Sắc chàm trong bức tranh thổ cẩm vùng cao

Nói đến trang phục của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc, người ta vẫn hay ví đó là những tác phẩm nghệ thuật của vùng cao, hội tụ tinh hoa của sự sáng tạo, phối hợp màu sắc rực rỡ và có sức cuốn hút đến vô cùng. Nền của những hoa văn thổ cẩm lung linh ấy là sắc chàm xanh thẫm, mộc mạc, thâm trầm, nhưng chứa đựng bên trong là cả câu chuyện ngàn đời về bí quyết nhuộm chàm, về văn hóa bản địa và gốc rễ, cội nguồn của mỗi dân tộc.

Một công đoạn nhuộm chàm của đồng bào dân tộc Dao.

Một công đoạn nhuộm chàm của đồng bào dân tộc Dao.

Có ai còn nhớ “Việt Bắc” của Tố Hữu đã từng nói “Áo chàm đưa buổi phân ly/ Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”. “Áo chàm” ấy là hình ảnh rất cụ thể đại diện cho cả một cộng đồng các dân tộc vùng cao phía Bắc mà nhà thơ đã dành hết mọi ân tình và sự thân thương khi nhắc tới. Chàm vốn chẳng phải là gam màu tươi sáng, nhưng lại là màu sắc đặc trưng cho một nét văn hóa có từ lâu đời, hiện diện trên trang phục của đại đa số đồng bào dân tộc miền núi.

Hầu hết các dân tộc ở vùng Tây Bắc đều có thói quen nhuộm chàm cho vải may trang phục truyền thống. Cây chàm được dùng là loại cây thân nhỏ, cao chừng 1 mét, lá dẹt, toàn thân và lá màu xanh thẫm. Loại cây này phải được trồng dưới tán rừng, đất ẩm quanh năm. Cứ sang thu hay đầu xuân, khi cây chàm cao đến đầu gối người lớn là có thể thu hoạch để mang về đun lấy nước nhuộm vải. Hoặc kỳ công hơn là ngâm cây chàm vào những thau nước lớn, đặt vài thanh tre ở trên và dùng đá tảng nén lại để toàn bộ cây chàm ngập sâu trong nước. Khoảng sau một tuần, cây chàm phân hủy, bà con dỡ xác chàm ra, đổ phần nước loãng bên trên đi, giữ lại phần nước sền sệt lắng dưới đáy thau, sục vôi bột và khuấy thật kỹ đến khi nổi bọt bồng bềnh và tan ra, rồi mới mang vải thô trắng ra nhuộm thành vải chàm. Rồi nữa, nấu chàm hoặc ngâm cây chàm lâu ngày để lắng thành cao chàm mang phơi khô, cất giữ để dùng khi đến mùa chàm rụng hết lá.

Công việc này được thực hiện bởi những người phụ nữ khéo tay và thật sự cần cù, kiên nhẫn, vì không phải ai cũng đủ tỉ mẩn, tinh tế, đủ kinh nghiệm để hiểu về kỹ thuật ngâm chàm, làm cao chàm, cũng không phải người phụ nữ nào cũng đủ “mát tay” để nhuộm chàm lên màu đẹp. Đã từng một thời, những đôi tay trắng ngọc ngà của các cô gái nhuộm màu xanh ngọc mới được coi là đôi tay đẹp, đảm đang và khéo léo được các chàng trai để mắt và được người già trong bản hết lời khen ngợi. Bởi thế nên ngay từ bé, những người con lớn lên ở rẻo cao đã được dạy: “Lớn lên em theo mẹ tập thêu/ Theo chị nhuộm chàm, in hoa trên áo mới/ Lớn lên anh theo cha đi cày nương.

Những ai không hiểu về chàm có thể thấy rằng sắc chàm rất trầm và tối màu, nhưng với những người phụ nữ dân tộc, chàm khi nhuộm lên vải sẽ lên những “tông” màu khác nhau và người ta dựa vào đó để nhận định mức độ thành công của quá trình nhuộm. Mỗi dân tộc sẽ có những kỹ thuật nhuộm chàm và tiêu chí đánh giá màu chàm khác nhau. Với đồng bào dân tộc Mông ưa vải nhuộm chàm phải lên màu xanh ngọc, thì các cô gái Thái thích vải khăn piêu nhuộm chàm đen tuyền để làm nổi bật hoa văn và những chiếc “cút piêu” rực rỡ sắc màu. Còn với những phụ nữ dân tộc Dao, tấm vải nhuộm chàm phải lên màu xanh than ánh tím mới đạt chất lượng cao nhất.

Nhuộm vải chàm là cả một quá trình rất kỳ công và mất nhiều thời gian, đôi khi cả tháng trời. Để màu chàm không bị phai, vải phải được ngâm chàm nhiều lần rồi phơi khô dưới nắng, đến khi vải ngả màu ưng ý mới thôi. Vải chàm thường được dùng để may váy áo, làm khăn. Màu chàm thô mộc làm nền cho những hoa văn, họa tiết sắc màu, những gam màu nóng được chàm dung hòa lại trong những bộ trang phục thổ cẩm vùng cao nền nã mà không kém phần nổi bật.

Chưa ai lý giải vì sao đồng bào vùng cao lại nhuộm chàm may áo, nhưng theo lời truyền dạy của bà cho cháu, của mẹ cho con gái, cây chàm bền màu, mùi chàm thơm, trang phục nhuộm chàm giúp tránh được côn trùng đốt, chống vắt cắn khi đi rừng, đi nương.

Màu chàm như màu núi, màu rừng xanh thẳm, cũng đơn giản là cách để đồng bào vùng cao thích nghi, gắn bó với cuộc sống nơi đại ngàn. Sắc chàm cứ thế gắn liền với đời sống thường nhật, với văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc. Và cứ thế qua bao thế hệ truyền nối, gìn giữ, dù cuộc sống có từng ngày đổi thay thì sắc chàm ấy vẫn cứ xanh, cứ tím... chẳng phai nhạt theo thời gian.

Thảo Nguyên

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/sac-cham-trong-buc-tranh-tho-cam-vung-cao-49589