Sabeco chi hơn 3.900 tỷ đồng trả cổ tức, tỷ phú Thái nhận về 2.100 tỷ đồng

Ngày 1/7 tới đây, Sabeco sẽ chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức đợt 2 năm 2024 với tỷ lệ 30% bằng tiền mặt. Sau hai đợt, tổng cổ tức cả năm chạm mốc 50%.

Sau đợt 2 chi trả cổ tức 30%, tổng cổ tức tiền mặt năm 2024 của Sabeco đạt 50%. Ảnh: Sabeco

Sau đợt 2 chi trả cổ tức 30%, tổng cổ tức tiền mặt năm 2024 của Sabeco đạt 50%. Ảnh: Sabeco

Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) thông báo ngày 1/7/2025 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức đợt 2 năm 2024 với tỷ lệ 30% bằng tiền mặt, tương đương 3.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian thanh toán dự kiến vào cuối tháng 7, với tổng giá trị chi trả hơn 3.900 tỷ đồng cho gần 1,3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành.

Trong đó, Vietnam Beverage - công ty do tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi sở hữu sẽ nhận gần 2.100 tỷ đồng nhờ nắm 53,59% cổ phần SAB. Còn SCIC - cổ đông lớn thứ hai với 36% vốn cũng thu về khoảng 1.400 tỷ đồng từ cổ tức.

Trước đó, Sabeco đã tạm ứng cổ tức đợt một hồi tháng 1/2025 với tỷ lệ 20%. Như vậy, tổng cổ tức tiền mặt cho năm tài chính 2024 đã hoàn tất ở mức 50%.

Không chỉ đều đặn, Sabeco còn là một trong số ít doanh nghiệp duy trì chính sách cổ tức hào phóng suốt gần một thập kỷ qua. Từ năm 2016 đến nay, công ty chưa từng gián đoạn chi trả bằng tiền mặt, bất kể biến động thị trường hay khủng hoảng do COVID-19. Cổ tức mỗi năm đều dao động từ 3.000 đến 5.000 đồng/cổ phiếu.

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 6/5, cổ phiếu SAB giảm nhẹ xuống còn 47.850 tỷ đồng/cp, tuy nhiên sau thông tin về việc chia cổ tức bằng tiền, tạm kết phiên sáng nay giá cổ phiếu SAB đã tăng thêm gần 1%, lên 48.300 đồng/cp.

Về tình hình kinh doanh tại Sabeco, quý 1/2025 doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.811 tỷ đồng – mức thấp nhất kể từ quý 4/2021 và giảm 19% so với cùng kỳ năm trước. Đây là quý thứ ba liên tiếp doanh thu hãng bia đầu ngành này lao dốc, phản ánh rõ tác động từ áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt và quy định mới trong Nghị định 168.

Không chỉ sụt giảm ở hoạt động cốt lõi, doanh thu tài chính của Sabeco cũng suy yếu do lãi suất tiền gửi đi xuống, khiến khoản thu này giảm 13% còn 243 tỷ đồng. Trái lại, chi phí tài chính đội lên 91 tỷ đồng, tăng gấp hơn 11 lần cùng kỳ, chủ yếu do phát sinh chi phí từ việc thâu tóm Sabibeco. Cùng lúc, chi phí quản lý tăng gần 19% lên 247 tỷ đồng, tiếp tục tạo áp lực lên lợi nhuận.

Ở chiều tích cực, chi phí bán hàng được tiết giảm 5% xuống còn 799 tỷ đồng nhờ cắt giảm mạnh chi quảng cáo, khuyến mãi và lương thưởng. Ngoài ra, phần lợi nhuận từ các công ty liên doanh, liên kết chuyển biến tích cực khi ghi nhận gần 53 tỷ đồng, đảo chiều mạnh so với khoản lỗ hơn 11 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, sau khi trừ mọi chi phí, lợi nhuận trước thuế quý 1/2025 của Sabeco vẫn giảm 17%, chỉ còn gần 1.022 tỷ đồng - mức thấp nhất trong hơn 3 năm qua. Kết quả kinh doanh còn chịu ảnh hưởng từ việc Sabeco chính thức hợp nhất Sabibeco thành công ty con kể từ tháng 1/2025, kéo theo nghĩa vụ thuế tiêu thụ đặc biệt tăng lên đáng kể.

So với kế hoạch đề ra cho cả năm 2025, với mục tiêu doanh thu 44.819 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.835 tỷ đồng - Sabeco mới chỉ hoàn thành 13% chỉ tiêu doanh thu và 17% lợi nhuận sau quý đầu tiên.

Thu Trang

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/sabeco-chi-hon-3900-ty-dong-tra-co-tuc-ty-phu-thai-nhan-ve-2100-ty-do-ng-41239.html