Sắc mới nơi khởi nguồn cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh

Phát huy truyền thống hào hùng của quê hương, tự hào nơi khởi nguồn cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) luôn cố gắng, nỗ lực và phấn đấu xây dựng quê hương vững mạnh về mọi mặt… Từ một huyện thuần nông, đến nay 17/17 xã của Hưng Nguyên đã đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống nhân dân không ngừng nâng lên.

Những ngày tháng 9 lịch sử, về với Hưng Nguyên, Nghệ An, cội nguồn của cao trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) đúng vào dịp kỷ niệm 121 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (6-9-1902/6-9-2023) và 93 năm Ngày Xô viết Nghệ Tĩnh (12-9-1930/12-9-2023), chúng tôi được chứng kiến diện mạo mới của một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Từ thị trấn Hưng Nguyên theo tuyến đường 12/9 về xã Hưng Thông, nơi cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong sinh ra và lớn lên, hai bên đường rực rỡ cờ hoa, biểu ngữ; những cánh đồng rộn ràng tiếng máy gặt đập; đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa phẳng phiu, thẳng tắp; học sinh đến trường trong bộ đồng phục thơm mùi vải mới; những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, cửa hàng, dịch vụ nhộn nhịp người mua bán... cuộc sống của người dân thực sự phồn vinh, no ấm.

 Tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh tại huyện Hưng Nguyên.

Tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh tại huyện Hưng Nguyên.

Vinh dự là quê hương của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, xã Hưng Thông đang trên đà khởi sắc mạnh mẽ. Hệ thống giao thông, thủy lợi, điện chiếu sáng được đầu tư đồng bộ, cơ sở vật chất văn hóa được xây dựng khang trang. Hưng Thông đang quyết tâm để xây dựng thành xã nông thôn mới nâng cao. Tận dụng tối đa nguồn lực, xã đã làm mới và nâng cấp, bê tông hóa các tuyến đường giao thông, xây dựng trường học, trạm y tế đạt chuẩn, khu thị tứ khang trang… Hiện 4/4 xóm được đầu tư hàng chục tỉ đồng xây dựng trung tâm sinh hoạt cộng đồng, khu thể thao, hệ thống đèn đường chiếu sáng và camera an ninh. Hưng Thông chú trọng xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, từ đó đời sống kinh tế của người dân ngày càng ổn định.

 Mộ các liệt sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh hy sinh ngày 12-9-1930 tại thị trấn Thái Lão, huyện Hưng Nguyên ở Khu Di tích Xô viết Nghệ Tĩnh.

Mộ các liệt sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh hy sinh ngày 12-9-1930 tại thị trấn Thái Lão, huyện Hưng Nguyên ở Khu Di tích Xô viết Nghệ Tĩnh.

Về xã Long Xá, địa phương thuần nông nằm dọc ven sông Lam, chúng tôi được chứng kiến diện mạo tươi mới hơn sau khi địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao vào năm 2022. Đi trên những con đường bê tông rộng mở nối dài với những hàng cây, hệ thống điện chiếu sáng… ai cũng nhận thấy sự đổi khác về cảnh quan, môi trường làng quê.

Đồng chí Lê Xuân Quế, Bí thư Đảng ủy xã Long Xá cho biết: “Có được thành quả này là từ một quá trình nỗ lực, cố gắng của địa phương và sự đoàn kết một lòng quyết tâm đổi mới từ tư duy, cách làm và lối sống của nhân dân. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng và những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục vận động để tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động trong cán bộ và nhân dân về xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt, chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa, sân chơi, bãi tập, chỉnh trang nhà cửa khu dân cư, với tổng số vốn huy động gần 294 tỷ đồng; trong đó ngân sách nhà nước các cấp gần 150 tỷ đồng; nhân dân và con em xa quê đóng góp hơn 144 tỷ đồng và hàng ngàn ngày công. Đến nay đời sống tinh thần vật chất của người dân Long Xá được nâng lên rõ rệt; kinh tế có bước phát triển khá toàn diện; nhiều cánh đồng mẫu lớn, các mô hình liên kết sản xuất được đầu tư góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đảng bộ nhiều năm liên tục được công nhận trong sạch vững mạnh, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể được công nhận xuất sắc.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An dâng hoa, dâng hương tưởng niệm tại Nhà tưởng niệm các liệt sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) nhân kỷ niệm 93 năm Ngày Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Thành Duy

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An dâng hoa, dâng hương tưởng niệm tại Nhà tưởng niệm các liệt sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) nhân kỷ niệm 93 năm Ngày Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Thành Duy

Không chỉ có Hưng Thông, Long Xá mà về huyện Hưng Nguyên những ngày này đi đến đâu chúng tôi cũng chứng kiến bộ mặt làng quê nông thôn mới khởi sắc mạnh mẽ. Xây dựng Hưng Nguyên trở thành huyện nông thôn mới là mục tiêu lớn nhất được Đảng bộ huyện quan tâm là tập trung chỉ đạo trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng các xã đã tích cực vận động, xã hội hóa, lồng ghép các nguồn lực, đầu tư, bổ sung các cơ chế chính sách để xây dựng nông thôn mới. Kết quả, giai đoạn 2021-2023, toàn huyện đã làm mới và nâng cấp được gần 98km đường giao thông và giao thông nội đồng; gần 30km kênh mương và làm mới 130 công trình với tổng nguồn vốn 252 tỷ đồng.

Đến nay, toàn huyện có 17/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó có 3 xã đạt nông thôn mới nâng cao, dự kiến cuối năm 2023 có 1 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Chính từ phong trào xây dựng nông thôn mới, quê hương của phong trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh đã có nhiều đổi thay và đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội.

Nhân dân xã Hưng Thông thu hoạch lúa Hè Thu.

Nhân dân xã Hưng Thông thu hoạch lúa Hè Thu.

Cùng với việc chú trọng xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế theo hướng đầu tư thâm canh tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hình thành được nhiều vùng sản xuất lúa gạo hàng hóa, huyện Hưng Nguyên luôn quan tâm mở rộng các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Các ngành nghề đã định hình và chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế. Toàn huyện có 139 cơ sở sản xuất. Hiện nay, UBND huyện đang triển khai lập quy hoạch Cụm khu công nghiệp Hưng Yên tại xã Hưng Yên Nam với diện tích 30ha, tổng kinh phí 165 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2024. Khi cụm công nghiệp hoàn thành sẽ tạo việc làm cho nhân dân các xã Hưng Trung, Hưng Yên Nam và Hưng Yên Bắc. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện có Khu công nghiệp VSIP hiện đã có 41 khách hàng ký cam kết đầu tư, trong đó có 37 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với số vốn 798 triệu USD và thu hút 14.000 lao động. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt 13,53%, trong khi mục tiêu Đại hội đề ra 9,5-10,5%.

Một góc thị trấn Hưng Nguyên những ngày tháng 9 lịch sử. Ảnh: Mai Hoa

Một góc thị trấn Hưng Nguyên những ngày tháng 9 lịch sử. Ảnh: Mai Hoa

Bên cạnh những dấu ấn nổi bật trên bức tranh về kinh tế, các hoạt động văn hóa-xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến. Chất lượng giáo dục mũi nhọn nằm trong tốp đầu của tỉnh. Việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nhất là các gia đình chính sách, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn… được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên. Chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, liên tục, đồng bộ, quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả.

Trong niềm phấn khởi về sự đổi thay của quê hương, đồng chí Nguyễn Thị Thơm, Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên bày tỏ: “Viết tiếp truyền thống cách mạng trên quê hương Xô viết Anh hùng, noi gương người chiến sĩ cộng sản kiên trung Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Đảng bộ và nhân dân huyện Hưng Nguyên đoàn kết, phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trên các lĩnh vực. Mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là quyết tâm cũng là trách nhiệm của mọi cán bộ, nhân dân huyện nhà để xứng đáng với truyền thống nơi khởi nguồn cao trào Xô viết (1930-1931)”.

Bài, ảnh: NGỌC THĂNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/sac-moi-noi-khoi-nguon-cao-trao-xo-viet-nghe-tinh-742431