Sắc xanh phủ kín các thị trường chứng khoán trên toàn cầu
Các thị trường chứng khoán trên thế giới trải qua phiên giao dịch đầy hứng khởi khi nhiều diễn biến chính trị mới làm dịu các lo ngại về tình trạng bất ổn ở Hồng Kông và nguy cơ Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) hỗn loạn.
Bên cạnh đó, dữ liệu tích cực của ngành dịch vụ Trung Quốc cũng trấn an giới đầu tư về đà tăng trưởng đang chững lại của nền kinh tế toàn cầu.
Chốt phiên giao dịch ngày 4-9, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 237,45 điểm (0,9%) lên mức 26.355,47 điểm. Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt tăng 1,1% và 1,3%.
Thị trường chứng khoán Mỹ được tiếp sức nhờ các thông tin tích cực về diễn biến cuộc khủng hoảng chính trị ở Hồng Kông, Brexit và nền kinh tế Trung Quốc.
Chiều 4-9, trưởng đặc khu Hồng Kồng Carrie Lam tuyên bố rút hẳn dự luật dẫn độ cho phép dẫn độ các nghi phạm tại Hồng Kông sang Trung Quốc đại lục để xét xử. Dự luật gây tranh cãi này đã châm ngòi cho các biểu tình kéo dài 3 tháng qua ở nước này.
Quyết định của bà Lam đánh dấu một sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong lập trường của chính quyền Hồng Kông về dự luật dẫn độ. Trước đây, người đứng đầu chính quyền Hồng Kông chỉ cam kết không xem xét dự luật này nữa, chứ kiên quyết không tuyên bố rút bỏ nó.
Tuy nhiên, rút bỏ dự luật chỉ là một trong 5 yêu cầu của những người biểu tình. Các yêu cầu khác bao gồm trưởng đặc khu Hồng Kông phải từ chức, tiến hành cuộc điều tra độc lập đối với cảnh sát trấn áp người biểu tình, trả tự do cho những người biểu tình bị bắt giữ... Tại cuộc họp báo cùng ngày, hai đại diện của người biểu tình nói họ muốn chính quyền phải thực hiện tất cả 5 yêu cầu, nếu không, họ sẽ không chấm dứt các hoạt động biểu tình.
Vẫn còn quá sớm để kết luận việc chấp thuận rút bỏ hẳn dự luật dẫn độ có giúp dập tắt các cuộc biểu tình hay không nhưng ít nhất, đây là bước đầu tiên để hướng đến sự hòa giải chính trị, giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều tháng đe dọa nghiêm trọng đến nền kinh tế Hồng Kông, một trong những trung tâm tài chính hàng đầu ở khu vực châu Á.
Một thông tin tích cực khác là trong tháng 8, ngành dịch vụ Trung Quốc chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong 3 tháng. Chỉ số nhà quản trị mua hàng ngành dịch vụ do Caixin/Markit khảo sát tăng lên mức 52,1 điểm vào tháng 8, mức cao nhất kể từ tháng 5. Trong tháng trước, chỉ số việc làm trong ngành dịch vụ Trung Quốc cũng tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6-2018. Cuộc khảo sát Caixin/Markit cho biết các ty dịch vụ ở nước này tuyển dụng thêm lao động để mở rộng công suất khi họ kỳ vọng các điều kiện thị trường sẽ cải thiện.
Ngoài ra, các đơn hàng mới của các nhà cung cấp dịch vụ ở Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ mạnh nhất kể từ tháng 4-2018.
Việc làm ở các công ty dịch vụ tăng là tin tức khích lệ đối với Bắc Kinh trong bối cảnh Trung Quốc đang xoay sở đảo ngược đà suy giảm kéo dài của ngành sản xuất, khiến tăng trưởng GDP yếu nhất trong gần 30 năm qua.
“Nền kinh tế Trung Quốc phát ra những tín hiệu hồi phục rõ ràng trong tháng 8, đặc biệt là ở thị trường việc làm”, Zhong Zhengsheng, Giám đốc phân tích kinh tế vĩ mô ở công ty CEBM Group, nhận định.
Cùng ngày, Quốc Vụ viện Trung Quốc ra thông báo cho biết nước này sẽ sử dụng các biện pháp hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) có trọng điểm lẫn toàn diện ở các ngân hàng vào thời điểm thích hợp để hỗ trợ nền kinh tế.
Trong khi đó, vào cuối ngày 3-9, Hạ viện Anh đã thông qua một dự luật ngăn chặn Anh rời Liên minh châu Âu (EU) mà không đạt được thỏa thuận với EU. Theo dự luật, Thủ tướng Anh Boris Johnson phải yêu cầu EU dời thời hạn cuối của Brexit đến ngày 31-1-2020 thay vì ngày 31-10 năm nay trừ phi Hạ viện Anh thông qua dự luật thỏa thuận Brexit với EU nhằm quản lý mối quan hệ thương mại giữa Anh và EU ở thời kỳ hậu Brexit.
Trước đó, Thủ tướng Boris Johnson nhất quyết đưa Anh rời EU vào thời hạn cuối 31-10 dù có đạt được thỏa thuận với EU hay không. Giới đầu tư lo ngại một Brexit hỗn loạn sẽ tác động nặng nề đến nền kinh tế Anh.
Sáng 4-9, Thủ tướng Johnson tiếp tục hứng chịu thất bại trong nỗ lực tiến hành bầu cử sớm với hy vọng sẽ giành thêm phiếu ủng hộ Brexit mà không cần đạt được thỏa thuận với EU tại Hạ viện Anh. Ông kiến nghị tiến hành bầu cử sớm vào ngày 15-10 và kiến nghị này chỉ được thông qua nếu nhận được ít nhất 2/3 phiếu ủng hộ tại Hạ viện Anh. Tuy nhiên, kết quả cuộc bỏ phiếu hôm 4-9 tại Hạ viện Anh cho thấy chỉ có 298 phiếu ủng hộ kiến nghị, tức thiếu 136 phiếu ủng hộ nữa mới đạt được tỷ lệ 2/3.
Với các thông tin tích cực trên, nhà đầu tư đã ồ ạt mua vào cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Hồng Kông, giúp chỉ số Hang Seng đóng cửa với mức tăng mạnh 3,9% (995 điểm) vào thời điểm thị trường đóng cửa hôm 4-9. Cùng ngày, chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) và Shanghai Composite (Trung Quốc) lần lượt tăng 0,12% và 0,9%. Tại châu Âu, chỉ số STOXX 600, đại diện cho giá cổ phiếu của 600 công ty nhỏ, vừa và lớn tiêu biểu ở 17 nước châu Âu, tăng 0,9%.
Sáng nay, thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục khởi sắc nhờ thông tin các quan chức thương mại Mỹ-Trung nhất trí gặp nhau ở Washington vào đầu tháng 10 để tiếp tục đàm phán giải quyết các bất đồng thương mại. Tính đến trưa nay (5-9), chỉ số Shanghai Composite và Hang Seng lần lượt tăng 1,56% và 0,38%. Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 tăng mạnh 2,27% và chỉ số Kospi (Hàn Quốc) tăng 1,13%.
Dữ liệu tích cực về chỉ số nhà quản trị mua hàng của ngành dịch vụ Trung Quốc đã giúp giá dầu thô tăng mạnh khi giới đầu tư bớt lo lắng về triển vọng u ám của nền kinh tế toàn cầu. Chốt phiên giao dịch hôm 4-9, giá dầu Brent tại thị trường London tăng 4,2% lên mức 60,7 đô la Mỹ/thùng, trong khi đó, giá dầu Tây Texas ở thị trường New York cũng tăng 4,3% lên mức 56,26 đô la/thùng.
Theo CNBC, Reuters, WSJ
Chánh Tài