Sắc Xuân Tết Việt
Tết Việt độc đáo không chỉ ở những nét đẹp phong tục hay những món ăn truyền thống mà còn đa dạng sắc màu bởi nó không bó hẹp trong phạm vi lễ tết thông thường: cúng tiễn năm cũ, mừng năm mới, vui chơi, hội hè.
Sự đa dạng sắc màu mà Tết Việt có được trước hết xuất phát từ cách tổ tiên ta lựa chọn thời điểm dân gian quen gọi là ăn Tết. Đó là buổi giao thời giữa mùa Đông và mùa Xuân, đặc biệt là giao thời giữa năm cũ và năm mới theo lịch Âm, dựa trên chu kỳ và vị trí của Mặt Trăng so với Trái Đất.
Sự lựa chọn đó có thể nói là tuyệt vời bởi nó hội đủ ba yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Các nước xung quanh ta như Lào, Campuchia, Thái Lan cũng có tục ăn Tết mừng năm mới nhưng lại diễn ra vào giữa tháng 4 dương lịch, cuối mùa Xuân, chuẩn bị sang tiết Lập Hạ.
Thế cho nên, nói đến Tết Việt là nói đến mùa Xuân. Tự bao giờ hai khái niệm này đồng nhất, tuy hai mà một: đón Tết/ đón Xuân, mừng năm mới/ mừng Xuân mới,…
Việt Nam được xem là cái nôi của nền văn minh lúa nước. Cây lúa không chỉ mang lại sự no đủ mà còn là cội nguồn làm nên văn hóa Việt.
Ngày xưa, cha ông ta trồng lúa phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, thời vụ trở thành yếu tố hết sức quan trọng trong việc canh tác của nhà nông. Mỗi năm chỉ có hai vụ lúa: chiêm và mùa. Sau khi thu hoạch vụ mùa xong, nông dân lại tất bật lo chuẩn bị vụ chiêm cho kịp thời vụ.
Thường thì vào thời điểm giáp Tết Nguyên Đán, việc đồng áng đã vãn, cũng vừa lúc đất trời chuyển giao mùa, chuyển giao thời gian. Đông tàn, Xuân sang, năm mới đến. Người dân tất bật chuẩn bị đón Tết, dành những gì tốt đẹp nhất để mừng Xuân, mừng năm mới sau một năm làm lụng vất vả, cực nhọc.
Mùa Xuân vì thế trở thành mùa của lễ hội với bao háo hức, đợi chờ: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi…” cho bõ những tháng ngày vất vả với công việc đồng áng; mùa của khát khao hạnh phúc, an vui: “Lộc biếc, mai vàng, Xuân hạnh phúc/ Đời vui, sức khỏe, Tết an khang” với mong ước một năm mới tốt lành.
Tết là dịp đặc biệt để nhà nhà sum họp, mọi người thăm hỏi, động viên, chúc tụng nhau, cùng nhau thưởng thức những món ăn truyền thống trong không khí ấm áp của đất trời đang chuyển sang Xuân, thoảng mùi hương trầm dịu ngọt, tỏa lan khắp đường thôn, ngõ xóm.
Nhìn lại lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc, những mốc son quan trọng, những chiến công hiển hách thường diễn ra - cứ như là được sắp đặt trước – vào dịp Tết Nguyên đán và mùa Xuân. Cho nên có một sự trùng hợp chắc không phải là ngẫu nhiên: Tết và mùa Xuân luôn gắn liền với những chiến công hiển hách trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của ông cha ta.
Điều đó có thể lý giải từ những đặc điểm rất riêng của một quốc gia có bề dày văn hiến hàng ngàn năm, có vị thế địa chính trị đặc biệt, luôn phải đương đầu với mọi thử thách để giữ cho vẹn toàn non sông, đất nước.
Xuân Canh Tý năm 40, Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa chống lại ách thống trị của giặc Đông Hán. Xuân Nhâm Tuất 542, Lý Bí dựng cờ khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Lương. Đặc biệt, Xuân Giáp Tý 544, sau khi đánh bại quân Lương, Lý Bí lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Vạn Xuân. Cắt nghĩa ra, “Vạn” theo cách nghĩ của ông cha là con số biểu thị cho sự trường tồn, “Xuân” là mùa xuân, mùa của sự sinh sôi nảy nở, cũng có thể hiểu là năm. Tên nước mang ý nghĩa sâu sắc: "mong xã tắc được bền vững muôn đời", đất nước này vạn kỷ mùa xuân.
Rồi Xuân Kỷ Hợi 939, Ngô Quyền xưng vương lấy hiệu là Ngô Vương, mở đầu thời kì độc lập tự chủ của các triều đại phong kiến Việt Nam; Xuân Đinh Tỵ 1077, Lý Thường Kiệt chiến thắng quân xâm lược Tống lần thứ hai, non sông vang vọng hào khí: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên phân định tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.
Ba mùa Xuân của các năm 1258, 1285, 1288 gắn liền với những chiến công oanh liệt của quân và dân nhà Trần đánh tan quân Nguyên – Mông xâm lược và tên tuổi lẫy lừng của người anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn, để cho “Sơn hà thiên cổ điện kim âu” (Non sông nghìn thuở vững âu vàng - Trần Nhân Tông).
Mùa Xuân Mậu Tuất 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Minh. Mười năm sau, Xuân Mậu Thân 1428, những tên xâm lược Minh cuối cùng bị quét sạch khỏi bờ cõi, núi sông lại thêm một lần nữa vang vọng âm hưởng hào hùng của Bình Ngô đại cáo: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo”, cho giang sơn “Muôn thuở nền thái bình vững chắc”.
Xuân Kỷ Dậu 1789, chỉ trong 5 ngày đêm Tết Nguyên đán, bước chân thần tốc của đại quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy tài tình của Quang Trung - Nguyễn Huệ, đã quét sạch 20 vạn quân xâm lược Thanh ra khỏi bờ cõi. Non sông vọng mãi lời hịch của người anh hùng áo vải: “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ!”.
Bước sang thời hiện đại, Tết cổ truyền của dân tộc cũng gắn liền với những mùa Xuân lịch sử.
Xuân Canh Ngọ 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Từ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, viết tiếp những trang sử vẻ vang, làm rạng rỡ thêm mùa Xuân Đất Nước và sắc Xuân Tết Việt.
Xuân Mậu Thân 1968, đánh dấu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt của quân và dân miền Nam; Xuân Quý Sửu 1973, chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” buộc Mỹ phải tuyên bố chấm dứt ném bom phá hoại miền Bắc; chấp nhận ký Hiệp định Pari lập lại hòa bình ở Việt Nam và rút quân về nước; Xuân Ất Mão 1975, mở đầu bằng Chiến dịch Tây Nguyên và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên đại thắng mùa Xuân, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Từ khi nước nhà giành được độc lập, hằng năm mỗi khi Tết đến, Xuân về, đồng bào và chiến sĩ cả nước lại có thêm niềm vui mới, háo hức chờ đợi phút giao thừa thiêng liêng: đón nghe thơ chúc Tết của Bác.
Những bài thơ chúc mừng năm mới của Người thể hiện tinh thần lạc quan cách mạng, vừa mang tính thời sự, định hướng chiến lược: “Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi/ Tin mừng thắng trận nở như hoa”, “Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”; vừa như một lời tiên tri, động viên, cổ vũ đồng bào và chiến sĩ cả nước vượt qua gian khổ hy sinh, anh dũng “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”, đưa cuộc trường chinh giải phóng dân tộc đến đích cuối cùng: “Bắc Năm sum họp, Xuân nào vui hơn”.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/sac-xuan-tet-viet-2248371.html