Sắc xuân ở xã vùng cao Phú Mỡ

Người dân Phú Mỡ đến làm thủ tục ở bộ phận “một cửa”. Ảnh: XUÂN HIẾU

“Với Phú Yên thì xã Phú Mỡ có nhiều cái nhất: cao nhất, xa nhất, khó đi nhất, nghèo nhất, chịu khó nhất và anh hùng nhất”. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê từng nói như vậy khi cùng Đoàn ĐBQH về tiếp xúc cử tri ở xã vùng cao của huyện miền núi Đồng Xuân này 20 năm trước. Bây giờ, Phú Mỡ không còn “khó đi nhất”; khó khăn, nghèo đói cũng được thay bằng cuộc sống no ấm, văn minh...

Lâu lắm rồi tôi mới có dịp trở lại thăm xã vùng cao Phú Mỡ. Đây là căn cứ địa cách mạng của tỉnh trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược với tên gọi khác là Thồ Lồ.

Đường về Phú Mỡ đã gần

Trước kia, từ thị trấn La Hai lên Phú Mỡ phải đi theo con đường gồ ghề, lởm chởm đá và liên tục bị cắt ngang bởi những con suối như: suối Sản, suối Tía, suối Trưởng… Mùa mưa, đôi khi phải ngủ lại dọc đường nếu chẳng may gặp lúc nước suối dâng cao hoặc đường trơn trượt. Phú Mỡ còn bị chia làm đôi bởi con sông Bà Đài (thượng nguồn sông Kỳ Lộ).

Con sông này là nỗi ám ảnh của nhiều người dân địa phương khi phải thường xuyên chứng kiến cảnh con cháu họ ở các thôn Phú Lợi, Phú Hải, Phú Đồng phía bờ bắc dồn hết sách vở, quần áo vào bịch ni lông rồi ôm can nhựa bơi qua sông để đi học hàng ngày.

Còn với người dân bên phía bờ nam, nếu không thể lội sông vào mùa mưa chỉ còn cách đi men rừng xuống Xí Thoại (xã Xuân Lãnh), ngược lên làng Trại Gỗ, qua dốc Kon Kơn rồi đến làng Đồng (thôn Phú Đồng). Từ đây, để đến thôn Phú Lợi, Phú Hải phải trượt xuống dốc dài hàng chục cây số.

Tóm lại, trung tâm xã Phú Mỡ (thôn Phú Giang) chỉ cách trung tâm huyện (thị trấn La Hai) khoảng 30km nhưng đường đến đó thì vô cùng hiểm trở, phải len lỏi giữa đồi núi trập trùng, mất 4-5 giờ đồng hồ mới đến nơi.

Bây giờ, những khó khăn đó đã lùi xa khi tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên - Gia Lai đoạn từ Xuân Phước đi Phú Mỡ đã hoàn thành. Ô tô, xe máy có thể bon bon đến bất cứ nơi nào của xã Phú Mỡ mà không sợ tắc đường. Sông Bà Đài và những con suối lớn nhỏ đều có những cây cầu bê tông vững chắc bắc qua, người dân không còn phải chịu cảnh nguy hiểm lội suối mỗi khi mùa mưa đến.

Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ La O Hóa chia sẻ: Khi cầu Bà Đài được khởi công, người dân Phú Mỡ vui mừng khôn xiết. Đặc biệt khi cây cầu hoàn thành đưa vào sử dụng, niềm vui như vỡ òa. Nhiều người tổ chức ăn mừng vì từ nay không còn cảnh đò giang cách trở hay phải luôn đối diện với... hà bá. Gần đây, tuyến đường về huyện cũng đã hoàn thành, rút ngắn khoảng cách giữa vùng cao Phú Mỡ với đồng bằng, thành thị, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân.

Diện mạo của Phú Mỡ khởi sắc và đổi thay từng ngày khi những tuyến đường dẫn về các buôn tiếp tục được mở và đổ bê tông; nhiều công trình mới mọc lên như trụ sở UBND xã, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng...

Ông So Minh Mùi, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ, người trực tiếp đưa tôi đi tìm hiểu đời sống của dân làng, cho biết: Năm 2019, nhiều công trình được thực hiện trên địa bàn, đó là xây mới 4 phòng học của Trường phổ thông dân tộc bán trú Đinh Núp; xây dựng nhà nội trú phân trường Trường tiểu học Phú Mỡ ở thôn Phú Hải và sửa chữa, nâng cấp, bổ sung một số hạng mục nhà sinh hoạt cộng đồng thôn này. Đồng thời bê tông, xây dựng mới tuyến giao thông nông thôn từ suối Mò O đến dốc Ông Chài và từ Phú Hải đến vực Tôm vào khu sản xuất.

Người dân thôn Phú Hải làm đất, chuẩn bị gieo sạ vụ đông xuân. Ảnh: XUÂN HIẾU

Người dân thôn Phú Hải làm đất, chuẩn bị gieo sạ vụ đông xuân. Ảnh: XUÂN HIẾU

Đổi thay toàn diện

Một trong những yếu tố góp phần làm cho diện mạo của xã Phú Mỡ và cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở hai bên dòng sông Bà Đài ngày càng thay đổi, đi lên chính là việc thay thế tập quán canh tác, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhất là đưa cây lúa nước vào sản xuất chính. Theo ông So Minh Mùi, từ con số không, diện tích sản xuất lúa nước hai vụ của Phú Mỡ trong năm 2019 là 68,23ha, trong đó vụ đông xuân năng suất bình quân đạt 65 tạ và vụ hè thu đạt 66,65 tạ/ha.

Song song với cây lúa là cây sắn. Hiện nay, cùng với tập trung làm đất gieo sạ lúa vụ đông xuân, bà con đã thu hoạch xong 258ha trong tổng số hơn 336ha sắn, năng suất bình quân đạt 15 tấn/ha. Đặc biệt mô hình trồng sắn xen đậu phộng thí điểm ở một số hộ dân với diện tích 3,73ha cho năng suất bình quân 20 tạ/ha. Ngoài ra, các loại hoa màu cũng đạt năng suất khá.

“Về phát triển chăn nuôi, tổng đàn gia súc, gia cầm trong toàn xã theo thống kê mới nhất là 3.605 con. Trong đó có 1.214 con bò, 243 con heo, 48 con dê và 2.100 con gia cầm. Từ chỗ hầu hết là hộ nghèo và đói giáp hạt, nhờ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, người dân chí thú làm ăn theo mô hình mới, đến nay Phú Mỡ đã có 16,4% hộ trung bình và khá; hộ nghèo theo tiêu chí mới còn 336 hộ, chiếm 43,7%; hộ cận nghèo 333 hộ, chiếm 39,9%. Bình quân hộ nghèo giảm 7-8%/năm”, ông So Minh Mùi cho biết thêm.

Không chỉ kinh tế phát triển, các mặt công tác khác của xã vùng cao này cũng khởi sắc như: giữ vững xã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và THCS; duy trì xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỉ lệ dân đóng bảo hiểm y tế đạt 100%; tỉ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh chiếm 95% trong tổng số 837 hộ. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn giữ vững ổn định; quốc phòng được củng cố…

Đề cập đến công tác xây dựng chính quyền và cải cách hành chính, ông La O Hóa cho biết: HĐND xã luôn phát huy vai trò, chức năng, quyền hạn là cơ quan quyền lực nhà nước ở cơ sở, được thể hiện rõ qua các kỳ họp HĐND. Việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức và cán bộ không chuyên trách cấp xã, cấp thôn được thực hiện theo Nghị định 92 và Nghị định 34 của Chính phủ. Về cải cách hành chính, các thủ tục hành chính được niêm yết công khai tại trụ sở xã, cán bộ trực giải quyết các thủ tục cho cá nhân, tổ chức theo đúng quy định. Phú Mỡ cũng đã triển khai nâng cấp và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2015. Đồng thời thực hiện có hiệu quả Cổng dịch vụ công trực tuyến trong công tác xử lý, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” tiếp nhận và trả kết quả…

Anh La O Xá (dân tộc Ba Na) ở thôn Phú Giang, cùng người yêu là một cô gái người Hrê (ở Quảng Ngãi) đến bộ phận “một cửa” của xã Phú Mỡ đăng ký kết hôn. La O Xá tâm đắc thổ lộ: “Cán bộ ở đây rất nhiệt tình và trách nhiệm nên việc đăng ký, tiến hành các thủ tục nhanh gọn, không phải chờ đợi lâu”.

Những ngày này, đứng ở đỉnh dốc Ruộng (thôn Phú Giang) nhìn toàn cảnh núi rừng Phú Mỡ, ai cũng cảm nhận được sức sống mới đang bừng lên ở xã vùng cao này. Trên cánh đồng lúa nước hai vụ, bà con đang xuống giống gieo sạ vụ đông xuân. Còn trên tuyến đường nối liền Phú Yên với Gia Lai, từng tốp công nhân đang khẩn trương hoàn hiện những biển báo, cọc tiêu, cống rãnh thoát nước… hai bên đường. Trong khi đó, nhiều gia đình rục rịch chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Canh Tý đang cận kề.

XUÂN HIẾU

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/233394/sac-xuan-o-xa-vung-cao-phu-mo.html