Sắc màu Chol Chnam Thmay rực rỡ giữa lòng Sài Gòn
Hòa chung không khí rộn ràng ngày hội chung toàn dân thống nhất, những ngày giữa tháng tư rộn rã, bà con đồng bào Khmer hân hoan, tề tựu về chùa Chantarangsay vui đón tết cổ truyền Chol Chnam Thmay.

Giữa nhịp sống hối hả, nhộn nhịp của những ngày tháng Tư lịch sử lại nhộn nhịp một không gian văn hóa đặc sắc, rộn ràng và ấm áp – Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer.

Năm nay, tâm điểm của không khí lễ hội tưng bừng, nhộn nhịp diễn ra trong suốt 3 ngày tại chùa Chantarangsay, tọa lạc bên dòng kênh Nhiêu Lộc, Q.3.

Nơi đây, hàng ngàn bà con cùng đông đảo người dân và du khách yêu mến văn hóa Khmer tìm về để cùng nhau đón chào năm mới.
Trong suốt ba ngày Tết Chol Chnam Thmay, từ 14/4 đến 16/4/2025, khuôn viên chùa Chantarangsay lại càng rực rỡ thêm bởi các sắc màu tươi mới của cờ phướn, đèn lồng, muôn hoa khoe sắc hòa cùng lời kinh chúc phúc, tiếng nhạc ngũ âm du dương, trầm bổng.
Những ngày này không chỉ là một tâm điểm hội tụ niềm vui, nơi những giá trị truyền thống được trân trọng và lan tỏa, mà còn góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân.

Ngay từ sáng sớm ngày đầu tiên diễn ra lễ hội, khuôn viên chùa Chantarangsay đã rộn ràng không khí chuẩn bị.

Góc này trang trí hoa tươi, bày biện mâm quả; góc khác dưới chân chánh điện, mọi người cùng nhau đắp núi cát v.v..

Chẳng mấy chốc, không gian ngôi chùa cổ kính, mang đậm sắc màu Phật giáo Nam tông trở nên rực rỡ.
Chú Thạch Khuôn (65 tuổi, ngụ tại Q. Bình Tân) vui vẻ cho hay, Tết Chol Chnam Thmay là ngày hội lớn nhất của người Khmer mình. Dù xa nhà lên làm an và sinh sống ở thành phố, bận rộn cả năm, nhưng cứ đến Tết là gia đình tôi lại cùng nhau tề tựu về chùa để làm lễ, vui chơi cùng mọi người.
Đến đây mình cảm thấy như được trở về Sóc Trăng quê nhà, được sống trong không khí truyền thống của dân tộc mình. Năm nay, tôi cầu mong cho gia đình mạnh khỏe, làm ăn thuận lợi, và quê hương, đất nước mình ngày càng phồn thịnh, phát triển.

Chiều tối, bà con Khmer và du khách từ khắp các quận, huyện của TP.HCM và các tỉnh lân cận nô nức đổ về thắp nhang khấn Phật và vui hội.

Người lớn cùng trẻ em háo hức trong những bộ quần áo mới, tay cầm những đóa hoa tươi thắm cùng hướng về chánh điện, thắp nhang cầu năm mới bình an, mạnh khỏe.

Trên chánh điện khói nhang nghi ngút, các vị sư sãi đang cử hành các nghi lễ truyền thống, vẫy nước thơm, buộc chỉ may mắn và ban phúc lành cho mọi người.

Những nụ cười rạng rỡ, những tiếng reo hò phấn khích đã xóa nhòa mọi khoảng cách, tạo nên một không gian đoàn kết và ấm áp.
Nghi lễ diễn ra trang nghiêm, tiếng tụng kinh vang vọng tạo nên một không gian linh thiêng và trang trọng. Sau nghi lễ chính, bà con thành kính thắp nhang, cầu xin Phật Tổ phù hộ, ban cho một năm mới an lành, no ấm và hạnh phúc.
Không chỉ diễn ra các nghi lễ tôn giáo, trong 3 ngày Tết tại chùa Chantarangsay còn là một lễ hội văn hóa đa sắc màu. Khu vực sân chùa trở thành một sân khấu cộng đồng sôi động với các hoạt động văn nghệ truyền thống. Mọi người hòa chung lời ca tiếng hát rộn ràng sân khấu trong tiếng vỗ tay, reo hò cổ vũ.

Sự rộn ràng, tươi vui và những giá trị văn hóa ngày Tết Chol Chnam Thmay mang lại đã tô điểm thêm những sắc màu đa dạng cho bức tranh văn hóa của TP.HCM.
Cùng hòa chung niềm vui đón tết, chị Kim Thị Saly ở Tân Phú đi cùng nhóm bạn chia sẻ: “Tôi rất vui khi thấy Tết Chol Chnam Thmay ngày càng được nhiều người dân cùng du khách biết đến, tham gia cũng như chung vui cùng bà con”.
Dịp này, tôi và các bạn cùng xóm đến chùa không chỉ để làm lễ mà còn để gặp gỡ bạn bè, người thân. Bên cạnh đó, các chương trình văn nghệ, giao lưu cũng rất thú vị, giúp cho mọi người và con cháu mình hiểu thêm về văn hóa của ông bà.

Đến chùa dự lễ hội, em cùng bạn bè còn được xem chương trình văn nghệ sôi động với các tiết mục múa hát truyền thống. Ngoài ra còn được các sư vẫy nước thơm, buộc chỉ cổ tay ban phước lành nữa.
Bạn Nguyễn Thị Ngọc Trâm, sinh viên năm III ĐH Văn hóa hào hứng cho hay, em rất thích không khí Tết nơi đây, đặc biệt là vào các dịp lễ hội của bà con đồng bào Khmer, mọi người ai nấy đều vui vẻ, mặc đồ đẹp; nhất là các chị trong bộ trang phục Sampot sray trông thật duyên dáng, xinh đẹp.
Những chia sẻ chân tình của bà con và các bạn trẻ cho thấy Tết Chol Chnam Thmay không chỉ là một dịp lễ tôn giáo đơn thuần mà còn là một sự kiện văn hóa quan trọng, góp phần gắn kết cộng đồng, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Khmer giữa lòng đô thị nhộn nhịp, nghĩa tình.