Sắc màu dân tộc Thái ở Lang Chánh
Huyện Lang Chánh xưa có tên là Châu Lang. Đây là vùng đất cổ còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cùng bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc Thái.

Múa sạp của đồng bào dân tộc Thái ở Lang Chánh.
Theo các tài liệu cổ, người Thái tại Lang Chánh đã định cư từ lâu đời, có nguồn gốc từ Tây Bắc di cư xuống và từ Lào sang. Hiện nay, người Thái tập trung sinh sống chủ yếu tại các xã Yên Khương, Yên Thắng, Lâm Phú, Trí Nang, Tam Văn, Tân Phúc và còn lưu giữ nhiều ngôi nhà sàn truyền thống.
Nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái có kết cấu linh hoạt và rất dễ nhận biết vì mái nhà có hình mai rùa, hai đầu mái vươn cao với chi tiết độc đáo giúp chống chọi với lũ lụt và thú dữ. Ngày nay, nhà sàn không chỉ là không gian sinh hoạt chung của gia đình mà còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng.
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Thái ở Lang Chánh cũng được bảo tồn và phát triển qua nhiều thế hệ. Nhờ đó, những bộ trang phục truyền thống cùng các vật dụng sinh hoạt làm từ thổ cẩm vẫn hiện diện trong đời sống hàng ngày, trở thành nét đặc trưng văn hóa của người Thái. Không chỉ bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, người Thái ở Lang Chánh còn lưu giữ, phát huy những di sản văn hóa phi vật thể độc đáo như nghệ thuật diễn xướng cồng chiêng, dân ca, dân vũ, hát khặp, múa xòe... Những nét văn hóa này không chỉ thể hiện đời sống tinh thần phong phú của đồng bào, mà còn góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa truyền thống dân tộc.
Trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Lang Chánh Trịnh Đức Hùng, cho biết: Huyện Lang Chánh đã đề ra nhiều chủ trương và giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành nghị quyết chuyên đề “Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Huyện cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cán bộ, Nhân dân nâng cao nhận thức về bảo tồn, phát huy những nét văn hóa đặc trưng gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, khuyến khích các địa phương trong huyện tích cực tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa - thể thao, nhất là các điệu múa sạp, khua luống, cồng chiêng, những trò chơi dân gian như bắn nỏ, ném còn, đẩy gậy... Huyện cũng phục dựng và duy trì thường xuyên các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Chí Linh Sơn, Lễ hội Chá Mùn của đồng bào dân tộc Thái, xã Yên Thắng. Đặc biệt, tháng 8/2024 Lễ hội Chá Mùn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia... Đây là điều kiện thuận lợi để huyện bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/sac-mau-dan-toc-thai-o-lang-chanh-249791.htm