Sách giáo khoa: Không thể sửa kiểu chắp vá
Bộ Giáo dục và Đào tạo tính đến việc đăng lên mạng bản thảo sách giáo khoa để xin góp ý đa chiều từ giáo viên, cán bộ quản lý, nhà khoa học và người dân
Chỉ còn 10 ngày nữa là đến hạn Nhà Xuất bản (NXB) ĐH Sư phạm TP HCM và các tác giả của sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 1 - bộ Cánh Diều nộp phương án chỉnh sửa, hiệu đính để Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) xem xét phê duyệt nội dung chỉnh sửa. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều ý kiến băn khoăn.
Nhiều bộ sách, sửa sao hết?
GS Nguyễn Lân Dũng nhận định không chỉ SGK Tiếng Việt lớp 1 tập 1 của bộ sách Cánh Diều mà cả tập 2 của sách này cũng có nhiều "sạn". PGS Nguyễn Hữu Đạt - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Việt ngữ học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) - cho rằng những sai sót trong sách không thể coi là "sạn" mà là những lỗi sai cơ bản cả về phương pháp biên soạn, ngữ liệu, tri thức về ngôn ngữ học, về mục đích dạy tiếng Việt, ngữ liệu của các bài đọc cũng ngô nghê, phương pháp học âm vần gán ghép các từ ngữ rất tùy tiện…
Chính vì thế, ông cho rằng nếu muốn dùng SGK Tiếng Việt 1 - bộ Cánh Diều thì phải biên soạn lại chứ không thể sửa chữa theo kiểu chắp vá. Ngoài ra, vì cơ sở khoa học để biên soạn sách này không xuất phát từ chuẩn mực khoa học, không đạt yêu cầu nên bây giờ có đưa ngữ liệu nào vào xử lý cũng không hoàn thiện.
GS Nguyễn Lân Dũng cũng cho rằng học sinh lớp 1 không thể học Lev Tolstoy hay ngụ ngôn La Fontaine như ở bộ Cánh Diều. Ông đồng tình với quan điểm chỉnh sửa theo cách mà Bộ GD-ĐT đưa ra là chưa phù hợp bởi nếu chỉnh sửa, hiệu đính rồi in tài liệu chỉnh sửa đính kèm thì cũng sẽ là tài liệu rất dài, gây thêm khó khăn cho giáo viên, học sinh. GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng Hội đồng thẩm định SGK đã mắc lỗi lớn vì đã thông qua sách này. Người viết sách có thể do trình độ hoặc quan điểm riêng viết SGK theo cách của họ nhưng hội đồng thẩm định chính là người "gác cửa" cho qua hay không, trách nhiệm của hội đồng rất lớn.
Hiệu trưởng một trường tiểu học chia sẻ bà đã nghiên cứu tất cả các bộ sách và nhận thấy không chỉ sách Tiếng Việt 1 - bộ Cánh Diều có sạn mà những sách khác cũng nhiều lỗi ngô nghê, dùng từ tùy tiện và nặng với học sinh lớp 1. "Nhiều ý kiến tập trung vào sách Cánh Diều, trong khi nhiều SGK khác cũng mắc những lỗi tương tự, vậy thì cần sửa kiểu gì?" - nữ hiệu trưởng đặt câu hỏi. Bà cũng cho rằng SGK lớp 1 hiện tại thể hiện quan điểm, ý chí của người lớn nhiều hơn và thật sự quá sức tiếp thu của một đứa trẻ.
Mở rộng thực nghiệm, lấy ý kiến giáo viên
Theo Bộ GD-ĐT, hiện công tác thẩm định SGK lớp 2 và lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới đã được thực hiện xong vòng 1. Các tác giả cũng đã chỉnh sửa và hội đồng đã bắt đầu thu sách để chuẩn bị triển khai thẩm định vòng 2. Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, cho hay đối với SGK lớp 2, lớp 6, Bộ GD-ĐT yêu cầu các thành viên Hội đồng thẩm định tập trung vào việc trao đổi và tăng cường thảo luận, thậm chí có thể tranh luận giữa các tác giả với Hội đồng thẩm định.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nói thêm: Bộ GD-ĐT đang lên phương án mở rộng nhóm những người góp ý bản mẫu SGK. Ngoài ra, bộ cũng tính đến việc đăng lên mạng bản thảo SGK để xin ý kiến góp ý đa chiều từ giáo viên, cán bộ quản lý, nhà khoa học và người dân. Trên cơ sở phản hồi nhận được, bộ sẽ nghiên cứu và đề ra giải pháp phù hợp. Dự kiến, việc trưng cầu ý kiến được thực hiện trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT tương tự quy trình lấy ý kiến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Xuân Nhĩ cho hay ông đồng tình với việc mở rộng lấy ý kiến đông đảo của giáo viên, nhất là những giáo viên đang giảng dạy để có những ý kiến có giá trị đối với SGK lớp 2, lớp 6. Ông cũng cho rằng để tránh việc giáo viên ngại nói ra những điều họ suy nghĩ, đặc biệt là những ý kiến mang tính phản biện thì cần có công văn yêu cầu các thầy cô giáo góp ý thẳng thắn về nội dung của các bộ sách. Ngoài ra, PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng cần triển khai dạy thực nghiệm rộng rãi trong khoảng 6 - 8 tháng để có đánh giá cụ thể từ phía các cơ sở giáo dục, học sinh và giáo viên.
PGS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, khẳng định quan điểm rằng giáo viên là người trực tiếp giảng dạy, có kiến thức về lĩnh vực chuyên môn, am tường tâm lý học, giáo dục học, do vậy việc góp ý sẽ sát với thực tế.