Sách chạy quảng cáo trên báo hơn 100 năm trước

Nhiều báo đăng quảng cáo các nhà sách, như nhiều số báo 'Nông cổ mín đàm' quảng cáo cho hiệu Claude ở trang cuối.

 Quảng cáo nhà hàng bán sách Claude trên "Nông cổ mín đàm" số 77. Ảnh: TL.

Quảng cáo nhà hàng bán sách Claude trên "Nông cổ mín đàm" số 77. Ảnh: TL.

Ngay từ cuối thế kỷ XIX, để ý thông tin trên các tờ báo, có thể thấy đã có các nhà sách ở nơi đô hội.

Báo Nam Kỳ số 1, ra ngày 21/10/1897, đã dành gần hết trang 9 và trang 10 bằng chữ Việt, chữ Pháp quảng cáo nhà in, nhà sách lớn Rey, Curiol và công ty có địa chỉ ở đường Catinat và đường d’Ormay bán sách Pháp ngữ và sách Việt ngữ với những đầu sách được giới thiệu như Minh tâm bửu giám, Phan Trần truyện, Sách tập nói truyện tiếng Langsa, Phong thần Bá Ấp Khảo, Cours d’Annam, Kim Vân Kiều tân truyện… với lời rao “giá tiền rẻ hơn hết”.

Cũng trên báo này về sau, quảng cáo các hiệu sách, mà chủ hiệu là hiệu sách của Pháp, ngày một nhiều. Chẳng hạn Nam Kỳ số 83, ra ngày 1/6/1899, đã có nhiều hiệu sách đăng tin quảng cáo. Đó là hiệu Claude và công ty ở số 119-127 đường Catinat; hiệu Brunet ở số 74-80 đường Catinat. Riêng hiệu Brunet bán sách đã tự giới thiệu là “Sách Bác Học và sách Luận Chánh; Thơ Tuồng Thi Phú Truyện Sử bằng chữ Phang Sa và chữ Quốc Ngử [ngữ]”.

Nhiều báo khác cũng đăng quảng cáo các nhà sách, như nhiều số báo Nông cổ mín đàm quảng cáo cho hiệu Claude ở trang cuối. Nông cổ mín đàm số 77, ra ngày 19/2/1903 dành nửa trang cuối giới thiệu nhiều tên sách bán tại hiệu sách này kèm giá bán. Thơ Lục Vân Tiên 6 hào, Tuồng Sơn Hậu 2 hào, Tuồng Kim Thạch kỳ duyên 1 đồng, Sử ký Nam Việt 4 hào…

Thêm một điều cần điểm nữa là, ngoài những hiệu sách của người Việt, người Pháp, người Hoa bán khắp ba kỳ, thì một nguồn cung cấp sách khác nữa, chính là từ hải ngoại qua con đường phát hành chính thống với những sách được phép nhập mà những sách ấy, không ảnh hưởng tới sự cai trị của thực dân Pháp; hoặc những sách báo thuộc dạng “hàng cấm”, và con đường cho những sách báo này không thể “chính ngạch”, mà qua mối dây vận chuyển bí mật, trong đó có công nhân, thư ký các tàu biển.

Đào Duy Anh trong những năm nửa cuối thập niên 1920 đã thông qua một thanh niên người Thanh Hóa từng là thư ký một công ty hàng hải của Pháp mà có được những sách về chủ nghĩa cộng sản như ABC du communisme (Chủ nghĩa cộng sản sơ giải), Théorie matérialisme historique (Chủ nghĩa duy vật lịch sử)…

“Sài Gòn bấy giờ là một địa bàn tiếp thu những tài liệu mới từ hải ngoại đến và là một trường hoạt động tương đối rộng rãi nên một số đông thanh niên hăng hái đủ mặt Trung Nam Bắc đều tập trung ở đây. Những sách, báo từ bên Pháp gửi sang qua những bạn thủy thủ hoặc Pháp hoặc Nam đến tay chúng tôi, chúng tôi đọc một cách thích thú”, Trần Huy Liệu chia sẻ.

Thậm chí, từ Việt Nam, độc giả có thể đặt mua sách tận đất lục lăng nữa. Nguyễn Văn Trấn đã bán sợi dây chuyền của mẹ cho “lấy tiền gởi qua Nhà xuất bản Xã hội và quốc tế (E.S.I.) bên Pháp, mua hai quyển Tuyển tập Lê-Nin, quyển “Lao động lãnh lương” của Mác và quyển Kinh tế chánh trị của La-pi-đuyx”.

Đến như nơi lao tù cũng có sách báo được phép gửi vào. Khi phải ngồi tù năm 1928, Phan Văn Hùm đã đọc sách người nhà gửi vào để giết thời gian. Điểm tên có sách Histoire du Christ của Giovanni Papini.

Sách ấy, phải qua ải gác ngục lục xét từng trang mới xong. “Người ở tù mà có sách, có báo đọc, tưởng ở lâu càng hay. Cho tôi ăn, cho tôi sách tốt, nhốt tôi bao lâu tôi cũng không phiền. Nằm nghỉ giả hạn (vacances) mà đọc sách, việc đời mặc quách ai lo, còn gì sướng bằng nữa”, ông Hùm đã ghi về “cảm khoái” như thế khi ngồi tù trong sách Ngồi tù Khám Lớn.

Thậm chí là “địa ngục trần gian” Côn Đảo, sách báo cũng có lúc được gửi đến. Trong Thư Côn Lôn, Nguyễn Đức Chính đã để lại nhiều chi tiết liên quan giúp độc giả hình dung được việc gửi, dùng sách báo ở nơi đây. Trong thư gửi em trai Nguyễn Đức Kính ngày 13/4/1935, Nguyễn Đức Chính nhắn gửi Nguyễn Công Hoan gửi cho mình những tiểu thuyết mới xuất bản của tác giả Kép Tư Bền.

Thư ngày 20/10/1935 thông tin “Em Kính. Đã nhận được Một năm trong đảng kỹ sư mỏ, cuốn số 1, của em xuất bản”; thư gửi ngày 1/3/1936 thiết tha yêu cầu em mình gửi sách báo “ở ngoài này cần sách, cần báo, hơn là lạp sường hay bánh quế. Mình đi lĩnh thùng, các anh em ở nhà chỉ đợi mang về… cái gì?… Sách Duy tâm hay duy vật, hoặc báo Tiến bộ, báo Kiến văn… Bảo anh Liệu gửi ra cho cánh này coi”…

Trần Đình Ba / NXB Tổng hợp TP.HCM

Nguồn Znews: https://znews.vn/sach-chay-quang-cao-tren-bao-hon-100-nam-truoc-post1469695.html