Sắc xuân trên đỉnh Núi Hoa

Bản Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn nằm trên đỉnh dãy núi Phja Boóc, theo tiếng bản địa là 'Núi Hoa', dãy núi cao nhất tỉnh Bắc Kạn với hơn 40 hộ đồng bào Dao sinh sống. Từ một vùng đất đói nghèo, với quyết tâm vươn lên làm giàu bằng chính giá trị mà đại ngàn mang lại.

Rời tỉnh lộ 258, con đường bê tông rộng non 2 mét đưa chúng tôi lên với đại ngàn Phja Boóc. Vượt con dốc chừng 7 km, bản du lịch cộng đồng Phiêng Phàng với dãy nhà sàn truyền thống xen kẽ nhà xây kiên cố, khung cảnh thật trù phú, ấm áp. Không ai còn nhận ra bản nhỏ nghèo đói, lụp xúp vài chục nếp nhà tranh của chục năm về trước.

Tất bật dọn dẹp nhà cửa, sửa sang lại căn bếp và rửa lại mấy bó lá dong vừa hái trên rừng về, anh Lý Thành Kim phấn khởi: Bây giờ ở Phiêng Phàng, bà con không còn đói nữa rồi. Tết năm nay, gia đình anh còn chuẩn bị con lợn to hơn mọi năm để làm cơm thiết đãi người thân, họ hàng.

Những cô gái bản Dao Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, Bắc Kạn bên thửa ruộng nếp Tài.

Những cô gái bản Dao Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, Bắc Kạn bên thửa ruộng nếp Tài.

“Ngày xưa cuộc sống khó khăn vì chỉ làm nương rẫy thôi, bây giờ không phải ăn ngô ăn sắn, làm ruộng cũng cải tiến hơn, bà con biết bón phân đúng kỹ thuật, làm ít nhưng đủ ăn, cuộc sống cũng được cải thiện. Tết năm nay ai cũng thịt lợn, gói bánh chưng, tổ chức bữa cơm đón Tết để mời anh em đến chung vui, mọi người cùng chúc nhau sức khỏe, cầu mong năm mới cuộc sống yên vui, đầm ấm” - anh Lý Thành Kim chia sẻ.

Hơn chục năm về trước, không chỉ nhà anh Kim mà toàn bộ các hộ dân của bản Phiêng Phàng đều thuộc diện hộ nghèo. Sinh kế chỉ trông vào vài mảnh nương và thói quen săn bắn, hái lượm tự nhiên nên luôn thiếu đói khi giáp hạt. Được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước về khoa học kỹ thuật cùng quyết tâm phải làm giàu ngay trên mảng đất cha ông; Bản Phiêng Phàng đã mạnh dạn phát triển lại giống cây lê vàng bản địa, tận dụng đồi nương để trồng cây trúc sào, phục tráng lại giống lúa nếp Tài và dong riềng đỏ. Bà con cũng mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sử dụng cây con giống năng suất cao.

Sản phẩm Gạo nếp Tài được công nhận OCOP và chuyển đi tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước.

Sản phẩm Gạo nếp Tài được công nhận OCOP và chuyển đi tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước.

Cây hợp đất, hợp khí hậu nên phát triển tốt, năng suất cao, bán được giá. Nhờ vậy, bản Dao đã từng bước vượt khó vươn. Hiện những ngôi nhà xây kiên cố bằng xi măng 2 tầng khang trang đã dần mọc lên, nhiều nhà đã sắm được các vật dụng đắt tiền, Phiêng Phàng có đường bê tông, có điện kéo đến từng hộ gia đình.

Bà Triệu Thị Tâm, Trưởng Ban công tác Mặt trận bản Phiêng Phàng cho hay: “Trước kia thôn vùng cao người Dao chúng tôi trên này không biết các kỹ thuật làm ăn, cấy lúa trồng ngô không biết sử dụng giống mới, trồng giống cũ suốt, cứ làm theo phương thức cũ không đạt hiệu quả, làm cũng không năng suất, nên là nghèo đói suốt. Đến bây giờ có đảng, có lãnh đạo xã với HTX cũng đến tận thôn để chỉ đạo sát sao làm kinh tế theo kỹ thuật, bà con cũng làm theo. Bây giờ năng suất cây trồng cũng đạt hơn, bà con trong thôn đã xóa đói giảm nghèo được một phần rồi”.

Nhiều ngôi nhà xây kiên cố mọc lên trên bản Phiêng Phàng.

Nhiều ngôi nhà xây kiên cố mọc lên trên bản Phiêng Phàng.

Đến nay HTX phát triển được trên 10 ha lúa đạt chuẩn hữu cơ, được cấp chứng nhận OCOP, được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Hạt gạo nếp Tài của bà con Phiêng Phàng đã được tiêu thụ tại các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Tuyên Quang, Lào Cai, Nghệ An và một số hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trong nước.... qua đó giúp 20 hộ dân liên kết trong thôn Phiêng Phàng có nguồn thu nhập ổn định.

Sửa sang lại bộ trang phục dân tộc Dao đỏ để chuẩn bị đón Tết, chị Lý Thị Năm vui vẻ: “Trước thì bà con trên này rất khó khăn, trước tôi còn ăn ngô, khoai, sắn, bây giờ có cán bộ địa phương và HTX Yến Dương quan tâm nhiều. Mấy năm nay trong bản Phiêng Phàng cũng được khá giả ấm no hơn so với trước. Đến Tết các chị em lại được diện những bộ quần áo dân tộc đẹp để tụ tập chơi xuân, mọi người đều vui vẻ vì cuộc sống ngày một thay đổi”.

Bản người Dao mạnh dạn đưa những cây, con giống mới về trồng.

Bản người Dao mạnh dạn đưa những cây, con giống mới về trồng.

Ngoài thay đổi cơ cấu cây trồng, người dân Phiêng Phàng còn mạnh dạn làm du lịch sinh thái từ những lợi thế cảnh quan thiên nhiên mà đại ngàn Phja Boóc ban tặng. Đó là những ruộng lúa bậc thang uốn lượn trong sương, những rừng trúc bát ngát bên thác nước Pù Lầu quanh năm tung bọt trắng. Tận dụng nguồn nước mát lạnh quanh năm, người dân xây bể nuôi cá tầm, cá hồi và thành lập HTX cá tầm, cá hồi Pù Lầu để vừa phát triển kinh tế, vừa phục vụ khách đến thăm quan, trải nghiệm. Du khách đến đây không chỉ được thưởng lãm cảnh đẹp, mà còn được thưởng thức các món ăn mang hương vị đậm đà của miền sơn cước như gà thả đồi, cá tầm nướng hay cùng bà con làm cơm lam, bánh giày…

“Mấy năm nay bà con trong thôn biết làm ăn, biết làm du lịch, biết phát triển kinh tế, nuôi cá hồi cá tầm thu hút được nhiều khách du lịch đến thăm quan. Qua đó đem lại thu nhập cho các gia đình cho thôn, góp phần giảm nghèo cho địa phương” - anh Đặng Khải Cường – Trưởng bản Phiêng Phàng chia sẻ.

Theo lời kể của người già trong bản, người xưa đặt tên Núi Hoa bởi lưng núi có những dòng thác tung bọt trắng lấp lánh dưới trăng như vạn đóa hoa rừng. Nhưng Phja Boóc - Núi Hoa của bản người Dao Phiêng Phàng hôm nay còn có thêm những màu sắc của những vườn lê đặc sản, của những bông lúa nếp chín vàng, của những căn nhà xây mái ngói đỏ thấp thoáng xen lẫn màu tươi thắm của những cánh hoa đào - sắc màu của mùa xuân ấm no nơi đỉnh Núi Hoa./.

Công Luận/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/sac-xuan-tren-dinh-nui-hoa-post997819.vov