được mua gom từ nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh.

Ông Trần Văn Hùng chia sẻ: Từ đầu vụ, giá quả sa nhân tươi luôn ở mức 75.000 - 80.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với những năm trước. Giá quả sa nhân năm nay tăng cao là do giao thương với Trung Quốc thuận lợi hơn, các chi phí trung gian như vận chuyển, kho bãi giảm bớt dẫn đến giá thu mua được đẩy lên. Hiện các cửa khẩu thông thương, tư thương Trung Quốc cũng sang đặt hàng nhiều nên giá thu mua quả sa nhân có thể tăng hơn nữa, không chỉ dừng lại ở mức 80.000 đồng/kg. Tôi mong muốn các ngành có liên quan sẽ đề xuất đưa quả sa nhân vào danh mục xuất khẩu, như vậy các doanh nghiệp mới có điều kiện xuất khẩu, thu mua với giá cao hơn, để thị trường tiêu thụ sản phẩm này ổn định hơn.

 Sa nhân được sấy khô để xuất bán sang thị trường Trung Quốc.

Sa nhân được sấy khô để xuất bán sang thị trường Trung Quốc.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có hơn 2.500 ha cây sa nhân, tập trung chủ yếu ở các huyện: Mường Khương, Văn Bàn, Si Ma Cai, Bát Xát. Cây sa nhân được người dân trồng chủ yếu dưới các khe rừng, trong rừng trồng sản xuất và đất nương đồi, một số nơi có tình trạng "luỗng" rừng tự nhiên trồng sa nhân.

Thời điểm cách đây 5 năm, giá quả sa nhân tăng cao dẫn đến tình trạng phát triển “nóng” loại cây này. Ngay sau đó, giá giảm tới mức chạm đáy khiến nhiều hộ có ý định phát bỏ. Nhiều nơi, người dân phá bỏ cây sa nhân hoặc không chăm sóc...

 Thị trường sa nhân mở cửa trở lại, nhiều người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập từ trồng, chăm sóc, chế biến sa nhân.

Thị trường sa nhân mở cửa trở lại, nhiều người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập từ trồng, chăm sóc, chế biến sa nhân.

Năng suất, sản lượng sa nhân tương đối thấp và không đồng đều giữa các địa phương và khu vực trồng. Năng suất trung bình năm 2022 đạt khoảng khoảng 8 - 9 tạ quả tươi/ha, có nơi đạt 15 tạ/ha (huyện Mường Khương) và cũng có nơi năng suất chỉ đạt 3 tạ/ha (huyện Văn Bàn và Bắc Hà). Mùa vụ thu hoạch sa nhân từ tháng 7 đến tháng 10, hiện nay đang bắt đầu vào vụ, cơ bản năng suất tương đương năm 2022. Ước cả năm 2023, sản lượng quả sa nhân tươi đạt hơn 2.000 tấn.

Hiện nay, tỉnh Lào Cai không khuyến khích phát triển cây sa nhân. Giai đoạn 2019 - 2022 do dịch Covid-19 và sa nhân Trung Quốc được mùa nên giá sa nhân tại Lào Cai rất thấp. Năm 2023, Trung Quốc mất mùa sa nhân nên các tư thương sang mua sa nhân của Lào Cai với giá khoảng 500.000 đồng/kg khô (60.000 - 80.000 đồng/kg tươi), đẩy giá tăng cao so với các vụ trước.

Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai

Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: Để tránh tình trạng "1 năm bán được, 3 năm ế" và để chấm dứt tình trạng trồng sa nhân trong rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, đặc dụng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ toàn bộ diện tích sa nhân trồng trong rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; giữ ổn định diện tích sa nhân tím hiện có tại các khu vực không ảnh hưởng đến rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; xây dựng và triển khai thực hiện tốt các hương ước, quy ước bảo vệ rừng.

Cũng theo ông Vĩnh, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp, tổ chức phá bỏ cây sa nhân trồng trong rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, đặc dụng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đối với người dân, ngành nông nghiệp khuyến cáo chỉ trồng sa nhân dưới tán rừng sản xuất là rừng trồng, dưới tán các loại cây ăn quả, đất nương. Người dân lưu ý chỉ trồng sa nhân khi có hợp đồng tiêu thụ ổn định, không trồng theo phong trào, tự phát.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/sa-nhan-bat-ngo-tang-gia-post372273.html