Sách hay: 'Hài nhiều chút cho đời vui hơn'
Cuốn sách 'Hài nhiều chút cho đời vui hơn' thông qua khoa học hành vi, bóc tách các lợi ích của óc hài hước trong cuộc sống và công việc.
Hài nhiều chút cho đời vui hơn cho rằng sự hài hước là "vũ khí bí mật trong đời", làm sâu sắc thêm các mối quan hệ, khiến mọi người làm việc vui vẻ và hiệu quả hơn. Niềm vui là việc hào phóng hơn với tiếng cười và tìm thấy những khoảnh khắc thú vị trong ngày. Khi không quá nghiêm túc, chúng ta dễ cười. Đó là lúc niềm vui bung nở.
Các tác giả cuốn sách thực hiện nhiều nghiên cứu để phân tích những khác biệt về chủ đề mọi người thường đùa cợt, cách họ thể hiện sự hài hước một cách tự nhiên nhất. Từ đó, họ chỉ ra 4 phong cách hài hước chính, gồm:
Người dạn dĩ: Nhóm này tin rằng có rất ít chủ đề nằm ngoài giới hạn đùa cợt của họ. Họ không ngại chửi rủa, ngẫu hứng chế nhạo người khác. Họ có thể “mặt dày” đón nhận chỉ trích như cách họ chỉ trích người khác. Trên thực tế, họ thường xem việc trở thành mục tiêu bị đùa cợt là dấu hiệu thể hiện tình cảm.
Người ngọt ngào: Nhóm rất nghiêm chỉnh và trung thực, thường tránh gây chú ý. Họ thích chuyện hài của mình có tính khiêm nhường và được lên kế hoạch. Họ thích câu đùa tinh tế được đan trong bài phát biểu hoặc bài thuyết trình hơn câu đùa ngẫu hứng. Vì nhạy cảm và vui vẻ, nhóm người thuộc phong cách này thường tránh xa những trò trêu chọc có nguy cơ làm tổn thương người khác, đồng thời không muốn trở thành “vật hy sinh” để người khác đùa cợt. Thay vào đó, họ sử dụng hài hước như công cụ để cổ vũ tinh thần những người xung quanh, gắn kết mọi người.
Người nam châm: Họ luôn vui tươi, từ đó nâng cao tâm trạng của mọi người. Họ giữ mọi thứ tích cực, tránh gây tranh cãi hay đùa “vô duyên”. Họ có xu hướng đùa rất nhiệt tình, đôi khi đến mức ngớ ngẩn, luôn sẵn sàng “nhập vai” nếu cần. Nhóm người thuộc phong cách này thường tự bật cười khi kể một chuyện đùa ngốc nghếch. Họ cũng sẽ "hào phóng trao tặng những tràng cười" khi nghe câu đùa của người khác.
Người khó đoán: Họ khác thường hay mỉa mai và đa sắc thái, không ngại vượt quá giới hạn để tạo tiếng cười. Họ miêu tả khiếu hài hước của mình là kiểu hài “mưa dầm thấm lâu”, không được tán đồng bởi số đông. Họ thích quan sát trước khi hành động, âm thầm nhào nặn câu đùa của mình. Quyển sách cho rằng sẽ rất khó để làm nhóm người thuộc phong cách này bật cười.
Hài nhiều chút cho đời vui hơn chỉ ra vì sao khiếu hài hước có "quyền năng" nhưng chưa được sử dụng chưa đúng cách, từ đó hướng dẫn để áp dụng điều này vào cuộc sống, công việc. Thậm chí, nhóm tác giả sách đã mở một khóa học có tên Hài hước: Chuyện nghiêm túc (Humor: Serious business) tại Trường Kinh doanh Sau Đại học thuộc Đại học Stanford.
Chương 1 sẽ bóc tách 4 lầm tưởng phổ biến nhất về hài hước tại nơi làm việc, từ đó phân tích mối quan hệ giữa "bông lơn", "hóm hỉnh" và "hài kịch". Chương 2 đào sâu vào lĩnh vực khoa học để tìm hiểu cách bộ não được lập trình để phản ứng với hài hước, tiếng cười. Qua các nghiên cứu hành vi, họ chứng minh sự hài hước liên quan mật thiết tới địa vị xã hội, khai phá sức sáng tạo, thúc đẩy sự bền bỉ.
Chương 3 giúp tìm hiểu điều gì khiến một thứ trở nên buồn cười, cách tạo ra "những mảng miếng hài” bằng kỹ thuật của các diễn viên hài chuyên nghiệp. Chương 4 chia sẻ bộ chiến lược đơn giản giúp vận dụng khiếu hài hước trong môi trường công việc hàng ngày. Chương cuối cùng giúp tìm hiểu lý do óc hài hước trở thành chiến lược lãnh đạo hiệu quả.