Sắc xuân trên những bản làng vùng cao

Giữa tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, trên những triền đồi, hoa đào, hoa mận đua nhau khoe sắc như báo hiệu một mùa xuân mới lại về trên những bản làng vùng cao. Đi trên những con đường mới vào bản, có thể cảm nhận rõ niềm vui, những đổi thay rõ nét trong đời sống của của người dân vùng cao. Những đổi thay đến từ hiệu quả của các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và từ chính nội lực của người dân.

Băng đèo, vượt núi lên xã Nam Cao (Bảo Lâm), chúng tôi tìm đến xóm Nà Mon, trước mắt chúng tôi là những sườn đồi bạt ngàn cây sả. Đó là thành quả của sự nỗ lực của đồng bào Sán Chỉ nơi đây. Trong những ngày giáp tết, không khí trong xóm nhỏ trở nên tất bật, nhộn nhịp để kịp thu hoạch lứa sả cuối cùng trong năm. Niềm vui được mùa, nụ cười rạng rỡ hiện rõ trên gương mặt của mỗi người dân trong xóm báo hiệu một mùa xuân ấm no hạnh phúc lại về.

Bà con xóm Cà Đổng, xã Đức Hạnh (Bảo Lâm) chuẩn bị quần áo mới đón xuân.

Bà con xóm Cà Đổng, xã Đức Hạnh (Bảo Lâm) chuẩn bị quần áo mới đón xuân.

Chị Lý Thị Vinh, xóm Nà Mon chia sẻ: Từ khi gia đình tôi và nhiều gia đình khác trong xóm biết trồng cây cây sả Java chiết xuất tinh dầu để bán thì đời sống đã có nhiều khởi sắc, không phải lo đói ăn trong những ngày giáp hạt nữa. Nhiều gia đình chăm chỉ, tiết kiệm còn mua được xe máy, ti vi, tủ lạnh, con cái có điều kiện đi học, người già có thuốc uống khi bệnh… tôi và các chị em vui lắm, sau lứa sả này sẽ xuống chợ huyện mua sắm để chuẩn bị cho một cái Tết thật đầy đủ.

Trong ngôi nhà sàn thơm mùi dầu sả của gia đình anh Triệu Văn Hòn, hàng chục can loại 20 lít đựng tinh dầu sả của bà con trong sóm đang được anh đánh số cẩn thận để đem giao cho khách hàng trong dịp cuối năm. Anh Hòn là người đã tìm ra hướng đi mới đưa cây sả Java đến với bà con trong xóm để phát triển kinh tế, hiện nay, ngoài trồng sả anh còn bao tiêu sản phẩm và cung cấp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con.

Rót chén trà nóng mời chúng tôi, anh Hòn vui mừng cho biết: Cây sả này chỉ trồng 3 tháng là cho thu hoạch, cây ít bệnh, chăm sóc đơn giản. Làm một năm thu hoạch 5 - 6 lứa, đầu ra ổn định. Ngoài ra, lá sả sau khi tách tinh dầu được bà con dùng đun thay củi và dùng làm phân hữu cơ bón ngô, lúa. Ban đầu nhiều khó khăn lắm, nhất là công đoạn chiết xuất tinh dầu. Thấy bà con gặp khó, năm 2021, Nhà nước hỗ trợ 1 nồi trưng cất tinh dầu với giá trị hơn 250 triệu đồng, cung cấp giống và cử cán bộ đến hỗ trợ kỹ thuật để bà con yên tân sản xuất. Từ 9 hộ trồng ban đầu, đến nay cả xóm trên 100 hộ đã chuyển đổi gần 97 ha đất trồng các loại cây giá trị kinh tế thấp sang trồng sả. Vụ sả năm nay được mùa, cả xóm bán ra thị trường hơn 5,5 nghìn lít tinh dầu, thu về trên 1,8 tỷ đồng, hộ nhiều nhất thu nhập trên 60 triệu đồng.

Rời Nam Cao chúng tôi đến xóm Cà Đổng, xã Đức Hạnh (Bảo Lâm), trước đây, cuộc sống của 118 hộ đồng bào Mông, Lô Lô trong xóm chỉ luẩn quẩn mãi trong vòng đói nghèo, “điện, đường, trường, trạm” tất cả đều thiếu thốn, bà con chỉ biết trồng ngô, lúa và những cây có giá trị kinh tế thấp. Thế nhưng xuân năm nay có nhiều khác biệt, từ sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, Cà Đổng dần khoác lên mình diện mạo mới. Các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới giúp người dân không chỉ được hưởng lợi mà còn làm thay đổi nhận thức, cách nghĩ, cách làm. Bà con được hỗ trợ chuyển đổi đầu tư phát triển kinh tế rừng, tư duy kinh tế trong sản xuất nông nghiệp dần được hình thành, cuộc sống của đồng bào dân tộc càng ngày khởi sắc.

Ông Hoàng Văn Phúng, Bí thư chi bộ, Trưởng xóm Cà Đổng phấn khởi cho biết: Những năm qua, xóm được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư đường đi lại, những con đường gồ ghề khó đi ngày trước bây giờ được bê tông trải dài, hai bên đường là bạt ngàn một màu xanh của nương sắn, nương ngô. Cơ bản các hộ dân trong xóm được dùng điện lưới quốc gia, nhiều hộ tự xây bể dự trữ nước sạch phục vụ sinh hoạt... Nhờ đó, đời sống của bà con cũng được cải thiện đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người lên đạt trên 20 triệu đồng/năm. Dù tỷ lệ hộ nghèo so với mặt bằng chung của tỉnh vẫn còn khá cao, tuy nhiên phần lớn các hộ đã không còn bị thiếu đói, không phải sống trong những ngôi nhà ở dột nát.

Xóm Cà Đổng những ngày cuối năm dường như rộn ràng hơn, nhà nào cũng tất bật, chuẩn bị nguyên vật liệu để làm bánh chưng và các món ăn phổ biến trong các dịp lễ, tết. Chị em, phụ nữ cùng ngồi bên bếp lửa hồng ngân ca những câu lượn, thêu lên trang phục những hoa văn đầy màu sắc chuẩn bị cho những ngày du xuân sắp tới.

Huyện Bảo Lâm là địa phương còn nhiều khó khăn của tỉnh với 99% dân số người dân tộc thiểu số và tỉ lệ hộ nghèo còn chiếm 49,08%. Tuy nhiên, mọi chính sách hỗ trợ phát triển và an sinh xã hội được cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai xuống tận cấp cơ sở và ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số thụ hưởng với các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, có 125 xóm có đường ô tô đạt 82%, 100% xã có điện lưới quốc gia; toàn huyện có 9 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ I, 7 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Có 147/153 xóm có nhà văn hóa, 102 xóm được lắp thiết bị thu truyền thanh.

Người dân xóm Nà Mon, xã Nam Cao (Bảo Lâm) vui mừng thu hoạch lứa sả cuối cùng trong năm.

Người dân xóm Nà Mon, xã Nam Cao (Bảo Lâm) vui mừng thu hoạch lứa sả cuối cùng trong năm.

Ông Đoàn Trọng Hùng, Bí thư huyện ủy huyện Bảo Lâm cho biết thêm: Thời gian qua huyện chú trọng triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập. Việc hỗ trợ sản xuất không đơn thuần là hỗ trợ kinh phí mà quan trọng hơn là tạo “đòn bẩy” giúp đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống tốt hơn, vươn lên bắt nhịp với sự phát triển chung. Chỉ tính riêng trong năm 2023, huyện Bảo Lâm phân bổ kinh phí hơn 10,6 tỷ đồng cho 13 xã, thị trấn để đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Tùy vào phong tục, tập quán, điều kiện của từng vùng, huyện xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, nâng cao thu nhập của người dân bằng việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi mới, và trang bị thêm nhiều kiến thức mới trong sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi. Tư duy, tập quán canh tác, sản xuất manh mún, lạc hậu lâu nay được thay đổi, nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm theo từng năm trên 5%.

Những thành quả đạt được là động lực lớn giúp bà con đẩy lùi cái nghèo, cải thiện cuộc sống. Mỗi mùa xuân đến là thêm một mùa vui với người dân sống trên những bản làng cùng cao, thêm một dịp để họ cùng nhau hội ngộ trong những sinh hoạt văn hóa cộng đồng, cùng nói với nhau lời tin yêu theo Đảng, Nhà nước để bảo vệ, gìn giữ bản sắc dân tộc, cùng chung sức xây dựng bản làng, quê hương ngày càng giàu đẹp.

Thế Hiển

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/sac-xuan-tren-nhung-ban-lang-vung-cao-3167463.html