Sắc xuân trên 'nấc thang thiên đường' Mù Cang Chải
Khi những thửa ruộng bậc thang nhuộm sắc cải dầu, tớ dày, sơn tra cũng là lúc sơn nữ Mù Cang Chải xúng xính váy thổ cẩm bước vào năm mới, đón vận hội mới.
Độc đáo lễ cúng Ua Pê Chầu
Tết của người H’H’mông ở Mù Cang Chải thường diễn ra trong 3 ngày nhưng trước đó, khắp bản trên, bản dưới đã nhộn nhịp không khí đón Xuân. Mỗi người mỗi việc, phụ nữ sẽ hoàn thiện đường thêu, nút chỉ trên bộ váy áo mới để cho người lớn, trẻ con diện Tết. Trong khi đó, đàn ông đi mua sắm đồ, mổ lợn, mổ gà, chuẩn bị cho bữa cơm gia đình.
Điểm nổi bật nhất trong tết của người H’mông là lễ cúng Ua Pê Chầu vào 30 Tết. Trước đó, từ ngày 25, 26 người H’mông nghỉ lên nương rẫy, tập trung dọn dẹp cửa nhà đón Tết. Người H’mông tâm niệm rằng dụng cụ lao động cũng giống như con người, sau một năm làm lụng vất vả cần phải được nghỉ ngơi trong những ngày Tết.
Những nông cụ như cuốc, xẻng, dao phát được người đàn ông trong gia đình đem rửa sạch sẽ, sau đó dán giấy và để dưới bàn thờ. Các công cụ như cối xay ngô, quẩy tấu, cối giã bánh dày cũng được cũng được dán một tờ giấy bản. Trong lễ cúng Ua Pê Chầu, người H’mông khấn cầu thần linh ban cho gia đình luôn gặp may mắn ấm no hạnh phúc, cầu cho các thành viên trong gia đình khỏe mạnh không gặp tai ương, ốm đau, cầu cho cây cối, mùa màng tươi tốt.
Mâm cỗ tết của người H’mông luôn luôn có bánh dày vì người H’mông quan niệm bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời, nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật. Do đó, giã bánh dày là tập tục không thể thiếu trong ngày tết của người H’mông. Tối 30 Tết, mọi thành viên trong gia đình quay quần nhau để thực hiện lễ cúng Ua Pê Chầu và cùng nhau ăn bữa cơm đón năm mới.
“Nấc thang thiên đường” Mù Cang Chải những ngày xuân lung linh sắc màu. Nổi bật giữa sắc trắng sơn tra, sắc hồng tớ dày, sắc vàng cải dầu là gam màu rực rỡ của những chiếc váy thổ cẩm sơn nữ khoác trên mình. Giữa khung cảnh hùng vĩ, du khách được trải nghiệm nét văn hóa độc đáo trong ngày Tết của người H’mông.
Anh Giàng A Vinh, sống tại bản Khao Mang, cho biết do phải canh tác trên những thửa ruộng bậc thang nhỏ nên cuốc, xẻng, dao phát gắn bó đặc biệt trong cuộc sống của người H’mông. Hơn nữa, các nông cụ này còn mang giá trị tâm linh, thể hiện cho sức mạnh của đàn ông, nhà nào có nhiều dụng cụ sắc bền thì chứng tỏ đàn ông nhà đó mạnh khỏe, siêng năng.
Ông Sùng A Sử, Phó bí thư Đảng ủy xã Khao Mang, phân tích trong văn hóa H’mông, đàn ông là trụ cột gia đình nên phải đảm nhiệm tất cả mọi việc trong ngày đầu năm mới. Vì thế, khi gà cất tiếng gáy đón tân niên cũng là lúc đàn ông H’mông thức dậy thực hiện mọi công việc từ nhóm bếp, nấu cơm, chuẩn bị thức ăn cho lợn, gà, trâu, bò ăn. Sau đó, phụ nữ H’mông cũng thức dậy để làm những công việc nhẹ nhàng hơn như hứng nước và dọn dẹp cửa nhà để chuẩn bị đón anh em họ hàng gần xa đến chung vui năm mới.
Chuyển dịch thời gian đón Tết
Trước đây, người H’mông ở Mù Cang Chải ăn tết sớm trước chừng một tháng so với tết của người Kinh. Sau vụ mùa thu hoạch, tớ dày bung hoa cũng là lúc người H’mông đón tết cổ truyền. Người H’mông vui tết, đón xuân trong thời gian khoảng một tháng nên khi họ bắt đầu lao động trở lại thì cũng là lúc người Kinh và nhiều dân tộc khác đón tết.
Việc người H’mông đón tết sớm tạo nên đặc trưng riêng nhưng lại phát sinh hàng loạt phiền toái. Trong khi trường học đang hoạt động thì học sinh H’mông nghỉ tết, khi học sinh H’mông đi học trở lại thì thầy cô lại được nghỉ tết. Các sinh hoạt, lao động, giao thương và thực hiện các thủ tục hành chính theo đó cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, tuy nhiên để thay đổi lịch trình sinh hoạt văn hóa của cả sắc tộc không phải việc dễ dàng.
Ông Trần Trung Kiên, Phó trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Mù Cang Chải, cho hay ngay từ đầu những năm 2000 huyện đã đề ra kế hoạch tuyên truyền, vận động người H’mông chuyển tết vào cùng thời gian với các dân tộc khác. Trong một thời gian dài, các cơ quan ban ngành của huyện của xã phải tích cực vận động từng hộ, từng bản thay đổi thói quen đón tết để phù hợp với xu thế hội nhập. Ban đầu có bản chuyển lịch, có bản không nhưng kể từ năm 2010 toàn bộ người H’mông ở Mù Cang Chải đã mừng tết, đón xuân vào đúng dịp Tết nguyên đán.
Ông Vàng A Xu, Bí thư chi bộ bản Khao Mang, xã Khao Mang, chia sẻ mặc dù chuyển dịch thời gian nhưng những phong tục đón tết của đồng bào H’mông vẫn được gìn giữ nguyên vẹn. Kể từ khi người H’mông đón tết cùng thời gian với người Kinh mọi việc làm ăn, buôn bán, học hành thuận lợi hơn. Đặc biệt là các cháu học sinh được học đúng lịch, những người đi làm công nhân ở xa cũng có thời gian nghỉ tết chung với gia đình, chợ tết cũng vui vẻ, náo nhiệt, nhiều hàng, nhiều người hơn trước.
Khi mùa xuân đến, người H’mông xúng xính trong những bộ váy áo leng keng tiếng bạc đồng. Theo phong tục, người H’mông kiêng ăn rau, kiêng hất nước, kiêng tiêu tiền vào ngày mồng 1 Tết. Họ đến nhà nhau chúc Tết, thưởng thức rượu ngô, ăn bánh dày, cùng nhau du xuân, ném pao, múa khèn và hát giao duyên.