Sắc xuân rực rỡ ngoại thành Hà Nội
Chỉ còn ít giờ nữa, năm Quý Mão sẽ khép lại để đón năm mới Giáp Thìn 2024. Thời điểm này, khắp các vùng quê ngoại thành Hà Nội đã được trang hoàng rực rỡ, sắc xuân tràn ngập mọi nẻo đường.
Nhờ có Tết cổ truyền mà tình làng nghĩa xóm, nét văn hóa làng xã như được nhân lên. Người dân hân hoan chào đón xuân mới với rất nhiều cảm xúc…
Những ngày này, khắp các con ngõ của thôn An Hiền, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ trở nên bừng sáng, lung linh, huyền ảo bởi rất nhiều đèn lồng, đèn nháy, đèn trang trí; cờ Đảng, cờ Tổ quốc, cờ hội tung bay trên các tuyến đường.
Theo phong tục địa phương, đón Tết Nguyên đán, các gia đình ở An Hiền đều dựng cây nêu và các xóm dựng cây bông truyền thống ở đầu ngõ, nơi công cộng. Tất cả ngõ xóm đều được trang trí với cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu, đèn led, đèn nháy rực rỡ…
Ông Trần Quang Huy, Bí thư Chi bộ thôn An Hiền phấn khởi cho biết, toàn bộ kinh phí để trang hoàng làng xóm đều từ nguồn xã hội hóa do nhân dân chung sức. Có ngõ, nhân dân đã xã hội hóa được hàng chục triệu đồng.
“Để thực hiện, từ rất sớm, thôn đã triển khai kế hoạch, phát động phong trào thi đua làm đẹp giữa các ngõ xóm. Chúng tôi sẽ đi chấm điểm các ngõ làm đẹp và làm nhanh vào chiều 30 Tết. Các ngõ được điểm cao sẽ được khen thưởng và biểu dương trên hệ thống truyền thanh của thôn để động viên phong trào”, ông Huy nói.
Cũng theo ông Trần Quang Huy, nhờ có Tết cổ truyền mà tình làng nghĩa xóm, nét văn hóa làng xã ở An Hiền như được nhân lên. “Lớp trẻ trong làng đi học, đi làm ăn xa rất đông. Chỉ những ngày nghỉ Tết, con em mới về quê đông đến thế. Những ngày trước Tết, trong Tết, lúc nào các gia đình, các ngõ xóm ở thôn An Hiền cũng rộn tiếng cười nói…
"Vui Xuân mới, chúng tôi cũng không quên những hoàn cảnh còn khó khăn. Lãnh đạo thôn đã tới tận nhà các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ cận nghèo để thăm hỏi, động viên, trao quà", ông Huy cho biết thêm.
Không chỉ ở Chương Mỹ, ngược lên vùng núi cao Ba Vì, không khí Tết cũng ngập tràn các xóm, thôn. Tại xã Yên Bài, từ trục chính của xã tới các thôn: Bài, Quýt, Mít Mái, Chóng, Muỗi... đều rực rỡ cờ hoa.
Bà Phan Thị Thảo, người dân xóm Bài chia sẻ, các gia đình tự nguyện đóng góp kinh phí để mua cờ treo trên khắp các tuyến đường. Thôn cũng triển khai kế hoạch đến từng gia đình, phát quang cây cối chìa ra đường; rẫy sạch cỏ dại; quét sạch các ngõ và thu gom rác thải. Cũng bởi vậy mà ngày thường làng quê Yên Bài đã đẹp, những ngày trước và trong Tết lại càng trở nên đẹp và lung linh hơn.
Xóm làng tràn ngập tiếng cười, đường làng, ngõ xóm sạch đẹp; sự no ấm, bình yên hiện hữu trong từng căn nhà; sắc xuân lan tỏa trên khắp vùng quê đang từng ngày đổi mới. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bài Nguyễn Văn Thành, trong tháng Chạp, các gia đình ở đây chọn một ngày thích hợp để làm Tết tất niên mời người thân tới dự. Ngoài ra, các xóm cũng đã tổ chức ăn tất niên xóm…, khiến Tết như đã về đây từ rất sớm. Việc ăn tiệc tất niên giữa các xóm đã nhân lên tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) Đoàn Thị Thịnh, những ngày này, người dân các thôn trên địa bàn xã đang quây quần gói bánh chưng.
“Yên Bình là xã thuộc khu vực dân tộc miền núi, nên hầu hết các gia đình đều tự tay gói bánh ăn tết, chứ không đi mua. Năm nay, bà con “ăn đụng” thịt rất nhiều. Cứ vài gia đình là anh em hoặc trong một xóm lại ăn chung 1 con lợn hoặc 1 con trâu. Năm nay kinh tế khó khăn hơn so với các năm trước, song tình đoàn kết được nhân lên rất nhiều”, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bình cho hay.
Chiều 28 tháng Chạp, gia đình anh Nguyễn Văn Năm, ở thôn 3, xã Yên Bình, đã nấu bánh chưng và làm thịt chua, món ăn đặc trưng của người Mường. Tết này, mấy anh em trong gia đình anh Năm thịt chung 1 con lợn.
“Ăn đụng sẽ giảm được rất nhiều chi phí so với mua thịt ở chợ. Hơn nữa, các gia đình ở Yên Bình đều chăn nuôi nhiều. Thịt con lợn, con trâu ăn Tết cũng là cách để “kích cầu” đầu ra cho sản phẩm”, anh Năm vui vẻ nói.
Ngày 29 Tết, sau khi đã hoàn tất công việc bài trí ban thờ, ông Nguyễn Đăng Hoan lại dẫn các cháu nội ra khu trung tâm xã Yên Sở, huyện Hoài Đức để dạo chơi. Ở đây, từ vài ngày trước, những cây đu truyền thống được dựng lên và tập trung rất đông người tới vui chơi.
"Hoài Đức đang trong quá trình đô thị hóa, chuẩn bị từ xã lên phường, từ huyện lên quận. Tuy vậy, đã thành truyền thống, Tết năm nào chính quyền địa phương cũng dựng cây đu. Việc làm tuy nhỏ, nhưng mang rất nhiều ý nghĩa trong việc khơi lại những nét văn hóa truyền thống trong Tết xưa", ông Hoan bày tỏ hài lòng về việc chăm lo Tết của chính quyền địa phương cho nhân dân.
Ngày cuối cùng của năm Quý Mão, bên cạnh những bận rộn, hối hả, ngoại thành cũng lãng mạn hơn, ấm áp hơn bởi sự trang hoàng đẹp đẽ của cộng đồng.
Thời gian này, nhiều gia đình đã thu xếp xong công việc của mình, người ra chợ mua thêm cành đào, cây quất, người lại tranh thủ ra đồng, ghé thăm ruộng mạ chuẩn bị cấy xuân… Các cụ già ra đình, ra chùa… chuẩn bị các nghi thức cho ngày đầu năm mới…
Cứ như thế, mỗi người, mỗi gia đình thưởng thức Tết theo cách của riêng mình, góp nên bầu không khí xuân ấm áp trên khắp nẻo quê Hà Nội.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/sac-xuan-ruc-ro-ngoai-thanh-ha-noi-657959.html