Sách giáo khoa lớp 1: Cần sớm có khảo sát, đánh giá
Sau hướng dẫn tăng cường thực hiện chương trình giáo dục mới ở lớp 1 được Bộ GDĐT ban hành cuối tuần trước, nhiều ý kiến mong muốn Bộ trực tiếp có những kiểm tra, khảo sát, đánh giá về việc dạy học lớp 1 ở các nhà trường hiện nay. Không thể chờ đến hết một năm rồi mới đánh giá, điều chỉnh thì có thể đã muộn.
“Chưa học bò đã lo học chạy”
Đây là nhận xét của nhiều người khi tìm hiểu sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 1 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Với lý giải của đại diện Bộ GDĐT là Tiếng Việt lớp 1 tăng từ 350 tiết của chương trình hiện hành lên 420 tiết ở chương trình mới nghĩa là học sinh (HS) có nhiều thời gian để học môn này hơn. Vậy tại sao phải vừa học vừa chạy như vậy?
Theo phân tích của một giáo viên dạy sách Tiếng Việt 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, mỗi ngày HS học 4 âm, vần, trong khi trước đây chỉ có 2 âm, vần. Đến tuần 18, hết học kỳ 1 HS sẽ kết thúc học vần trong khi chương trình hiện hành kết thúc học vần ở tuần 23.
Để giúp các em dễ hiểu, phải bổ trợ thêm hình ảnh là cách làm của nhiều giáo viên hiện nay nhưng nhìn chung việc tăng nội dung học trong một ngày thay vì dàn trải đều sang nhiều ngày nên chương trình của sách mới được đánh giá nặng hơn chương trình của SGK cũ.
Tương tự, các phụ huynh cũng than khi HS còn đang phải tập đánh vần, đọc còn chưa nhanh, chưa đúng nhưng SGK đã có những nội dung yêu cầu HS đọc hiểu để trả lời là quá nặng. Học được hơn 1 tháng nhưng cô giáo đã yêu cầu tập chép cả câu phức thì quá khó với khả năng của HS lớp 1.
Mặc dù được yêu cầu vừa dạy vừa điều chỉnh song chương trình mới, SGK mới với yêu cầu “phát triển năng lực HS” cũng mới, nhiều giáo viên thừa nhận khó để cân đối trong việc dạy. “Nếu không giao bài tập về nhà, với ngần ấy âm vần cần nhớ, chỉ thời lượng trên lớp không đủ để trẻ thuộc và nhớ.
Chưa kể, với yêu cầu tập viết, trẻ nào hoặc tiếp thu tốt, học trước rồi mới có thể hoàn thành trên lớp còn lại hầu hết phải mang về nhà viết tiếp nên chủ trương không giao bài tập về nhà khó thực hiện được”, một cô giáo ở quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ.
Ở bộ môn Toán, ngay từ những tuần đầu, trẻ phải làm quen với phép cộng ba con số cũng là một trong những lo lắng của các bậc phụ huynh đối với chương trình SGK mới. Bởi chỉ với phép cộng, trừ hai con số với nhau, không phải HS nào cũng đã thành thạo.
Tôn trọng năng lực mỗi học sinh
Năm 2013, Bộ GDĐT ban hành chỉ thị số 2325/CT-BGDĐT, cấm việc dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ. Tuy nhiên, với chương trình SGK mới hiện nay, nhiều gia đình lại tiếc nuối, “biết vậy cho con đi học trước”. Bởi nếu không, thời gian ít ỏi buổi tối về nhà, con trẻ không thể hoàn thành kịp bài vở.
Về phía giáo viên, việc dạy học theo hướng tôn trọng năng lực mỗi học trò là điều đã được nhắc đến nhiều nhưng thực tế triển khai chưa được bao nhiêu. Giao cùng một bài tập trong cùng một thời gian như nhau là cách làm của nhiều giáo viên trong khi mỗi HS có xuất phát điểm khác nhau, nhận thức khác nhau.
Vì vậy, cần thay đổi cách dạy đồng phục với tất cả mọi HS và phải áp dụng các hình thức dạy học khác nhau sao cho phù hợp với từng nhóm đối tượng.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng hiện nay sĩ số các lớp đông, với các trình độ khác nhau, giáo viên có thể chia nhóm để dạy, vừa đỡ áp lực cho trò, vừa đỡ căng thẳng cho thầy.
Thông tư 27 (Đánh giá HS Tiểu học) mới ban hành và có hiệu lực từ 20/10/2020 cũng nhấn mạnh đó là đánh giá sự tiến bộ của HS, vì sự tiến bộ của HS nên tùy từng đối tượng có phương pháp dạy học khác nhau, quan trọng là kích thích trí tò mò của trẻ, không làm cho trẻ sợ học.
Cần dạy cho học trò cách tư duy, phương pháp học. Không nên bắt ép con trẻ học theo kiểu nhồi nhét kiến thức là điều GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh trong việc dạy học hiện nay.
Bên cạnh sự nỗ lực thay đổi từ phía giáo viên cũng như sự đồng hành tích cực cùng gia đình, để chương trình, SGK mới thành công từ bước khởi đầu thì không thể thiếu sự chỉ đạo, định hướng từ Bộ GDĐT.
Trong đó, những trăn trở, ghi nhận từ thực tế triển khai việc dạy học lớp 1 đang có những bất cập cần Bộ GDĐT vào cuộc để lắng nghe và sớm có điều chỉnh.