Sách làm bằng phô mai và những tác phẩm kỳ lạ trên thế giới
Cuốn sách '20 Slices of American Cheese' được làm từ 20 lát phô mai, có giá 200 USD.
Tuổi thơ của Edward Brooke-Hitching gắn liền cửa tiệm sách quý, hiếm mà cha ông sở hữu. Lớn lên, Edward Brooke-Hitching dày công tìm hiểu và cho ra đời một số nghiên cứu lịch sử, địa lý như The Phantom Atlas, The Golden Atlas và The Sky Atlas.
Tác giả người Anh thích những cuốn sách cổ, “giải mã từng ngõ ngách của lịch sử”. Mười năm trước, Edward bắt tay xây dựng dự án mang tên “thư viện tối thượng”. Mục đích của dự án là thu thập các cuốn sách kỳ lạ đến mức kỳ quặc trên thế giới.
“Bỏ qua ý nghĩa học thuật của cuốn sách, những tác phẩm kỳ lạ này sẽ là cỗ máy thời gian đưa bạn về thế giới cổ xưa mới mẻ”, Guardian dẫn lời nhà nghiên cứu người Anh.
Trong quá trình tìm kiếm, Edward được nghe nhiều giai thoại đặc biệt. Chẳng hạn câu chuyện về cuốn Kinh Qur’an dài 605 trang được viết bằng máu của Saddam Hussein.
Hay một cuốn nhật ký khác - Fate of the Blenden Hall - được viết vào thế kỷ XIX. Theo Guardian, thuyền trưởng của con tàu bị đắm chỉ có tờ báo cũ và xác những con chim cánh cụt xung quanh. Vì thế, người đàn ông này viết Fate of the Blenden Hall bằng máu của chim cánh cụt.
Dưới đây là những cuốn sách kỳ lạ mà Edward Brooke-Hitching đánh giá là nổi bật trong quá trình thực hiện dự án của mình.
20 Slices of American Cheese - Ben Denzer (2018)
Đúng như tên gọi, “cuốn sách” 20 Slices of American Cheese được tạo ra từ 20 lát phô mai Kraft của Mỹ, bọc nylon bên ngoài (một gói gồm 24 lát phô mai Krart có giá 3,5 USD).
20 Slices of American Cheese được giao bán với giá 200 USD. Nhà xuất bản Ben Denzer tại New York, Mỹ, phát hành 10 bản sao của “cuốn sách” kỳ lạ này.
Ngay khi ra mắt, 20 Slices of American Cheese đã trở thành chủ đề bàn tán của nhiều người trong ngành xuất bản. Bởi ngoài việc được tập hợp từ 20 lát phô mai, “cuốn sách” không có bất kỳ nội dung hay từ ngữ gì khác. Một số người cho rằng cách làm táo bạo này là ý tưởng “xúc phạm với sách”.
Dù vậy, không thể phủ nhận sự thu hút của nó tới nhiều người. Atlasobscura dẫn lời một độc giả đánh giá tác phẩm là “quan sát sắc sảo”.
Thư viện Đại học Michigan là nơi đang lưu trữ một trong các ấn bản của 20 Slices of American Cheese. Theo lời của Emily Ann Buckler, đại diện thư viện, các bản sao đều có tình trạng tốt sau 2 năm xuất bản. Tuy nhiên, bà cũng không biết liệu nó có thể tồn tại trong bao lâu.
Book 17th of Notes - Travels in 181 - Constantine Samuel Rafinesque (1818)
Năm 1818, nhà sử học người Pháp Rafinesque đã đến Kentucky, Mỹ, thăm John James Audubon - nhà điểu học, tác giả cuốn Những loài chim nước Mỹ.
Rafinesque trở thành vị khách cáu kỉnh, đến nỗi Audubon vẽ ra các con vật kỳ lạ để chọc bạn cười. Những con thú với hình dáng lạ lùng đã được nhà sử học người Pháp ghi lại và phác thảo trong tác phẩm du ký Book 17th of Notes - Travels in 181 của mình.
Trong sách, một số loài cá do John James Audubon tự tưởng tượng ra như cá vây đôi Flatnose, cá tầm Bigmouth, cá chép trâu, cá kim cương Devil-Jack.
The Triangular Book of St. Germain (khoảng năm 1750)
Đúng như tên gọi, The Triangular Book of St. Germain mang hình tam giác đều và được xem là công trình huyền bí, ẩn chứa nhiều mật mã. Cuốn sách có kích thước mỗi cạnh khoảng 23,7 cm. Bên ngoài, nó được bọc da và mạ vàng ở mặt trước.
Bá tước St. Germain là người lập dị, vốn yêu thích thám hiểm và truy tìm kho báu. Thế kỷ 18, người này gây chấn động xã hội thượng lưu khi tuyên bố tìm ra cách “cải lão hoàn đồng”, “trường sinh bất lão”.
Hình tam giác trong truyền thuyết phương Tây cổ thường liên quan thế lực tâm linh nào đó. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc sử dụng hình dạng tam giác cho cuốn sách là một ngụ ý hướng tới điều này của St. Germain.
Bản thảo mở đầu bằng dòng chữ Latin ngắn với ngụ ý đây là món quà do Bá tước St. Germain gửi tặng, kèm theo là hình minh họa một con rồng có cánh.
Cuốn sách không có tiêu đề mà gồm các bản khắc sơ đồ dưới dạng mật mã. Sau khi giải ra nội dung của tác phẩm, các nhà nghiên cứu phát hiện The Triangular Book of St. Germain mô tả nghi lễ trường thọ.
Poissons, ecrevisses et crabs - Louis Renard (1719)
Ở thế kỷ 18, người châu Âu có rất ít dữ kiện, thông tin về động vật hoang dã của Indonesia. Renard - chủ hiệu sách người Hà Lan - cũng vậy. Nhưng điều đó không thể ngăn ông ra đời bộ sưu tập sách về chủ đề này.
Renard đã dành 30 năm để vẽ từng trang trong cuốn sách Poissons, ecrevisses et crabs. Nó gồm hai tập, dày tổng cộng 100 trang với 460 hình minh họa về sinh vật biển.
Tuy nhiên, ở tập thứ hai, cuốn sách rơi vào tình trạng không xác minh được thông tin khoa học với các huyền thoại. Điều này dẫn đến việc nhiều loài cá mang đặc điểm của chim, thậm chí con người.