Sắc xuân Nong Quỳnh
Khi những nụ đào e ấp bắt đầu bung hoa khoe sắc, con đường vào bản tái định cư Nong Quỳnh, xã Cò Nòi (Mai Sơn) như bừng sáng hơn bởi màu xanh ngút ngàn của những vườn cây ăn quả, những ruộng dâu tây trải dài xanh ngát, những ngôi nhà sàn ngói đỏ khang trang, mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái... Bức tranh mùa xuân nơi đây thật đẹp.
Không khí lao động những ngày cuối năm ở bản Nong Quỳnh tất bật hơn, bà con đang tập trung chăm sóc những vườn dâu tây, một trong những nguồn thu nhập chính của bà con nơi đây. Bí thư chi bộ Lừ Văn Thiện, thông tin: Hơn 15 năm trước, 30 hộ dân bản Pắc Ma, xã Pắc Ma (Quỳnh Nhai) chuyển về Cò Nòi tái định cư lấy tên là Tân Quỳnh, nghĩa là bản Quỳnh mới. Chuyển đến nơi định cư, bà con được Nhà nước bố trí đất ở, đất sản xuất và đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông, nhà văn hóa, công trình nước sinh hoạt. Hiện nay, bản tái định cư Tân Quỳnh và bản sở tại Hua Nong vừa sáp nhập nên đổi tên là bản Nong Quỳnh, hai bản từ trước đến nay luôn đoàn kết giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế; thường xuyên trao đổi, hỗ trợ nhau về kỹ thuật trồng, chăm sóc dâu tây Hana Nhật, chiết ghép cây ăn quả để cải tạo vườn tạp, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cả bản hiện có trên 200 hộ, nhưng tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,5%, các hộ tái định cư không còn hộ nghèo.
Chia sẻ thêm chuyện làm kinh tế của gia đình, ông Thiện cho biết: Trước đây, thu nhập của gia đình tôi chủ yếu từ trồng mía, ngô nhưng mấy năm trở lại đây được cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn kỹ thuật trồng, ghép cải tạo cây ăn quả nên gia đình đã chuyển đổi gần 1 ha cây trồng sang trồng mận, xoài Đài Loan, nhãn ghép. Đặc biệt, qua học tập kỹ thuật từ các hộ bản địa, mấy năm trở lại đây, gia đình tập trung phát triển trồng dâu tây. Năm 2019, với 1.000 m² đất trồng dâu tây, gia đình thu về trên 200 triệu đồng. Vụ dâu tây năm nay, gia đình đã mở rộng diện tích lên 3.000 m², đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, vụ dâu tây mà thắng lớn thì tha hồ mua sắm thêm nhiều vật dụng, tiện nghi sinh hoạt gia đình.
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế hộ, bà con trong bản đã liên kết thành lập HTX, áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Hà Quang Nguỵn, Giám đốc HTX Tân Quỳnh, chia sẻ: Thành lập đầu năm 2020, HTX có 7 thành viên, là các hộ trồng dâu tây và cây ăn quả của bản Tân Quỳnh cũ. Với hơn 12 ha đất sản xuất, các thành viên đã trồng 2 ha dâu tây và 10 ha cây ăn quả các loại. Các thành viên đều được tham gia các lớp tập huấn trồng trọt, được hỗ trợ bao bì thu hái, bảo quản dâu tây. Hiện, 100% diện tích sản xuất của HTX đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Do diện tích trồng cây ăn quả mới chuyển đổi được vài năm trở lại đây, chủ yếu chưa cho thu hoạch hoặc mới thu bói nên các hộ đang tập trung phát triển và mở rộng diện tích trồng dâu tây giống Hana Nhật, giá bán trung bình khoảng từ 100.000 đồng - 200.000 đồng/kg, mỗi vụ dâu tây chăm sóc tốt, 1 ha có thể cho thu hoạch đến 2 tỷ đồng.
Tết đã cận kề, Nong Quỳnh ngày càng đổi thay, ấm no hơn bởi những hướng đi đúng trong phát triển kinh tế. Trong những ngôi nhà sàn khang trang, dưới ánh điện sáng lung linh, bên bếp lửa hồng, bà con bắt đầu chuẩn bị gói bánh chưng, làm mẻ thịt hun khói sẵn sàng đón xuân Tân Sửu an vui, trọn vẹn.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/sac-xuan-nong-quynh-36453