Sắc phố cầu vồng hoa

Đã không ít lần tôi được ngắm cầu vồng mưa trên đỉnh tháp Bút bên đền Ngọc Sơn. Vào ngày mưa ngâu tháng Bảy gió xoay chiều, đường phố Đinh Tiên Hoàng cũng đung đưa theo sóng hồ Gươm. Nhịp phố khác hẳn ngày thường.

Khi ấy khu rừng cây cổ thụ bên hồ xôn xao kể chuyện tình Ngưu Lang Chức Nữ. Không gian mờ ảo, hồn phố ám ảnh quanh góc đền Bà Kiệu. Nghe như bà chúa Liễu Hạnh đang bay về trong những đám mây mưa. Phố mướt mát và sóng sánh dưới ánh cầu vồng lung linh.

Làn điệu Văn bên cầu Thê Húc

Đường phố Đinh Tiên Hoàng rộng 16 mét, dài 900 mét bao quanh phía đông và kéo sang phía bắc Hồ Gươm. Đầu phố bắt đầu từ quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục nên đường mở tới 50m. Cuối phố tiếp giáp với ngã tư Tràng Tiền, Hàng Bài và Hàng Khay tạo nên khuôn viên rộng lớn sầm uất.

Khi mở đại lộ quanh Hồ Gươm (năm 1891), các nhà xây dựng đã phải cắt đất của đền Bà Kiệu và chùa Báo Ân để làm đường đi qua. Vì thế cổng tam quan đền Bà Kiệu nằm bên hồ, còn đền vẫn được giữ nguyên. Riêng chùa Báo Ân bị lấy đất xây nhà Bưu điện (1901) chỉ còn tháp Hòa Phong tồn tại như một dấu tích sót lại nơi cuối phố.

Đinh Tiên Hoàng được coi là đại lộ chính nên thực dân Pháp đã xây các công sở rộng lớn kéo dài tới đền Bà Kiệu. Ngoài Bưu điện trung tâm còn có sự hiện diện của vườn hoa Paul Bert (công viên Lý Thái Tổ); Tòa Đốc lý xây năm 1921, nay là trụ sở UBND TP Hà Nội; Nhà máy đèn Bờ Hồ (xây 1902), hiện chính là trụ sở Điện lực TP Hà Nội.

Đêm pháo hoa Hồ Gươm.

Đêm pháo hoa Hồ Gươm.

Khách du lịch đến với Nhà hát Múa rối Thăng Long trên phố Đinh Tiên Hoàng.

Khách du lịch đến với Nhà hát Múa rối Thăng Long trên phố Đinh Tiên Hoàng.

Những dấu son lịch sử văn hóa còn được giữ lại chính là đền Ngọc Sơn và đền Bà Kiệu, tạo nên không gian tâm linh độc đáo của con phố hiện đại này. Công viên rừng cây cổ thụ bên Hồ Gươm là nơi hội ngộ của người dân bốn phương Thủ đô. Vào các ngày rằm và lễ hàng tháng, những Phật tử thường tới đền Bà Kiệu và Ngọc Sơn dâng hương. Nếu đền Bà Kiệu (xây đầu thế kỷ 17) thờ chúa Liễu Hạnh thì đền Ngọc Sơn lại thờ thần Văn Xương (thần coi việc văn chương khoa cử). Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã chép trong sách “Vân cát thần nữ truyện” một bài thơ về Liễu Hạnh (Hán Nôm) khi tới đây. Sau đó có nhiều bản dịch rất hay phải kể đến nhà thơ Phan Kế Bính. Ông mô tả rằng: “Cảnh như vẽ, gió hây hây/ Hoa đào mím miệng, liễu giương mày/ Bướm nhặng bay/ Trong bụi oanh vàng ríu rít/ Đầu nhà én đỏ hót hay/ Buồng xuân rạo rực mối tình gây”.

Sau đền Bà Kiệu là đền Ngọc Sơn được dựng vào thời Vĩnh Hựu (1735-1739). Đền được làm trên gò đất (đảo nhỏ) phía bắc Hồ Gươm. Tới năm 1865, nhà văn Nguyễn Văn Siêu (1799-1872), một học giả nổi tiếng đứng ra sửa lại đền, kè đá quanh đảo. Ông còn cho dựng trấn Ba Đình và bắc chiếc cầu gỗ nối liền đền với ngọn núi nhỏ trên bờ. Đó là núi Độc Tôn bên cạnh đền Bà Kiệu.

Xưa, phía trước cầu là bãi dâu rộng thoáng luôn được nắng đông chiếu từ sông Hồng vào nên nhà văn đã đặt tên cầu là Thê Húc (Ánh mặt trời đậu vào cầu). Nhà văn Nguyễn Văn Siêu đã cho xây Tháp Bút (cao 28 mét) trên gò núi đất Độc Tôn với chữ khắc “Tả thiên thanh” (Viết lên trời xanh). Còn ở trên cổng vào đền phía trong, ông cho đúc một nghiên mực đá đặt tên là Đài Nghiên. Hàng năm, nam thanh nữ tú đều tới đền cầu may mắn trong nghiệp thi cử. Nhiều cuộc hội thảo văn chương đã diễn ra tại đền cùng với những đêm hát văn lễ thánh.

Cầu Thê Húc luôn được sơn màu đỏ biểu hiện sự phát quang ánh sáng và là nơi hội tụ những hoạt động xã hội của thành phố vì hòa bình. Đền Ngọc Sơn là địa chỉ văn hóa tâm linh thiêng liêng bên cạnh đền Bà Kiệu luôn được các văn nhân tìm tới. Trong dân gian lưu truyền câu hát văn rằng: “Này nghiên với bút nọ rành rành/ Thắng cảnh đồn vang khắp thị thành/ Bay ngát xạ đưa khi vắng khách/ Tiếng ầm chuông đánh lúc tàn canh…”. (Đền Ngọc Sơn).

Lễ hội phố bốn mùa

Đinh Tiên Hoàng chỉ có dãy nhà bên số lẻ còn nửa bên kia chính là đường đi bộ bên hồ Hoàn Kiếm (nối từ đầu Hàng Khay tới phố Lê Thái Tổ). Cùng với sự tôn vinh những di tích văn hóa tâm linh bên hồ thì đường Đinh Tiên Hoàng đã để lại nhiều dấu ấn và công trình kiến trúc độc đáo. Đặc biệt, phố được coi là con đường của những lễ hội thường xuyên diễn ra tại những quảng trường. Nếu ngã tư cuối đường có không gian rộng lớn thì đầu phố vẫn giữ được quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Nhiều chương trình đại nhạc hội còn được tổ chức tại hai quảng trường khác là đền Bà Kiệu và công viên Lý Thái Tổ. Con phố xung quanh Hồ Hoàn Kiếm còn được nhiều đơn vị chọn để tổ chức các cuộc chạy thi, tổ chức các sự kiện văn hóa thể thao, lễ hội Nghệ thuật đường phố… Cuối tuần, Đinh Tiên Hoàng trở thành tuyến phố đi bộ với nhiều trò vui cùng những hoạt động sôi nổi của thanh niên. Vì thế phố được coi là con đường trẻ nhất Thủ đô với sắc diện tươi mát.

Đáng chú ý, Nhà hát Múa rối Thăng Long (số 57B) không bao giờ vắng khách du lịch quốc tế tới xem. Những tích trò chú Tễu (múa rối nước) là đặc trưng cho sự lạc quan của người dân Thủ đô luôn được mọi người đón nhận thân thiện yêu thương. Đường phố Đinh Tiên Hoàng bao giờ cũng hồn nhiên và sôi động như vậy. Đối diện với Nhà hát Múa rối xưa là bến tàu điện Bờ Hồ một thời. Những ký ức “leng keng” là dư âm tồn tại gần 100 năm với người dân Thủ đô (1900-1991).

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp luôn “Nhớ về Hà Nội” bằng những lời ca: “Nhớ những con đê thành lối xe/ Bước chân năm tháng đi về/ Và nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya/ Hướng ra Đống Đa, Cầu Giấy”. Rồi trong những đêm Hà Nội trở gió, nhạc sĩ Trọng Đài đã gieo vào lòng người những giai điệu đằm thắm với hình ảnh Hồ Gươm. Nhưng có lẽ những câu thơ viết về tàu điện của Phan Vũ mới gây dấu ấn sâu sắc với những điều gì đã mất: “Lanh canh! Lanh Canh!/ Một đời cơ nhỡ/ Trăm ngày ngược xuôi/ Đầm đìa nước mắt/ Lanh canh! Lanh canh!/ Lá bánh củ khoai. Đàn con trên bến đợi/ Cuối ngày”. (Em ơi! Hà Nội phố).

Giờ đây đã có bến xe điện mới với những chiếc xe điện bánh hơi hơn chục chỗ ngồi. Nhưng tôi vẫn bồi hồi với những kỷ niệm tuổi học trò chơi ú tim với bác lái tàu khi trốn vé, nhất là những ngày đông rét mướt ngồi trên toa tàu nghe hát xẩm thật thú vị làm sao: “Hà Nội như động tiên sa/ Sáu giờ tắt hết đèn xa đèn gần/ Vui nhất có chợ Đồng Xuân í a/ Mùa nào thức nấy a xa gần đến í mua…”. Còn nữa, đối diện với bến xe điện mới có hiệu sách lâu đời tại số nhà 53 (nay là Công ty cổ phần Sách Hà Nội). Ngôi nhà vẫn còn giữ nguyên nét cổ phong trên tầng hai. Đây là hiệu sách của tuổi thơ chúng tôi mỗi khi tới đây mua những cây bút, chiếc tẩy và giấy vẽ. Ngôi nhà trăm năm thật đáng yêu luôn trong trí nhớ mỗi khi bạn bè tôi rủ lên ăn nộm thịt bò khô tại phố Hồ Hoàn Kiếm ngày nào.

Mãi mãi một tình yêu Hà Nội

Nhiều năm nay, Hồ Gươm là địa chỉ bắn pháo hoa vào những đêm giao thừa hay những ngày lễ lớn của thành phố. Cho dù đã có một số địa điểm khác tổ chức cùng bắn pháo hoa nhưng người dân Thủ đô thường tới đón giao thừa tại Hồ Gươm đông nhất. Cùng với tiếng chuông nhà thờ và tiếng trống hội tại đền Ngọc Sơn vang lên là những âm thanh vui reo của những bông pháo hoa rực rỡ trên Hồ Gươm.

Đã bao năm chúng tôi đón năm mới cùng những đêm pháo hoa như thế. Đó là giấc mơ hoa trong đêm rực rỡ sắc màu. Từng dòng người hồ hởi đi trên đường phố Đinh Tiên Hoàng với nụ cười Hà Nội thân thương. Đúng như nhạc sĩ Văn Ký đã từng viết: “Đêm pháo hoa anh lại gặp em/ Trời “Điện Biên Hà Nội” chiến thắng/ Cho mãi mãi bầu trời xanh Hà Nội”. (Trời Hà Nội xanh). Đền Ngọc Sơn tựa bông hoa vĩnh cửu thấm đẫm hồn cốt Thăng Long - Hà Nội ngàn năm. Thanh gươm vua Lê trả lại thần Rùa như một lễ nghi chào đón Hòa Bình của dân tộc Việt Nam thân yêu. Luôn còn đó một “Hồ Gươm xanh như mái tóc em xanh/ Đã gặp rồi mà bồi hồi nhớ mãi Hà Nội ơi!”. (Văn Ký).

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/sac-pho-cau-vong-hoa-i734950/