Sắc màu đối lập trong bức tranh tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 toàn cầu
Trong khi nhiều quốc gia, như Mỹ, Anh đang dư một lượng lớn vaccine không được sử dụng thì nhiều nước phải gấp rút tìm kiếm nguồn cung để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của mình.
Theo số liệu do hãng tin AFP công bố, hơn 2 tỉ liều vaccine Covid-19 đã được tiêm sau khi các quốc gia trên thế giới thực hiện chiến dịch tiêm chủng diện rộng để ngăn chặn sự lây lan virus SARS-CoV-2.
Với lợi thế có nguồn lực lớn và cũng là nơi đặt trụ sở các hãng dược phẩm Pfizer và Moderna, Mỹ nhanh chóng có được vaccine và triển khai tiêm chủng đại trà từ ngày 4/1 năm nay. Tính đến thời điểm này, hơn 297 triệu liều vaccine đã được tiêm tại Mỹ. Trước thực tế lượng vaccine ngừa Covid-19 trong kho đang dư thừa, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 3/6 thông báo, đến cuối tháng 6, Mỹ sẽ chia sẻ 80 triệu liều vaccine với thế giới.
“Chúng tôi có kế hoạch chia sẻ vaccine ngừa Covid-19 đến nhiều quốc gia trong khu vực Mỹ Latinh và Caribe, Nam Á, Đông Nam Á và châu Phi với sự phối hợp của Liên minh châu Phi. Chương trình chia sẻ vaccine của chúng tôi cũng ưu tiên tới các nước láng giềng như Guatemala và Colombia, Peru, Ecuador và nhiều nước khác”, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết.
Ngoài Mỹ, một số quốc gia khác cũng có tỉ lệ tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 cao như Israel với tỷ lệ gần 60% người dân được tiêm chủng đầy đủ. 59% dân số Canada đã được tiêm ít nhất một mũi, con số này tại Anh là 58,3%, Chile (56,6%).
Ngoài việc đã thực hiện được việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trên diện rộng, Liên minh châu Âu (EU) và các nước phát triển khác còn ký thỏa thuận mua thêm hàng tỷ liều vaccine Covid-19 trong 2 năm tới.
Trong khi đó, trái ngược với tình trạng dư thừa vaccine của nhiều quốc gia giàu có, rất nhiều quốc gia khác từ châu Á, châu Phi hay Mỹ Latinh… vẫn đang trong “cơn khát” vaccine và kỳ vọng dựa vào vaccine để thoát khỏi đại dịch, quay trở lại cuộc sống bình thường.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện hàng chục quốc gia chỉ mới bắt đầu tiêm vaccine ngừa Covid-19 với số lượng hạn chế, hàng chục quốc gia khác, đặc biệt là tại châu Phi, thậm chí còn chưa được tiếp cận vaccine Covid-19. Theo số liệu từ Đại học Oxford của Anh, khu vực châu Phi đến nay chỉ 1% người dân đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19. Ở châu Á, con số này mới gần 5%.
Trước thực trạng này, nhiều tổ chức quốc tế và quốc gia trên thế giới đã kêu gọi phân phối vaccine công bằng và mở rộng năng lực sản xuất vaccine.
Tại cuộc họp Bộ trưởng Y tế nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) ngày 3/6, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock kêu gọi: “Chúng ta cần làm việc cùng nhau để mở rộng khả năng tiếp cận vaccine trên toàn cầu. Chúng ta sẽ chỉ thoát khỏi đại dịch toàn cầu này khi cả thế giới hết dịch bệnh. Đó là lý do các nước G7 cần phải làm việc cùng nhau và các đối tác khác để đảm bảo rằng, cả thế giới cùng thoát ra khỏi đại dịch”.
Trong tuyên bố chung với G7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng kêu gọi lãnh đạo G7 tiến hành phân phối bất cứ loại vaccine Covid-19 dôi dư nào tới các nước đang phát triển càng sớm càng tốt. Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới cho rằng, việc phân phối vaccine rộng rãi hơn vừa là nhu cầu kinh tế cấp bách, vừa là vấn đề đạo đức. Đại dịch Covid-19 sẽ không kết thúc cho đến khi tất cả những người dân trên thế giới không phân biệt quốc tịch, tôn giáo, sắc tộc được tiếp cận vaccine.
Một số chuyên gia nhấn mạnh việc quyên tặng vaccine sắp tới nên diễn ra thông qua chương trình COVAX của Liên Hợp Quốc và dựa vào những tiêu chí như nhu cầu đối phó các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và năng lực triển khai tiêm chủng nhanh chóng, hiệu quả của các nước./.