Sắc màu dân tộc Dao Tiền

PTĐT - Dù cuộc sống của đồng bào dân tộc Dao Tiền ở huyện Tân Sơn còn nhiều khó khăn, nhưng trong mỗi nếp nhà của người Dao Tiền...

Các họa tiết trên trang phục truyền thống của người Dao Tiền được các bà, các mẹ chỉ dạy cho con cháu.

Các họa tiết trên trang phục truyền thống của người Dao Tiền được các bà, các mẹ chỉ dạy cho con cháu.

PTĐT - Dù cuộc sống của đồng bào dân tộc Dao Tiền ở huyện Tân Sơn còn nhiều khó khăn, nhưng trong mỗi nếp nhà của người Dao Tiền có nhiều giá trị văn hóa truyền thống vẫn được lưu giữ. Điều này thể hiện rõ qua lễ cấp sắc của người con trai và đặc biệt là trang phục truyền thống của người phụ nữ Dao Tiền mang đậm nét văn hóa đặc trưng.

Chúng tôi về xã Vinh Tiền khi lúa non đang lên xanh rì trên mỗi thửa ruộng bậc thang, nắng hè ươm vàng le lói qua những vách gỗ. Bên hiên nhà những người phụ nữ Dao Tiền chăm chỉ, miệt mài với từng đường kim, mũi chỉ trên tấm vải chàm để làm nên bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Chị Đặng Thị Xuân ở khu Đồng Thị vừa làm vừa giới thiệu cho chúng tôi chất liệu, hoa văn, nét độc đáo trên trang phục của người Dao Tiền: Theo truyền thống con gái Dao Tiền từ 10 - 13 tuổi đã được bà, được mẹ chỉ bảo, truyền dạy cho cách thêu thùa, làm trang phục truyền thống. Theo thời gian, khi đường kim mũi chỉ thành thạo cũng là lúc người con gái Dao Tiền bắt đầu hành trình làm nên bộ trang phục cho mình khi đi lấy chồng.
Vào những lúc nông nhàn người phụ nữ Dao Tiền lại xe chỉ thêu làm ra những bộ quần áo, váy sắc màu, mang đậm nét đặc trưng văn hóa của dân tộc mình. Để hoàn thành một bộ trang phục, người phụ nữ Dao Tiền phải làm nhiều công đoạn thủ công tỉ mỉ có khi mất hai, ba tháng trời; mọi chi tiết trên trang phục đều thể hiện sự cần cù, sáng tạo và tỉ mỉ trong từng đường kim, mũi chỉ. Điểm nhấn đầu tiên trên trang phục là chiếc khăn đội đầu, ở phía dưới khăn được thêu một số hoa văn họa tiết hình vuông bằng chỉ ngũ sắc với những ô vuông, quả trám nhỏ và có thể đính thêm tua len màu đỏ với hạt cườm xanh lam. Khi đội khăn lên đầu phụ nữ thường búi tóc ngược lên đỉnh đầu hơi hướng về phía trước và khéo léo quấn hai đuôi tai khăn vắt chéo qua chán, kín gáy và gần kín hai tai tạo thành hình chữ bát.Không rực rỡ như các dân tộc khác, trang phục của người Dao Tiền lấy màu chàm đen làm tông màu chủ đạo, họa tiết là hình ảnh cây, hoa, núi rừng… xuất phát từ cuộc sống của cha ông bao đời vẫn luôn gắn liền với thiên nhiên cây cỏ. Bởi vậy, dù là trang phục nam hay nữ đều toát lên sự nhã nhặn, tinh tế và hài hòa, đặc biệt khi kết hợp với sắc trắng của những đồng bạc trắng. Áo phụ nữ Dao Tiền may dài thân, xẻ tà và có nẹp nhỏ thêu hoa văn, áo được khâu theo dạng tay ống và thêu nạp hoa văn nhỏ hình thoi để thêm phần mềm mại. Váy được làm với cạp nhỏ, thân được trang trí họa tiết ở gấu váy với các mảng hoa văn như hình thoi, hình tam giác, hình răng cưa..., dùng dây lưng được dệt sợi bông quấn sát vòng eo ôm gọn lấy người để dễ dàng khi lên nương làm rẫy. Quan trọng nhất là chiếc áo màu chàm luôn có những đồng tiền xu kết sau gáy áo nên gọi là “Dao đeo Tiền”. Một nét đặc sắc nữa là kỹ năng in sáp ong của người Dao Tiền, sáp ong ở rừng đem về nấu thành cao đem đi phơi khô, khi dùng chỉ cần đun lại mang ra chấm vào vải, khi đun sáp phải đủ nhiệt độ thì họa tiết in lên vải mới đều và đẹp. Không chỉ đường nét tinh xảo, các họa tiết, hoa văn thêu của người Dao Tiền còn rất đặc biệt bởi cách phối màu. Tuy nhiên hiện nay, người Dao Tiền nói riêng và các dân tộc thiểu số sống trên địa bàn huyện chủ yếu mặc giống người Kinh và chỉ diện trang phục truyền thống vào các dịp lễ Tết, đám cưới hoặc các dịp trọng đại... Đặc biệt, những người biết dệt và thêu vải hiện còn rất ít; chính vì vậy, trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Dao Tiền đang ngày càng ít hiện hữu trong đời sống thường nhật hơn so với trước kia.Ông Hà Phú Soái - Chủ tịch UBND xã Vinh Tiền cho biết: Hiện nay xã có trên 75% là đồng bào người Dao Tiền, việc giữ gìn trang phục truyền thống được xã quan tâm, chú trọng. Xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống, đặc biệt là trang phục Dao Tiền không bị mai một cùng thời gian. Đồng thời khuyến khích người phụ nữ Dao Tiền tích cực truyền dạy lại cách may, thêu thùa trang phục truyền thống cho các con, cháu gái trong gia đình. Trang phục truyền thống giống như một thông điệp mà ông cha ta để lại. Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số là việc làm cần thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với nền văn hóa của mỗi dân tộc. Vì vậy, huyện Tân Sơn đang khuyến khích người dân đẩy mạnh phát triển các nghề dệt thổ cẩm, may mặc trang phục dân tộc vừa để bảo tồn, quảng bá và tăng nguồn thu nhập cho bà con, đồng thời đưa văn hóa truyền thống vào trường học, qua đó khơi dậy niềm tự hào và nâng cao nhận thức về bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ.

Thu Giang

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dat-nguoi-phu-tho/202008/sac-mau-dan-toc-dao-tien-172211