Sắc màu chợ phiên ngày Tết

Những ngày cuối tháng Chạp, người người đi chợ sắm Tết, đây cũng là dịp chợ đông vui hơn, hàng hóa đa dạng, đủ sắc màu hơn. Sự náo nhiệt của những phiên chợ Tết khiến ai cũng thấy xốn xao, nhanh chóng sắp xếp công việc của năm cũ, sẵn sàng đón chào năm mới với hy vọng về cuộc sống đủ đầy, một năm mới nhiều khởi sắc.

Những món đồ trang trí được bày bán ở phiên chợ Tết cuối năm.

Cuộc sống ngày càng hiện đại, hoạt động mua sắm, vui chơi được số hóa ngày càng nhiều với đầy đủ các mặt hàng, thao tác đơn giản, thanh toán nhanh chóng, thế nhưng những phiên chợ Tết vẫn có sức hút mạnh mẽ. Ở huyện vùng cao Tân Sơn, chợ truyền thống các xã đều họp phiên cố định theo ngày hoặc theo thứ đã quy định. Trung bình một tháng mỗi chợ họp từ 6 - 10 phiên. Ngày Tết chợ phiên họp sớm và tan muộn hơn ngày thường. Hàng hóa tràn ngập các gian hàng, rực rỡ màu sắc của bánh kẹo, hoa quả, quần áo, đồ trang trí. Ngoài những món hàng hóa được đưa từ miền xuôi lên thì những mặt hàng mang đậm bản sắc vùng cao như: Thổ cẩm, mật ong rừng, cơm lam, xôi ngũ sắc, ngô, khoai, sắn, bánh chưng, thịt gà, rau dớn, hạt xẻng, măng chua... cũng được người dân vùng cao mang ra bày bán ngày Tết.

Các loại bánh đặc sản: Cơm lam, bánh gio, bánh tét... được người dân xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn chế biến tăng gấp nhiều lần so với ngày thường để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Từ buổi sớm tinh mơ, chợ phiên Tân Phú cuối năm đã tấp nập người mua, người bán. Cái lạnh của buổi sáng vùng cao kèm theo những hạt mưa Xuân lất phất cũng không ngăn được dòng người đổ về chợ. Tiếng cười nói rôm rả như xua tan cái giá lạnh của mùa Đông. Ai ai cũng muốn bán hàng cho nhanh rồi tranh thủ sắm Tết. Bà Đinh Thị Khóa, dân tộc Mường, xã Mỹ Thuận dù đã hơn 70 tuổi nhưng vẫn nhanh nhẹn vừa mời chúng tôi thử món cơm lam nướng ngũ sắc vừa chia sẻ: Chợ phiên Tân Phú họp một tuần ba buổi vào thứ ba, thứ năm và chủ nhật. Những phiên chợ ngày thường tôi chỉ làm từ 13-17 ống cơm lam, còn phiên chợ giáp Tết lượng cơm lam tăng gấp ba, thậm chí gấp năm lần, bởi nhiều vị khách xa quê trở về muốn thưởng thức hương vị quen thuộc của gạo nếp quyện vào ống tre, ống nứa và mùi của khói bếp nên tìm mua rất nhiều”.

Không chỉ những món ăn đặc trưng của địa phương đắt khách ngày Tết, các sạp quần áo cũng đông vui không kém. Phiên chợ thường chỉ có vài ba hàng của các chủ sạp là người trong xã thì những phiên chợ Tết có thêm các chủ sạp từ miền xuôi đưa hàng về bán. Đủ thứ sắc màu, kích thước, kiểu dáng phục vụ trẻ con, người lớn. Ở một góc khác, người ta bày bán những bó lá dong xanh mướt được xếp thành hình tròn, những bó lạt giang được chẻ mỏng một cách khéo léo hay những ống nứa bánh tẻ gióng dài, những nải chuối cong vút... chờ các vị khách tới mang về.

Người dân lựa chọn mua bưởi ở phiên chợ Nú, phường Minh Nông, thành phố Việt Trì.

Xuôi theo Quốc lộ 32, hòa vào dòng người hối hả trên đường về nơi thị thành đông vui, hoạt động thương mại, dịch vụ sôi động, náo nhiệt nhưng những phiên chợ quê trong lòng đô thị vẫn níu chân được khách hàng. Nằm ở khu Minh Bột, phường Minh Nông, thành phố Việt Trì, từ bao đời nay, chợ Nú vẫn giữ được nét thuần túy, mộc mạc, giản dị của phiên chợ quê. Chợ họp theo phiên chính vào các ngày 3, 5, 8, 10 (âm lịch) hàng tháng, trong đó ngày 3, 8 là phiên chính, còn lại là phiên phụ hay còn gọi là phiên xép.

Chợ Nú ngày Tết đông vui không kém các chợ đầu mối của thành phố, hơn 200 gian hàng của các thương nhân là người gốc Minh Nông và một số tiểu thương từ nơi khác đổ về đầy ắp hàng hóa. Các loại rượu, bia, bánh kẹo, mứt Tết, đồ hộp có đủ loại, từ bình dân đến cao cấp. Bên cạnh đó, các mặt hàng tự cung, tự cấp của người dân làm ra như đôi quang gánh, vài mớ rau, củ su hào hay nải chuối xanh, quả bưởi, lá trầu, quả cau… đều được người dân mang ra chợ bán, tạo thêm không khí nhộn nhịp của phiên chợ ngày Tết. Bà Tạ Thị Binh, phường Minh Phương cho biết: “Mặc dù xung quanh khu vực tôi sinh sống có nhiều chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng song tôi vẫn giữ thói quen đi chợ Nú bởi nhiều mặt hàng truyền thống ở đây khó tìm mua được ở những nơi khác”.

Dẫu cuộc sống có nhiều thay đổi, sự xuất hiện của các loại hình thương mại hiện đại song những phiên chợ Tết vẫn chiếm vị trí đặc biệt trong tâm hồn mỗi người dân khi Tết đến, Xuân về. Chợ phiên ngày Tết không đơn thuần chỉ là nơi mua bán những sản vật vườn quê mà còn là nơi để người dân kết nối, giao lưu, chia sẻ chuyện làm ăn, buôn bán, tạo nên sợi dây gắn kết cộng đồng.

Có đi chợ Tết mới cảm nhận rõ hơi thở ấm áp của mùa Xuân đang hiện hữu trên quê hương Đất Tổ, hứa hẹn một năm mới an khang, thịnh vượng, bình yên và may mắn.

Hà Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//van-hoa/sac-mau-cho-phien-ngay-tet/190408.htm