Sa Pa ngày mới

'Anh chỉ nghe em hát/Vang lên trong biển mây/Anh chỉ nghe tiếng cười/Vang lên giữa rừng cây/Mà người đâu chẳng thấy…Ơi Sa Pa của ta!...'. Những ca từ ngọt ngào, tha thiết trong bài hát quen thuộc 'Sa Pa thành phố trong sương' của nhạc sỹ Vĩnh Cát đưa tôi ngược dốc đến Sa Pa. Năm mới đánh dấu mốc son đặc biệt đối với Sa Pa, từ thị trấn nhỏ bé vươn mình thành thị xã...

Dáng vóc Sa Pa hôm nay. Ảnh: Ngọc Bằng

Dáng vóc Sa Pa hôm nay. Ảnh: Ngọc Bằng

Mảnh đất của huyền thoại và mộng mơ

Từ lâu, Sa Pa mộng mơ với vẻ đẹp hùng vỹ, nên thơ cùng bản sắc độc đáo của các dân tộc nơi đây trở thành điểm đến được yêu thích của hàng triệu du khách khắp nơi trên thế giới. Sa Pa được người yêu mến đặt cho nhiều tên gọi hoa mỹ, như kinh đô mùa hè, thành phố trong sương, xứ sở sương mù, xứ sở tuyết trắng… Sa Pa là nơi để những tâm hồn nghệ sỹ cất cánh, đi vào nhiều tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng từ văn học, đến âm nhạc, nhiếp ảnh, hội họa…

Sa Pa nổi tiếng vậy, nhưng có lẽ không nhiều người biết nguồn gốc tên gọi của mảnh đất này. Một lần ngồi uống trà cùng nhà văn Mã A Lềnh, dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên ở vùng núi đá Sa Pa, tôi được nghe ông kể chuyện: Thị trấn Sa Pa vốn có tên là Hùng Hồ do trước đây có một mạch nước đùn lên màu đỏ đục, nên dân địa phương gọi là “hùng hồ”, tức “suối đỏ”. Từ xa xưa, theo truyền thuyết các cụ già kể lại, có đôi rồng thường xuống Hùng Hồ bơi lội. Những người khổng lồ là tổ tiên người Mông ở vùng này biết chuyện bèn đến ném đá xua đuổi làm đôi rồng hoảng sợ. Rồng đực bay đi trước, hóa thành dải núi Hoàng Liên, chiếc sừng của nó chính là đỉnh Phan Si Păng (tiếng Mông nghĩa là cột đá chống trời). Còn rồng cái bị mắc cạn, hóa đá, thành dãy núi Hàm Rồng ngày nay…

Truyền thuyết là vậy, cũng không biết từ bao giờ trong cuộc thiên di người Mông đã đến đây là chủ nhân của xứ sở sương mù Sa Pa. Ban đầu họ sống ở khu vực Sa Pả, tiếng Mông còn gọi là Suô Puổ, nghĩa là bãi cát. Họ đi làm nương ngô, nương lúa ở quanh Hùng Hồ, làm lều nương để ở lại canh ngô lúa, dần dần hình thành nên khu dân cư mới.

Đầu thế kỷ XIX, người Pháp đến, thấy vùng này mát mẻ, không khí trong lành, thiên nhiên tươi đẹp nên xây dựng nhiều biệt thự nghỉ dưỡng. Người Pháp lấy tên Sa Pả để gọi cho vùng đất này, ghi là Cha Pa, phiên âm ra chữ ta thành Sa Pa...

Bản làng thay áo mới

Từ khi người Pháp đặt chân đến Sa Pa tới nay đã hơn 1 thế kỷ. Những ngày cuối năm 2019, tôi có dịp rong ruổi các xã vùng cao Sa Pa để hiểu thêm về những đổi thay trên mảnh đất này. Vào thôn Can Hồ B, xã Bản Khoang, tôi gặp đồng bào người Dao đang náo nức rủ nhau đi kéo đường dây điện dọc theo đường thôn. Hỏi ra mới biết vừa qua hai thôn Can Hồ B và Can Hồ Mông được Nhà nước hỗ trợ kinh phí làm hơn 50 cột đèn thắp sáng hơn 2 km đường nội thôn, đến Tết Nguyên đán điện sẽ thắp sáng khắp thôn.

Anh Chảo Duần Chiêu, Chủ tịch UBND xã Bản Khoang hồ hởi khoe: “Năm nay, Bản Khoang có nhiều tin vui lắm. Toàn xã có 64 trại nuôi cá hồi, cá tầm, dự kiến hết năm 2019 sẽ thu hoạch khoảng 140 tấn cá, mang lại nguồn thu hơn 25 tỷ đồng. Ngoài ra, người dân các thôn còn trồng địa lan bán Tết, trồng rau trái vụ, làm dịch vụ homestay, bán đồ lưu niệm cho du khách… có hộ thu hàng chục triệu đồng”.

Nhớ lại lúc dừng chân ở quán ăn bên đường, tôi gặp đoàn khách Tây vào ăn trưa, chủ quán Tẩn Tả Mẩy nói tiếng Anh thành thạo, nhanh tay làm các món ăn phục vụ khách. Rõ ràng khi du lịch phát triển, đồng bào các dân tộc ở đây tiếp cận rất nhanh để đổi thay cuộc sống.

Không chỉ ở Bản Khoang, đi khắp các bản làng vùng cao Sa Pa điều dễ nhận thấy diện mạo mới. Xã Sa Pả, xã Tả Phìn trở thành vùng trồng rau sạch, trồng rau ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn. Các xã Tả Van, Lao Chải, San Sả Hồ nằm trong lòng chảo thung lũng Mường Hoa là những điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn khách đến tham quan, trải nghiệm. Xã Nậm Sài, xã Thanh Kim là vùng sản xuất nông nghiệp, vựa lương thực và rau, quả của Sa Pa. Xã Nậm Cang, xã Thanh Phú là “lá cờ đầu” trong xây dựng nông thôn mới… Thị trấn Sa Pa trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ, nghỉ dưỡng với hàng trăm nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ cao cấp, mới đây còn được trang thông tin điện tử du lịch Theculturetrip (Anh) bình chọn vào danh sách 10 đô thị đẹp nhất Việt Nam.

Sa Pa luôn thu hút khách du lịch.

Sa Pa luôn thu hút khách du lịch.

Ngày cuối năm nhìn lại, tin vui trong phát triển kinh tế - xã hội của Sa Pa như đón chào năm mới. Nào là toàn huyện trồng hơn 290 ha rau ứng dụng công nghệ cao, 65 ha atiso, 140 ha hoa cắt cành, 95.000 chậu địa lan; nào là 211 cơ sở nuôi cá nước lạnh, thu hoạch 430 tấn cá. Thu ngân sách nhà nước trên 515 tỷ đồng, toàn huyện giảm trên 1.200 hộ nghèo, đạt 234% kế hoạch, đến nay còn 18,5% hộ nghèo. Riêng về du lịch, Sa Pa đón hơn 3 triệu lượt du khách, doanh thu du lịch hơn 8.558 tỷ đồng. Đặc biệt, kênh truyền hình National Geopraphic (Mỹ) đã bình chọn Hoàng Liên Sơn - Sa Pa đứng thứ 7 trên tổng số 28 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới và là điểm đến hấp dẫn nhất Đông Nam Á năm 2019.

Để xứng danh thị xã, khu du lịch quốc gia

Ngày 11/9/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí nâng cấp Sa Pa từ huyện lên thị xã, theo tiêu chí “trường hợp đặc biệt”. Ngày 28/12/2019, Sa Pa tổ chức lễ công bố quyết định thành lập thị xã Sa Pa. Vậy là Sa Pa bước sang trang sử mới, vận hội mới trên hành trình phát triển và hội nhập.

Trở thành thị xã, các đơn vị hành chính của Sa Pa có nhiều thay đổi do chia tách, sáp nhập, phân định ranh giới. Thị xã Sa Pa có 6 phường: Sa Pa, Hàm Rồng, Phan Si Păng, Cầu Mây, Sa Pả, Ô Quý Hồ, cùng với 10 xã: Hoàng Liên, Mường Hoa, Mường Bo, Liên Minh, Ngũ Chỉ Sơn, Thanh Bình, Trung Chải, Tả Phìn, Tả Van, Bản Hồ. Ban đầu, nhiều người vẫn còn lạ lẫm với tên phường mới, xã mới, nhưng nghĩ lại vẫn mảnh đất ấy, con người ấy đó thôi, khi bỏ đi tấm áo cũ quen thuộc và khoác lên mình bộ trang phục mới thì chính mình cũng thấy ngỡ ngàng.

Chia sẻ cảm xúc trước sự kiện quan trọng này, anh Má A Nủ, Chủ tịch UBND xã San Sả Hồ cho biết: Năm 2020 Sa Pa trở thành thị xã, đối với xã San Sả Hồ sau khi chia tách và sáp nhập sẽ trở thành xã Hoàng Liên, một số thôn được nhập vào các phường Ô Quý Hồ, Phan Si Păng, Cầu Mây. Chắc chắn rằng thị xã Sa Pa sẽ được đầu tư hạ tầng ngày càng khang trang, hiện đại, cuộc sống đồng bào các dân tộc sẽ ngày càng no ấm.

Còn với một người con của vùng đất Sa Pa, nhà văn Mã A Lềnh bảo: Ai cũng mong rằng khi trở thành thị xã, Sa Pa vẫn giữ được vẻ đẹp vốn có, đồng bào các dân tộc giữ được bản sắc văn hóa quý báu, công tác quy hoạch được quan tâm hơn, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Mặc dù bận rộn công việc, anh Sùng A Lềnh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sa Pa vẫn dành thời gian trò chuyện với chúng tôi: Việc thành lập thị xã Sa Pa có ý nghĩa rất quan trọng. Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương hiểu được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trước sự kiện này, nên có sự chuẩn bị từ lâu, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận. Năm 2020 và những năm tiếp theo, Sa Pa sẽ được đầu tư các công trình trọng yếu về giao thông, đô thị, trụ sở hành chính, các công trình công cộng… để xứng tầm thị xã du lịch hiện đại, khu du lịch quốc gia mang tầm quốc tế.

Tuấn Ngọc

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/sa-pa-ngay-moi-z5n20191228084408013.htm