Sắc thổ cẩm Xinh Mun có còn đậm màu?

Trò chuyện với tôi, bà Vi Thị Thúy, ở bản Tà Ẻn, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La kể rằng, trước đây, bà đã tự tay làm tới mấy chục chiếc khăn, đệm, chăn, gối để mang về biếu nhà chồng trong ngày cưới theo phong tục của người Xinh Mun. Bây giờ thì khác, con gái về nhà chồng không bắt buộc phải mang theo các sản phẩm thổ cẩm nữa. Có lẽ vì vậy mà nghề dệt thổ cẩm của người Xinh Mun có nguy cơ mai một dần theo thời gian. Đó cũng là lý do hoài niệm về nghề truyền thống cứ lớn dần trong những câu chuyện của bà Thúy.

Bà Thúy với tấm chăn do mình làm ra. Ảnh: Bích Nguyên

Bà Thúy với tấm chăn do mình làm ra. Ảnh: Bích Nguyên

Ở xã Phiêng Khoài, người Xinh Mun chiếm hơn 30% dân số và là dân tộc đông thứ hai sau người Kinh sinh sống ở đây. Văn hóa truyền thống của người Xinh Mun khá tương đồng với người Thái, đặc biệt là trang phục truyền thống. Phụ nữ Xinh Mun thường mặc áo ngắn, chân váy có thắt lưng, đầu đội khăn.

Theo miêu tả của những người phụ nữ Xinh Mún mà tôi đã gặp thì họ mặc áo ngắn ngang eo may bằng vải bông, cổ tròn, tay áo bó sát, dài quá khuỷu tay. Giữa thân trước áo là hàng khuy bằng nhôm hoặc bạc giống hình con bướm. Mỗi chiếc áo thường có từ 11-12 đôi khuy. Áo cóm có đặc điểm là rất ngắn, thường hở lưng nên phụ nữ Xinh Mun sử dụng thắt lưng để che phần hở. Váy của phụ nữ Xinh Mun thường dài tới gần mắt cá chân nhưng có nếp gấp giúp cho người mặc nhìn rất dịu dàng, thanh lịch, di chuyển dễ dàng.

Như nhiều phụ nữ Xinh Mun khác, bà Thúy luôn tự hào về trang phục truyền thống của dân tộc mình vì nó thể hiện những phẩm chất tinh túy nhất của người phụ nữ, đó là sự đảm đang, khéo léo, trình độ thẩm mỹ, tính kiên trì và cẩn thận. Trước đây, phụ nữ Xinh Mun đều học khâu, thêu từ khi còn là trẻ nhỏ để tự tay may quần áo cho bản thân và chuẩn bị những sản phẩm thổ cẩm để khi đi làm dâu mang về biếu tặng cho nhà chồng.

“Ngày xưa, các gia đình người Xinh Mun đều có khung dệt. Giống như phụ nữ dân tộc Thái, phụ nữ Xinh Mun ai cũng thành thạo việc se sợi bông, dệt vải, nhuộm chàm để may trang phục cho riêng mình. Tôi được mẹ dạy dệt vải, dạy khâu, thêu từ hồi còn bé xíu. Nói chung là con gái Xinh Mun 11-12 tuổi là đã thạo đường kim, mũi chỉ rồi. Đến năm 15 tuổi, tôi đã tự tay làm được khăn đội đầu, đệm ngồi, đệm nằm, gối và chăn”.

Theo phong tục truyền thống, con gái dân tộc Xinh Mun khi đi lấy chồng đều phải có quà do tự tay mình làm để tặng gia đình nhà chồng. Đó cũng là chuẩn mực, thước đo sự đảm đang, chăm chỉ của cô dâu. Bà Thúy cho biết: “Quà mang theo người về nhà chồng chính là những chiếc khăn, đệm, chăn do tự tay người con gái đó làm ra. Nếu đi không về nhà chồng thì mọi người sẽ cười chê. Còn ai mang nhiều quà chứng tỏ là người chăm chỉ, khéo léo”. Chính bởi lẽ đó nên con gái Xinh Mun được mẹ, bà dạy khâu, thêu từ rất sớm. Họ luôn có ý thức chuẩn bị sính lễ cho ngày cưới từ khi làm thiếu nữ.

Bà Thúy lấy chồng năm 19 tuổi. Giống như nhiều thiếu nữ khác, ngày cưới, khi được nhà trai đón về, bà mang theo rất nhiều quà cho mọi người trong gia đình chồng. Bà Thúy nhớ lại: “Tôi mang theo 20 chiếc khăn, 25 cái vỏ chăn, 10 đệm nằm bằng bông lau và khoảng 20 chiếc đệm ngồi. Ngoại trừ một vài cái do anh chị em trong gia đình tôi tặng, còn lại là do tôi làm từ nhiều năm trước, mỗi năm làm một ít, tích lại”.

Nói rồi, bà Thúy vào buồng lấy những món đồ mà mình đã làm từ mấy chục năm trước ra cho tôi xem. Bà giở lần lượt, từ vỏ chăn, tới gối rồi đệm ngồi... Tất cả đều được bà cất giữ cẩn thận, các họa tiết hoa văn, đường kim, mũi chỉ vẫn còn rất sắc nét. Tôi quan sát thấy, ngoài kỹ thuật thêu, người Xinh Mun còn cắt các miếng vải rồi khâu ghép lại thành hoa tiết trang trí rất sinh động.

Tiếp mạch câu chuyện, bà bảo: “Những món đồ đó làm rất kỳ công. Ngày xưa, chúng tôi vẫn còn trồng bông, kéo sợi, rồi dệt thành vải, sau đó lấy vỏ cây rừng về nhuộm thành màu chàm. Kỳ công nhất là làm khăn piêu, phải mất tới 1 tháng trời mới xong. Mỗi chiếc khăn dài khoảng hơn 1,5m, rộng 35 – 45cm. 4 góc của khăn được trang trí bằng các chùm cút (tết bằng vải màu). Trên khăn có sự kết hợp hài hòa các mảng màu sắc và hoa văn khác nhau tạo nên những hình khối sáng tối, đậm nhạt hài hòa, ưa nhìn”.

Tôi tìm hiểu thì được biết, người Xinh Mun thêu trên khăn nhiều hình thù họa tiết khác nhau như hình con vật, cây, hoa lá mang tính biểu tượng cao nhưng chủ yếu nhất là hình zích zắc, hình xương cá, hình răng cưa, quả trám, hình con cua, hoa lá... Mỗi hoa văn lại có ý nghĩa riêng với những dụng ý khác nhau, phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan, có những họa tiết hoa văn có ý nghĩa xua đuổi tà ma, răn dạy con người suy nghĩ tích cực hoặc đơn giản là thể hiện thiên nhiên xung quanh vùng đất sinh sống của người Xinh Mun.

Quay trở lại thực tại, bà Thúy bảo rằng, ngày nay, lớp trẻ không tự khâu thêu khăn, áo nữa mà thường đi mua sẵn ngoài chợ. Các thủ tục khi lấy chồng cũng giản lược đi rất nhiều. Con dâu không còn phải mang khăn, áo, chăn đệm bông lau về tặng nhà chồng nữa. Đó có lẽ cũng là lý do nghề dệt thổ cẩm của người Xinh Mun đang mai một dần. “Ở đây, không còn nhiều người biết nghề dệt thổ cẩm truyền thống nữa. Ngay cả tiếng nói, trẻ con cũng không biết nói tiếng của người Xinh Mun nữa” - bà Thúy cho hay.

Thực tế là, hiện nay, không riêng gì nghề dệt thổ cẩm của người Xinh Mun, một số nghề truyền thống của các dân tộc khác cũng đang đứng trước nguy cơ mai một một phần do nhu cầu của người dân thay đổi và bị ảnh hưởng bởi lối sống hiện đại, một phần là do việc truyền nghề chủ yếu theo kinh nghiệm của các nghệ nhân chứ không có tài liệu biên soạn đầy đủ. Ngay bản thân bà Thúy có thể khâu, thêu các họa tiết hoa văn truyền thống nhưng không thể lý giải được nguồn gốc, ý nghĩa của nó, bởi bà chỉ được truyền dạy kỹ thuật mà không được giảng giải về ý nghĩa.

Thêm vào đó, giới trẻ không mặn mà với nghề truyền thống. Đây là thực tế tạo thách thức rất lớn tới công tác giữ gìn nghề dệt truyền thống của người Xinh Mun.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/sac-tho-cam-xinh-mun-co-con-dam-mau-post460750.html