'Sách kỹ năng giống như trà sữa, uống nhiều quá sẽ có hại'
'Sách kỹ năng giống như trà sữa, uống nhiều quá sẽ có hại. Thể loại này nên đọc ở độ tuổi dưới 20. Còn sau 20, cần đọc thêm nhiều sách nền tảng', TS. Mai Anh Tuấn nhận định.
Sách kỹ năng được quảng bá rầm rộ
Gần đây, đọc sách kỹ năng trở thành một trào lưu mới trong giới trẻ. Khi được hỏi về các cuốn sách thích đọc và thường hay đọc, đa phần đều nhắc tới sách kỹ năng, phát triển bản thân.
Các phố sách, nhà sách, gian hàng trực tuyến đều sẵn có thể loại này, từ những cuốn về kỹ năng tự học, kỹ năng thuyết trình... tới sách về kỹ năng giao tiếp, quản lý thời gian... Giá bán lại không quá cao so với khả năng kinh tế của giới học sinh, sinh viên.
Trao đổi với VietNamNet, Bùi Phương Thảo, sinh viên lớp 19K1, khoa Kiến trúc, ĐH Kiến trúc Hà Nội cho biết: "Cá nhân em học được nhiều thứ từ sách kỹ năng, sách phát triển bản thân (selfhelp). Dòng sách này đưa ra giải pháp cho con người một cách trực tiếp, ví dụ, muốn học về kinh doanh, quản lý hay bất cứ điều gì, chỉ cần mua 1 cuốn sách về vấn đề đó từ nhà xuất bản/tác giả uy tín là có thể tiếp cận các phương pháp. Làm như vậy tốn rất ít chi phí so với mua hẳn một khóa học kỹ năng trực tiếp".
Theo nữ sinh viên Kiến trúc, sách selfhelp, sách kỹ năng trở nên vô dụng khi độc giả chỉ đọc mà không thực hành, thuộc lý thuyết mà không áp dụng rồi lại rơi vào trạng thái 'nỗ lực ảo'.
Ở một góc nhìn khác, TS. Mai Anh Tuấn (chuyên ngành Văn, Báo chí) băn khoăn khi đi hội sách nào cũng thấy quảng bá rầm rộ sách kỹ năng.
“Tôi cho rằng sách kỹ năng, thể loại phát triển mạnh ở Việt Nam những năm gần đây, nên đọc ở tuổi 20 trở về trước. Có thể hình dung nó giống như trà sữa, uống nhiều quá sẽ có tác hại. Còn sau tuổi 20 nên đọc sách nền tảng, khó hơn, đòi hỏi sự nghĩ ngợi nhiều hơn”, TS. Anh Tuấn nói. “Giờ dòng sách kỹ năng có vẻ giảm sức nóng và độ phủ, cộng đồng đã quan tâm hơn tới sách tri thức nền tảng. Các thầy cô nên thúc đẩy sinh viên tiếp cận thể loại này”.
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Lâm, Khoa Xuất bản - Phát hành, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng việc sinh viên đọc quá nhiều sách kỹ năng, không chịu đọc sách nền tảng là vấn đề đáng lo ngại.
“Mọi cuốn sách đều có những giá trị riêng. Nhưng hãy cân bằng tỷ lệ ở các thời điểm. Ngoài những cuốn yêu thích như sách văn chương, sách kỹ năng…, sinh viên hãy để tâm hơn đến dòng sách nền tảng vì giúp các bạn rất nhiều trong việc tạo dựng trí tuệ, tâm hồn. Đọc sách nền tảng, các bạn sẽ tự tin hơn khi giao tiếp với mọi người trong xã hội, đặc biệt là với tầng lớp trí thức - môi trường tạo dựng thế mạnh trong công việc và phát triển bản thân”, cô giáo Ngọc Lâm nhận định.
Cách nào để dễ tiếp cận sách nền tảng?
Nhắc tới chuyện đọc sách tri thức nền tảng, không ít người cho rằng nghe có vẻ phù phiếm khi sinh viên năm thứ nhất phải tìm hiểu về khế ước xã hội, tự do, pháp luật…
Nhiều bạn trẻ ngại đọc sách nền tảng vì khó tiếp thu, lại không có ở danh mục tài liệu tham khảo hay bắt buộc phải đọc, trong khi áp lực học hành, thi cử khá lớn.
Để giúp sinh viên “vượt lên chính mình”, cô giáo Đặng Hà Chi, Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ bí kíp: “Sách khoa học cơ bản là một thị trường hay dành cho cả những người mới đọc sách và người thường xuyên đọc với mong muốn tìm hiểu sâu rộng, hệ thống chỉnh thể. Tôi thường gợi ý sinh viên tìm đến những cuốn sách mang tính chất như cẩm nang. Đừng ngại sách khó, cứ thích cuốn gì thì đọc trước, đọc để phục vụ cho các môn học của mình, sau đó dần tìm đến những thể loại khác”.
TS. Mai Anh Tuấn lưu ý, sinh viên có 2 cách tiếp cận tri thức qua sách nền tảng, một là đọc nguyên tác, hai là đọc lại từ một người khác. Có quyển được viết theo cách dân dã, bình dân, song lại có những cuốn theo phong cách hàn lâm. Cần tìm tác phẩm phù hợp với khả năng tiếp cận của mình.
Chẳng hạn, cuốn Lịch sử Triết học Phương Đông viết cho thanh thiếu niên của tác giả Kang Sung - Ryul có giọng văn vui vẻ, hài hước sẽ khiến những vấn đề triết học khô khan không còn làm đau đầu độc giả trẻ.
Tuy nhiên, thị trường sách Việt Nam vẫn đang thiếu đội ngũ tác giả viết sách nền tảng dưới dạng cẩm nang.
Hơn 7 năm gắn bó với mảng sách nền tảng, bà Trần Hoài Phương - Giám đốc Công ty Cổ phần Sách Omega Việt Nam cho biết, với những mảng về khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, sách kinh điển, triết học, lịch sử… hiện vẫn còn rất nhiều cuốn chưa được xuất bản. Dù rằng quy mô không thể so sánh với nhiều thể loại 'hot' khác, song Omega cùng các công ty theo đuổi dòng sách nền tảng vẫn kiên định với hướng đi của mình.
“Chúng tôi nhìn thấy xu thế tất yếu của việc các bạn trẻ chắc chắn phải đọc những tri thức cơ bản, nền tảng. Đây là một chiến lược, định hướng lâu dài, có thể bắt đầu hơi khó khăn nhưng sẽ được cải thiện”, bà Hoài Phương khẳng định.