Sắc mới trên quê hương Xô viết anh hùng

'Ơ… chứ nước sông Lam biết khi mô cho cạn, cũng như tinh thần cách mạng của dân ta. Dù cho nắng đỏ mưa sa, Nghệ An Xô viết vẫn là Nghệ An…'. Mang theo câu hát, điệu hò, chúng tôi tìm về các địa phương từng sục sôi đấu tranh của những năm 1930-1931, được chứng kiến sự chuyển mình rất rõ của những vùng quê cách mạng…

Từ Quốc lộ 46, vượt cầu Rộ, bắc qua sông Lam, xã Võ Liệt của huyện Thanh Chương hiện lên với những cánh đồng lúa trĩu hạt chuẩn bị vào mùa thu hoạch trải dài một màu vàng như rót mật. Giữa cánh đồng Rè, uy nghi đình Võ Liệt (được xây từ năm 1859), nơi thành lập chính quyền “xã bộ nông” đầu tiên trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh những năm 1930-1931, những ngày này rất đông các đoàn đại biểu đến dâng hương, tham quan, tìm hiểu lịch sử. Theo lịch sử ghi lại, vào tối 31-8, rạng sáng 1-9-1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc biểu tình lớn với sự tham gia của hơn 2 vạn nông dân từ 5 tổng kéo về huyện đường Thanh Chương với khí thế như “thác đổ, triều dâng” làm cho tri huyện, nha lại, lính tráng bỏ chạy tán loạn. Sau thắng lợi của cuộc biểu tình này, ngay chiều 1-9 chính quyền Xô viết được thành lập.

 Tượng đài Công nông Bến Thủy.

Tượng đài Công nông Bến Thủy.

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, thực hiện công cuộc xây dựng nông thôn mới, những năm qua cán bộ, nhân dân xã Võ Liệt đã tập trung xây dựng xã nhà trở thành điểm sáng của huyện Thanh Chương. Không chỉ đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới mà Võ Liệt còn được biết đến với miền quê giàu truyền thống hiếu học. Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng mẫu lớn, trong niềm vui về sự đổi thay của xã nhà, ông Bùi Xuân Lĩnh, Chủ tịch UBND xã Võ Liệt phấn khởi nói: “Xác định đầu tư cho sự nghiệp giáo dục chính là đầu tư cho tương lai, tạo nền móng vững chắc để phát triển kinh tế. Do vậy, những năm gần đây các cấp, các ngành và mọi người dân Võ Liệt chúng tôi luôn chăm lo, đầu tư việc học cho con trẻ. Hiện nay, toàn xã có 3/4 trường đạt chuẩn quốc gia; hàng năm trung bình gần 50 em đậu vào các trường cao đẳng, đại học. Cùng với đó, phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới được nhân dân tích cực hưởng ứng và đạt kết quả cao, góp phần xây dựng diện mạo địa phương ngày càng rạng rỡ, giàu mạnh”.

Rời Võ Liệt, chúng tôi “xuôi về Vinh”, qua Nam Đàn - quê Bác, Hưng Nguyên - quê hương cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong - những miền quê Xô viết đang tích cực chuyển mình với lúa ngô, rau màu năng suất cao cùng các công trình, nhà máy công nghiệp, thể hiện sự liên minh công-nông bền vững.

Xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) đón chúng tôi với cổng chào trang trọng. Hưng Tân giờ đây đã giàu đẹp hơn xưa. Hào khí Xô viết 1930-1931 đã làm nên một xã Anh hùng LLVT nhân dân và truyền thống đó đã tạo nên một Hưng Tân ngày càng khởi sắc về phát triển kinh tế, trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của huyện Hưng Nguyên. Không còn là một xã “thuần nông” mà giờ đây, cấp ủy, chính quyền và người dân Hưng Tân đã đẩy mạnh phát triển đa dạng các ngành nghề phù hợp, thu hút lao động địa phương, từng bước nâng cao đời sống cho người dân.

 Bà con xã Hưng Thông, Hưng Nguyên đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp.

Bà con xã Hưng Thông, Hưng Nguyên đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp.

Về xã Hưng Thông (huyện Hưng Nguyên) - quê hương Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, những ngày tháng 9 rộn ràng khí thế thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương. Với chủ trương lấy nông nghiệp làm gốc, những năm qua Hưng Thông đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng vật nuôi, tiến hành dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn nên địa phương đã hoàn thành xuất sắc các tiêu chí, kế hoạch mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.

Hưng Nguyên hôm nay không chỉ biết đến với các doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp với 370 doanh nghiệp lớn và nhỏ mà còn có những khu công nghiệp lớn như VSIP… góp phần mang lại nguồn ngân sách lớn cho địa phương. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm (giai đoạn 2016-2020) ước đạt 9,16%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 46 triệu đồng, tăng gấp 1,88 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; trong đó sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Hưng Nguyên đã xây dựng được vùng sản xuất lúa gạo hàng hóa với tổng 5.000 - 5.900 ha/năm; gắn với xây dựng một số mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau màu cao cấp và an toàn.

Công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, thương mại cũng có bước tăng trưởng khá nhanh. Trong 5 năm, trên địa bàn huyện đã phát triển thêm 150 doanh nghiệp mới, nâng tổng số doanh nghiệp toàn huyện lên gần 370 đơn vị. Công tác xây dựng nông thôn mới được các cấp chỉ đạo quyết liệt. Dự kiến đến hết năm 2020 có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đưa tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn huyện 17/17 xã, tăng 10 xã so với năm 2015, huyện cơ bản đạt các tiêu chí nông thôn mới trong năm 2020.

Xuôi đường tránh Vinh, chúng tôi hòa mình vào không khí hăng say lao động cùng cán bộ, nhân viên Cảng Bến Thủy. Những ngày này, cán bộ, công nhân của cảng đang tích cực huy động phương tiện, thiết bị nhanh chóng bốc dỡ hàng. Những mặt hàng thông qua cảng vẫn là than, quặng… có tính truyền thống hàng chục năm qua. Ông Lê Doãn Long - Giám đốc cảng là một người trẻ nhưng khi nói về truyền thống của đơn vị rất tường tận, sôi nổi. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông cho biết thêm: Tháng 4-1930, trong số các chi bộ đảng sớm thành lập ở Vinh, có chi bộ khuân vác Cảng Bến Thủy. Dưới sự chỉ đạo của chi bộ, anh em phu khuân vác và làm công ở cảng đã hòa nhập với đoàn biểu tình. Ngày 17-8-1945, công nhân Cảng Bến Thủy và các nhà máy ở Vinh đã vùng lên cùng nhân dân Yên Dũng, Đệ Thập cướp chính quyền, góp phần vào thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có 30 cán bộ, công nhân của cảng đã anh dũng hy sinh…

 Một góc thành phố Vinh hôm nay.

Một góc thành phố Vinh hôm nay.

Kế thừa truyền thống bất khuất đó, các thế hệ cán bộ, công nhân Cảng Bến Thủy luôn nỗ lực giải phóng hàng nhanh, phục vụ tốt nhất cho tàu ra vào cảng. Cảng Bến Thủy có 6 cầu tàu, phục vụ cho tàu dưới 2.000 tấn ra vào. Thời kỳ cao điểm, cảng có hơn 300 cán bộ, công nhân viên làm việc. Hiện tại, cảng có 85 cán bộ, công nhân với năng suất mỗi năm bốc xếp khoảng 300.000 tấn hàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Hướng tầm mắt về thành phố Vinh, trong ánh nắng đầu Thu, những tòa cao ốc chọc trời đã phần nào minh chứng cho sự vươn lên mạnh mẽ của quê hương Xô Viết anh hùng.

Đúng như lời phát biểu của đồng chí Thái Thanh Quý, Ủy viên Dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày Xô viết Nghệ Tĩnh tổ chức tại thành phố Vinh ngày 7-9-2020 khẳng định: 90 năm trôi qua, nhưng khí phách và tinh thần Xô viết vẫn trường tồn cùng lịch sử dân tộc, vang vọng truyền thống kiên cường, bất khuất, lòng yêu nước nồng nàn, trở thành ngọn lửa thiêng thắp sáng con đường đấu tranh vì độc lập, tự do và đi lên chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta. Phát huy truyền thống cách mạng trên quê hương Xô viết anh hùng, Nghệ An đang từng bước phấn đấu xây dựng thành tỉnh khá ở miền Bắc như mong muốn lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Bài, ảnh: PHÙNG NGỌC THĂNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/sac-moi-tren-que-huong-xo-viet-anh-hung-634786