SAB tăng trần khiến nhà đầu tư 'chìm vào cơn say'

Trước thềm chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%, cổ phiếu SAB đã đưa nhà đầu tư 'chìm vào cơn say' tím trần khi với thanh khoản đột biến.

Trong phiên giao dịch sáng nay ngày 5/6, thị trường chứng khoán tiếp tục duy trì đà tăng với sự dẫn dắt của nhóm VN30. Đáng chú ý, cổ phiếu SAB của Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã khiến nhà đầu tư 'chìm vào cơn say' khi tăng trần với thanh khoản vượt mức trung bình 20 phiên.

Mặc dù vẫn cách rất xa mức đỉnh đạt được cuối năm 2017 song so vùng đáy lịch sử 52.500 đồng, mã này hiện đã phục hồi gần 25%. Với mức giá 65.600 đồng/cp, vốn hóa thị trường của Sabeco đạt khoảng 82.600 tỷ đồng (~3,4 tỷ USD).

Khép lại phiên sáng, cổ phiếu SAB đã khớp lệnh gần 2,6 triệu đơn vị và còn dư mua hơn 1,4 triệu đơn vị ở giá trần.

Cổ phiếu SAB tím trần với dư mua hàng triệu đơn vị

Cổ phiếu SAB tím trần với dư mua hàng triệu đơn vị

Đà tăng của cổ phiếu SAB diễn ra khi thời điểm doanh nghiệp chi trả cổ tức của doanh nghiệp đang tới gần. Theo kế hoạch, Sabeco sẽ thực hiện chi trả cổ tức lần 2 năm 2023 bằng tiền mặt trong tháng 7/2024 tỷ lệ 20%, tương đương mỗi cổ phiếu sẽ được nhận 2.000 đồng tiền mặt.

Thực tế, Sabeco là một trong số những doanh nghiệp có 'truyền thống' chi trả cổ tức cao. Năm 2024 này, theo kế hoạch, 'đại gia' ngành bia vẫn sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 35%, tương đương với mức chi trả năm 2023.

Về kết quả kinh doanh, Sabeco đã thu về 7.184 tỷ đồng doanh thu trong quý I, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Cùng chiều, lợi nhuận sau thuế cũng có sự cải thiện khi đạt 1.024 tỷ đồng. Với những gì làm được trong 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp hiện đã hoàn thành lần lượt 20,8% và 23,4% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế của năm nay.

Mặc dù bắt đầu ghi nhận những tín hiệu khởi sắc so với giai đoạn cùng kỳ song giới phân tích đánh giá, hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định hoạt động kinh doanh của Sabeco đã qua đáy. Trên thực tế, doanh thu trung bình trong giai đoạn từ quý IV/2023 đến quý I/2024 vẫn thấp hơn con số quý IV/2022 đến quý I/2023 (giảm 3,3%).

Nguyên nhân của sự suy giảm chủ yếu là do việc tăng cường kiểm tra nồng độ cồn giờ đây đã trở thành thông lệ, làm tăng chi phí liên quan đến việc tiêu thụ rượu. Điều này có thể tạo ra hành vi tiêu dùng mới và cản trở sự phục hồi của thị trường bia trong nước. Hơn nữa, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt mới vẫn đang được xem xét, có khả năng làm tăng giá bán sản phẩm khi áp dụng, hoặc ít nhất có thể gây khó khăn cho các hãng bia trong việc duy trì tỷ suất lợi nhuận, nếu muốn giữ giá bán ổn định.

Trong một diễn biến khác, Sabeco mới đây đã lên tiếng trước thông tin doanh nghiệp này làm việc với Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) để kiến nghị Chính phủ thiết lập giới hạn nồng độ cồn trong máu hợp lý thay vì quy định cấm nồng độ cồn khi lái xe. Đại diện doanh nghiệp này cho hay, đây là thông tin không chính xác và không đúng sự việc.

Theo đại diện Sabeco, doanh nghiệp đang cố gắng giảm nhẹ tác động của Nghị định 100 bằng cách làm việc chặt chẽ với Chính phủ để thể hiện trách nhiệm trong việc kinh doanh bia và đảm bảo người tiêu dùng uống rượu bia có trách nhiệm nhưng đồng thời có sự linh động phù hợp trong việc thực hiện nghị định này.

Hoàng Anh

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/sab-tang-tran-khien-nha-dau-tu-chim-vao-con-say-d111684.html