Sách giáo khoa cho năm học mới: Không lo thiếu, chỉ sợ lãng phí

Thiếu sách giáo khoa không còn là nỗi lo quá lớn trước thềm năm học mới khi sách giáo khoa hiện đã được cung ứng tới các địa phương gần đạt 100% theo số lượng đặt hàng. Song băn khoăn về vấn đề lãng phí sách giáo khoa vẫn được đặt ra khi sách khó có thể tái sử dụng.

Học sinh chọn sách giáo khoa đầu năm học. Ảnh: Quang Vinh.

Học sinh chọn sách giáo khoa đầu năm học. Ảnh: Quang Vinh.

Không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu sách giáo khoa

Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa, năm học 2024 - 2025 sẽ bắt đầu. Năm học này, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sẽ triển khai ở 3 khối lớp 5, 9, 12. Đây là 3 khối lớp cuối cùng trên cả nước sẽ học theo chương trình SGK mới. Khác với thời điểm này những năm học trước, SGK không còn chậm tới tay học sinh. Hiện học sinh đăng ký SGK tại các nhà trường đều yên tâm vì đã có đủ sách.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết học sinh các khối lớp đã có SGK mới cách đây gần một tháng, kể cả các em học những lớp đầu tiên thay sách. Em Trịnh Minh Châu, học sinh lớp 12A7 Trường THPT Nguyễn Huệ (Hà Nội) cho biết, em đăng ký SGK tại nhà trường và đã được nhận sách từ 2 tuần nay. “Có SGK mới sớm nên em chủ động hơn trong việc học thêm hè, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho các kỳ thi cuối cấp” - Châu cho hay.

Ghi nhận tại một số nhà sách trên địa bàn TP Hà Nội, hầu hết các đầu SGK mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phê duyệt đều đã có mặt trên kệ sách. Những học sinh không đăng ký mua SGK tại nhà trường có thể tìm SGK theo chương trình mới ở các khối lớp khá dễ dàng.

Thông tin từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN), tính đến ngày 14/8, NXBGDVN đã hoàn thành in và nhập kho SGK các lớp đạt 96,7% kế hoạch, tương ứng 168 triệu bản. Hiện nay, NXBGDVN đang cung ứng SGK tới các địa phương theo số lượng đặt hàng. Đến thời điểm này, đơn vị đã phát hành 96,1% kế hoạch, tương ứng 168,4 triệu bản.

Trước thềm năm học mới 2024-2025, Bộ GDĐT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung chuẩn bị cho năm học mới. Bộ GDĐT yêu cầu các địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động phối hợp với các nhà xuất bản, các tổ chức cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện việc cung ứng SGK trên địa bàn, bảo đảm chất lượng; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu SGK, tài liệu học tập khi năm học mới bắt đầu.

Phụ huynh tìm mua sách giáo khoa tại nhà sách. Ảnh: NGUYỄN HOÀI.

Phụ huynh tìm mua sách giáo khoa tại nhà sách. Ảnh: NGUYỄN HOÀI.

Vẫn lo lãng phí sách

Không còn lo thiếu SGK cho năm học mới nhưng băn khoăn về việc lãng phí sách vẫn được đặt ra. Với cách phối trộn các bộ SGK như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng những bộ SGK cũ không thể tái sử dụng là điều hiện hữu. Chị Nguyễn Hồng Giang có hai con trai học tại hai trường THCS quận Ba Đình (Hà Nội). Con trai lớn của chị năm nay lên lớp 9, Trường THCS Phúc Xá, còn con út học lớp 7, Trường THCS Nguyễn Công Trứ. Dù hai con chỉ học cách nhau 2 lớp nhưng SGK của anh năm học trước không thể để dành cho em dùng ở các năm học sau. Bởi theo chị Giang, hai trường lựa chọn đầu mục SGK không giống nhau, chưa kể mỗi năm sách một khác.

“Như cách trộn SGK hiện nay thì rất ít cuốn sách của năm học trước trùng với sách của năm học sau. Thế nên, không giống như trước đây, học xong mỗi năm học, các con có thể tặng lại trọn bộ SGK cho các em khóa sau thì nay, hầu như SGK cũ chỉ dùng một lần rồi bỏ. Tôi thấy rất lãng phí” - chị Giang chia sẻ.

Vì lý do chuyển nhà nên học kỳ II năm học trước, chị Cung Kim Chi phải chuyển trường cho con (lớp 1) từ Trường Tiểu học Láng Thượng về Trường Tiểu học Nam Thành Công (cả hai trường đều ở quận Đống Đa, Hà Nội). Chị Chi cho biết, 2 trường có một số SGK khác nhau nên khi sang trường mới, chị phải mua thêm một số SGK cho con. Những cuốn không sử dụng tới đành bỏ đi vì không biết cho ai dù chưa hết 1 năm học.

Không chỉ lo ngại lãng phí vì SGK chỉ dùng một lần, câu chuyện bán SGK “bia kèm lạc”, lãng phí các loại sách tham khảo cho học sinh phổ thông các cấp cũng đã được dư luận xã hội nêu từ nhiều năm qua trên nhiều diễn đàn, báo chí, mạng xã hội. Tìm hiểu bộ SGK lớp 6 của một trường THCS trên địa bàn quận Tây Hồ (Hà Nội) triển khai cho học sinh nhà trường trong năm học này cho thấy, trong số 27 tên sách trong bộ SGK này thì có tới 10 tên sách bài tập với tổng giá trị trọn bộ sách là 555.000 đồng.

So với SGK cũ, một bộ SGK mới nếu tính cả sách bài tập, sách tham khảo cùng một số sách ngoại ngữ thì giá cao hơn nhiều. Dù giá thành mỗi một đầu sách chỉ từ vài nghìn đến chục nghìn đồng nhưng nếu nhân lên với hàng triệu học sinh phổ thông cả nước thì số tiền lãng phí cho SGK chỉ dùng một lần hoặc không dùng đến lại là con số khổng lồ.

Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (Nghệ An) Hồ Tuấn Anh nhìn nhận, cách quản lý, phát hành SGK hiện nay chưa thực sự vì lợi ích người học. Việc lãng phí SGK là có thật. Không ít gia đình thêm gánh nặng tài chính khi năm học mới bắt đầu và giá SGK tăng.

Giảm gánh nặng sách giáo khoa

Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương phân tích, theo quy định hiện nay, thẩm quyền lựa chọn SGK thuộc về các cơ sở giáo dục. Thế nên, câu chuyện lãng phí SGK được đặt ra ở 2 góc độ. Thứ nhất là nếu năm nay, cơ sở giáo dục chọn bộ SGK A nhưng sang năm không chọn bộ sách đó nữa do nhiều lý do thì bộ sách học sinh đã trang bị đó sẽ phải bỏ đi. Thứ 2 là với một số ít học sinh chuyển trường, nếu hai trường đó không học chung một bộ SGK thì các em phải bỏ bộ SGK cũ để mua bộ mới. Đây là lý do mà người dân lo ngại về tình trạng lãng phí.

TS Nguyễn Thị Việt Nga nêu quan điểm, những lý do nêu trên không phải là phổ biến mà chỉ diễn ra trong phạm vi nhỏ, mà khi triển khai một chủ trương mới khó tránh khỏi những vướng mắc. Để tránh lãng phí SGK, bà Nga cho rằng, mỗi nhà trường đều có hệ thống thư viện. Thư viện trường học không chỉ trang bị SGK do trường mình chọn mà còn trang bị nhiều bộ SGK khác để giáo viên và học sinh tham khảo. Như vậy, những cuốn SGK năm nay chọn mà sang năm không chọn dạy thì có thể bổ sung vào thư viện trường. “Bên cạnh đó, hiện có nhiều phong trào quyên góp SGK cho trẻ em nghèo. Tôi cho rằng, các bậc phụ huynh nên quan tâm tới việc này để nếu như học sinh không dùng bộ SGK đó thì có thể gửi qua kênh nhà trường, tránh lãng phí” - bà Nga nói.

Kể từ khi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai tới nay, giá SGK luôn là vấn đề nóng, gây nhiều tranh luận trước thềm mỗi năm học mới. Chênh lệch giữa giá bán SGK mới cao hơn nhiều so với bộ sách cũ khiến các gia đình tăng gánh nặng kinh tế.

Thế nên, việc các nhà xuất bản đồng loạt giảm giá SGK năm học 2024-2025 là tin vui với các bậc phụ huynh có con ở độ tuổi đi học. Phía NXBGDVN cho biết, việc điều chỉnh điều chỉnh giảm giá bán SGK tái bản và xây dựng giá SGK các lớp 5, 9, 12 theo cơ cấu giá đã giảm ở các lớp tái bản phục vụ năm học 2024 - 2025 là nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống nhà xuất bản để có giá SGK ở mức thấp nhất, vì mục tiêu hỗ trợ học sinh và giáo viên, đảm bảo an sinh xã hội.

NXBGDVN cho biết, trong thời gian từ tháng 5 đến 7/2024, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng trăm nghìn bản SGK giả sản phẩm của NXBGDVN tại một số tỉnh/thành. Để tránh mua phải sách in lậu, sách giả, NXBGDVN khuyến cáo, giáo viên, phụ huynh và học sinh nên tìm mua sách tại các hệ thống phân phối chính thức của NXBGDVN, các công ty Sách - Thiết bị trường học địa phương, không mua sách từ các nguồn trôi nổi trên thị trường.

TS Nguyễn thị Việt Nga – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương:

Quan tâm hơn tới chất lượng sách giáo khoa

Về cơ bản, tôi ủng hộ chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK. Đây là chủ trương đúng đắn và đương nhiên trong quá trình triển khai sẽ phát sinh những vướng mắc từ thực tế. Những vướng mắc này sẽ được điều chỉnh dần dần. Nhưng điều quan trọng hơn cả là dù nhiều bộ SGK đi nữa thì tất cả các bộ cần được biên soạn và xuất bản kỹ lưỡng từng chi tiết, quan tâm tới chất lượng SGK để chúng ta có được phương tiện giáo dục học sinh một cách tốt nhất, tránh tình trạng như một, hai năm đầu triển khai chương trình, SGK mới còn nhiều sạn. Như tôi nói ở trên, chúng ta triển khai một chủ trương mới trong khoảng thời gian nhất định sẽ có những sơ suất khó tránh khỏi. Song với SGK cần tiết chế giảm sơ suất thì càng tốt.

Tôi mong muốn thời gian tới, Bộ GDĐT tiếp tục tập trung vào việc rà soát SGK để làm sao hiệu đính được những sai sót nếu có. Bên cạnh đó, khuyến khích các tổ chức cá nhân tiếp tục nghiên cứu và xuất bản SGK. Nhiều bộ SGK không phải chỉ có 2 - 3 bộ là yên tâm là số nhiều mà thực ra SGK càng ngày càng phải hoàn thiện hơn. Có nhiều SGK sẽ có thêm sự cạnh tranh lớn giữa các tổ chức, cá nhân, cho nên tôi thấy việc này cần tiếp tục chứ không phải yên tâm với mấy bộ sách đang có và dạy đi dạy lại.

NGUYỄN HOÀI

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/sach-giao-khoa-cho-nam-hoc-moi-khong-lo-thieu-chi-so-lang-phi-10288252.html