Sắc xanh trở lại, lực cầu bắt đáy gia tăng khi VN-Index mất mức 1.240 điểm

Diễn biến thị trường tiêu cực ở đầu phiên nhưng tăng trở lại vào cuối phiên nhờ lực cầu bắt đáy giá tăng. Sắc xanh áp đảo, VN-Index đóng cửa tăng 4,07 điểm lên 1.251,02 điểm.

Bước sang phiên giao dịch ngày 8/1, thị trường tiếp tục diễn ra khá căng thẳng khi áp lực bán gia tăng mạnh mẽ trên diện rộng, đẩy VN-Index giảm sâu và mất mốc 1.240 điểm. Nhóm bluechips gây áp lực bán mạnh ở thời điểm này và là nhân tố chính khiến VN-Index tiếp tục đi xuống. Mặc dù có những nỗ lực hồi phục vào cuối phiên sang nhờ lực cầu bắt đáy, nhưng chưa đủ hưng phấn để kéo chỉ số chính lên trên mốc tham chiếu.

Phiên chiều diễn ra có phần tích cực hơn khi lực bán có phần cạn kiệt trong khi đó, lực cầu giá thấp vẫn được duy trì nên giúp nhiều cổ phiếu chuyển màu từ đỏ sang xanh trên bảng điện tử. Sau khoảng nửa giờ giao dịch ở phiên chiều, VN-Index đã lấy lại được sắc xanh. Nhưng đà phục hồi vẫn tương đối yếu khi dòng tiền vẫn chưa thực sự nhập cuộc. VN-Index biến động trong sắc xanh nhẹ ở phần còn lại của phiên giao dịch.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 4,07 điểm lên 1.251,02 điểm. HNX-Index tăng 0,89 điểm (0,4%) lên 221,87 điểm. UPCoM-Index tăng 0,54 điểm (0,58%) lên 93,54 điểm. Sắc xanh áp đảo với 410 mã, trong khi chỉ có 277 mã giảm và 885 mã đứng giá/không giao dịch. Phiên hôm nay ghi nhận 23 mã tăng trần và 14 mã giảm sàn.

Top cổ phiếu tác động đến VN-Index

Top cổ phiếu tác động đến VN-Index

Các nhóm cổ phiếu giảm khá mạnh trong vài phiên gần đây gồm bất động sản, thép và chứng khoán đã có sự hồi phục trở lại ở phiên hôm nay, đây cũng là nhân tố chính giúp giải tỏa sự bi quan trong tâm lý nhà đầu tư.

Ở nhóm bất động sản, DXG tăng trở lại 3,45% sau khi giảm gần 16% trong 2 tuần giao dịch. NHA cũng tăng trở lại 2,8%, PDR tăng 2,4%, DPG tăng 2,35%. Ở nhóm thép, TVN tăng mạnh gần 6,7%. Bên cạnh đó, VGS cũng tăng 3%. NKG và HSG có mức hồi phục kém hơn khi tăng lần lượt 1,85% và 1,4%. “Ông lớn” ngành này là HPG cũng hồi phục nhẹ trở lại với mức tăng 0,77%.

Cổ phiếu công nghệ diễn biến tiêu cực trong phiên 8/1

Cổ phiếu công nghệ diễn biến tiêu cực trong phiên 8/1

Trong khi đó, nhóm công nghệ có diễn biến tương đối tiêu cực khi FPT giảm 1,2%. Bên cạnh đó, CMG cũng giảm gần 2%. Các cổ phiếu họ Viettel có một điều điều chỉnh tương đối mạnh khi VTP giảm đến gần 6%, VTK và VGI đều giảm trên 2%. CTR có mức giảm khiêm tốn nhất nhóm này với 1,15%.

Tại nhóm VN30, số mã tăng áp đảo với 17 trong khi chỉ có 6 mã giảm giá. TCB, CTG, MWG, GVR… là những cái tên đóng góp lớn nhất cho VN-Index và giúp chỉ số hồi phục trở lại. TCB tăng 1,3% và đóng góp lớn nhất với 0,51 điểm. CTG tăng 0,93% và đóng góp 0,45 điểm.

Chiều ngược lại, HDB là cổ phiếu có tác động xấu nhất đến VN-Index khi lấy đi của chỉ số này 0,8 điểm. Chốt phiên, HDB giảm 3,92%. FPT đứng thứ 2 về tác động tiêu cực đến VN-Index với số điểm lấy đi là 0,64. Các mã như VTP, STB, BID hay REE cũng đồng loạt giảm. BID giảm 0,12% xuống 40.350 đồng/cổ phiếu dù có thông tin chuẩn bị chào bán riêng lẻ gần 124 triệu cổ phiếu giá 38.800 đồng/cổ phiếu.

Khối ngoại bán ròng phiên thứ hai liên tiếp

Khối ngoại bán ròng phiên thứ hai liên tiếp

Tổng khối lượng giao dịch trên sàn HoSE đạt 446 tỷ đồng, tương ứng giá trị giao dịch là 10.206 tỷ đồng (giảm 23% so với phiên trước), trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 1.700 tỷ đồng. Giá trị giao dịch ở HNX và UPCoM đạt lần lượt 606 tỷ đồng và 880 tỷ đồng. FPT đứng đầu về giao dịch trên toàn thị trường nhưng giá trị chỉ khoảng 576 tỷ đồng. HDB và HPG giao dịch lần lượt 433 tỷ đồng và 338 tỷ đồng.

Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng khoảng 460 tỷ đồng trên toàn thị trường. Khối ngoại bán ròng mạnh nhất mã FPT với 230 tỷ đồng. STB và VTP bị bán ròng lần lượt 70 tỷ đồng và 56 tỷ đồng. Trong khi đó, TCB được mua ròng mạnh nhất với 103 tỷ đồng. HDB cũng được mua ròng 48 tỷ đồng.

Tùng Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/sac-xanh-tro-lai-luc-cau-bat-day-gia-tang-khi-vn-index-mat-muc-1240-diem-d239929.html