Sách lậu, sách giả - Cuộc chiến chưa có hồi kết
Công nghệ sản xuất sách lậu, sách giả ngày càng tinh vi, địa bàn vi phạm cũng ngày càng mở rộng; tự ý sao chép và lưu hành ebook, các kênh bán hàng trực tuyến như sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, trang web... cũng bán sách với hình thức bề ngoài giống sách thật đến 95% nhưng giá chỉ bằng 2/3 hoặc 1/2 so với sách thật… Đây mới chỉ là số ít trong những gian nan mà ngành xuất bản đang phải đối mặt.
Biến hóa khôn lường
Mới đây, Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ TT-TT) đã tổ chức hội nghị nhận diện các hành vi vi phạm, làm giả xuất bản phẩm, gian lận thương mại và bàn các giải pháp phòng, chống. Rất nhiều nhà xuất bản (NXB) đã đến và “kêu trời” vì… khổ quá.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành liệt kê một loạt những vụ vi phạm pháp luật liên quan đến in, phát hành xuất bản phẩm được cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ và xử lý trong năm 2021 và 2022. Trong đó, đáng chú ý là CAH Thạch Thất và Quốc Oai (Hà Nội) đã đồng loạt kiểm tra 8 kho xưởng liên quan đến việc in ấn, kinh doanh sách giả, thu giữ hơn 100 tấn sách (hơn 400 đầu sách với gần 400.000 cuốn), 2 máy in 4 màu và 1 màu, 37 máy photocopy, 6 máy cắt, 10 máy bìa, 1 máy ra kẽm, 2 hệ thống cắt gập, 200 bản kẽm. Các đối tượng liên quan đã bị khởi tố…
Năm 2022, toàn ngành xuất bản đã thực hiện 1.632 cuộc thanh kiểm tra (tăng 126% so với năm 2021), thu hồi, tiêu hủy trên 128.476 ấn phẩm; xử lý 7,27 tấn bán thành phẩm không rõ nguồn gốc, xử phạt trên 1 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, để nhận diện các hành vi in lậu, làm giả xuất bản phẩm, gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm, có một số vấn đề cần đặt ra như nhận diện từ công tác quản lý cho đến sản phẩm vi phạm và phương thức thực hiện.
Sách lậu bây giờ không chỉ đơn thuần là bản in giấy mà còn phát hành trực tiếp trên không gian mạng, sàn thương mại điện tử, sử dụng các mạng xã hội để quảng cáo sách. Về địa bàn cũng có sự mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố cả trong nước và ngoài nước.
Về đối tượng vi phạm cũng rất đa dạng, từ cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ đến các doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài…; từ những đối tượng không hiểu biết về pháp luật đến những đối tượng am hiểu chuyên môn, pháp luật.
Trong khi đó, quy mô vi phạm ngày càng lớn, tính chất ngày càng phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều địa bàn, một vụ việc bị phát hiện có nhiều hành vi vi phạm và nhiều đối tượng tham gia.
Những loại sách thường bị in lậu gồm: Sách giáo khoa, tham khảo, giáo trình; sách dạy và học ngoại ngữ; sách văn học; sách phổ biến kiến thức, sách chính trị, pháp luật; thậm chí cả sách “đen”. Sách “đen” là loại sách đặc biệt nguy hại, còn được gọi là sách độc hại hay sách “ngoài luồng”. Mặc dù không được phép xuất bản nhưng những loại sách này vẫn xuất hiện trên thị trường nên cũng thuộc loại sách in lậu.
Một số sàn thương mại điện tử lách luật bằng cách kết hợp phát hành xuất bản phẩm không vi phạm với xuất bản phẩm in lậu, làm giả; quảng cáo giảm giá, đại hạ giá; sử dụng các trang mạng xã hội để quảng cáo, bán sách lậu, sách giả; lợi dụng công nghệ photocopy, công nghệ số để sao chép, chuyển đổi định dạng để làm lậu, làm giả xuất bản phẩm phát hành tại các điểm bán lẻ, trung tâm đào tạo, trên mạng, trên website thương mại điện tử.
Trước đây, việc in ấn sách lậu được xem là vấn nạn của ngành xuất bản, là thảm họa đối với các NXB mua bản quyền và kinh doanh chân chính, nhưng so với hiện tại, việc vi phạm bản quyền với sách in chưa thấm vào đâu so với sách điện tử vì tính chất đa phương tiện, tinh vi, dễ dàng của nó. Từ năm 2010 nổi lên nhiều trang mạng, diễn đàn, tự tổ chức thu thập và chia sẻ ebook miễn phí hoặc có thu phí với mức giá khá rẻ.
Đây là dạng phát tán file ebook trái phép, không được sự đồng ý của NXB hay tác giả nhưng vẫn phát triển mạnh do nhu cầu đọc ebook của người dùng ngày càng tăng. Đặc biệt giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đã giúp việc mua bán sách thông qua các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội càng có cơ hội phát triển. Bên cạnh yếu tố thuận tiện, nhanh chóng thì việc giao dịch online lại vô tình tạo đất sống cho sách giả, sách lậu, cũng như gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác quản lý.
Ngăn chặn khó khăn
Tiến sĩ Hoàng Mạnh Thắng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Thư ký biên tập (NXB Chính trị quốc gia - Sự thật) cho biết, năm 2022 Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực về tỷ lệ vi phạm bản quyền trên không gian số (chỉ sau Indonesia và Philippines). Nhưng tính theo đầu người thì Việt Nam lại đứng số 1 với khoảng 15,5 triệu người xem bất hợp pháp.
Đối với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, trong những năm qua đơn vị đã có nhiều đầu sách của bị in lậu như các loại sách giáo trình, tài liệu học tập nghị quyết của Đảng, các sách luật đơn hành, sách hệ thống hóa, pháp điển hóa văn bản pháp luật, đặc biệt là những cuốn sách hỏi/đáp, bình luận, nghiên cứu, tham khảo pháp luật…
Nhiều đầu sách của NXB bị in lậu bằng công nghệ cao như các loại sách luật, sách giáo trình, tài liệu học tập nghị quyết, tài liệu bồi dưỡng nhận thức về Đảng khiến người tiêu dùng khó có thể phân biệt thật, giả. Hiện nay, có thể dễ dàng tìm thấy những cuốn sách lậu được in sao trái phép và bán tràn lan trước cổng các trường đại học.
Trên thực tế, vấn nạn sách giả, sách lậu đã tồn tại từ rất nhiều năm. Người mua và bán chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế mà không biết rằng mình đang vi phạm pháp luật vì xâm hại quyền sở hữu trí tuệ.
Tại các hiệu sách và các cửa hàng photocopy ở cổng các trường đại học đều có bán giáo trình các môn học như: Nhà nước và pháp luật, Kinh tế chính trị, Triết học Mác-Lênin…, các sách luật đơn hành, bình luận khoa học, tài liệu hỏi/đáp, tài liệu nghiên cứu... do NXB ấn hành đã được photocopy, đóng bìa mỏng rồi đem ra bày bán công khai.
Các hành vi in ấn, phát hành sách giả, sách lậu này đã ảnh hưởng lớn tới uy tín, thương hiệu cũng như lợi ích kinh tế của NXB. Chính vì vậy, NXB đã nỗ lực tìm giải pháp xử lý. Mỗi khi phát hiện sách giả, sách lậu, NXB chỉ có thể báo với cơ quan chức năng, nhưng mọi việc vẫn phụ thuộc nhiều vào các cơ quan quản lý Nhà nước. Mặt khác, từ phát hiện cho đến xử lý còn có độ trễ nên thực sự để giải quyết triệt để nạn sách lậu, sách giả còn rất nhiều khó khăn.
Cách nào khả thi?
Tiến sĩ Hoàng Mạnh Thắng cho rằng, hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý chỉ giải quyết được một phần của vấn đề. Điều cốt lõi chính là công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của bạn đọc để họ phân biệt được sách thật và sách giả, tác hại của sách lậu, sách giả và “nói không với sách lậu, sách giả”. Đó mới chính là cái gốc cần giải quyết triệt để nhằm bảo đảm trật tự trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành.
Hiện có một số nơi như Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, các cơ sở đào tạo của công an, quân đội đã có quy định cụ thể đối với sinh viên là bắt buộc phải học, đọc và dẫn theo sách thật, sách do các NXB phát hành. Trường hợp sinh viên sử dụng sách giả, sách lậu sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của nhà trường. Cách làm này đã đã góp phần vào việc truyền thông và tuân thủ pháp luật về xuất bản, bản quyền một cách thiết thực nhất.
Theo đại diện NXB Trẻ, hoạt động in lậu, làm sách giả, vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành đã diễn ra trong thời gian dài, với quy mô lớn và tính chất phức tạp. Trong một vụ việc đang được CATP Hà Nội điều tra, chỉ riêng NXB Trẻ đã có 26 tựa sách nổi tiếng bị in lậu, làm giả.
Xuất phát từ thực tiễn phòng chống in lậu, làm sách giả, gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, đại diện NXB Trẻ nêu quan điểm, cần xem xét thành lập cơ quan chuyên trách về lĩnh vực này và có sự phối hợp chặt chẽ với công an, tòa án, quản lý thị trường… để phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Cùng với đó là nghiên cứu, sửa đổi pháp luật liên quan theo hướng chế tài đủ mạnh, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành…
Bản thân các NXB cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông sản phẩm chính hãng, sách thật, xuất bản phẩm chính thức có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt đến bạn đọc. Đồng thời phát hiện, lên án và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, in lậu, làm sách giả, gian lận thương mại; thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm giúp bạn đọc nhận diện sách giả, tìm mua sách thật.
Kiến nghị về vấn đề này, đại diện Thái Hà Books cho rằng, các đơn vị xuất bản sách cần đưa ra bộ nhân diện thương hiệu (tem chống hàng giả, thiết kế logo, tem QR code…), tăng cường truyền thông và quảng bá hình ảnh sách của mình.
Đối với cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc in ấn và phát hành sách giả, sách lậu, thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị in lậu. Bên cạnh đó, đề xuất Bộ TT-TT chặn IP của các đơn vị, các trang bán sách giả. Các cơ quan chủ quản cần kiểm soát các hình thức bán hàng, flash sale, chiến dịch bán hàng với chiết khấu cao để ổn định thị trường chung.
Còn đại diện Alpha Books cho rằng, ngoài sự hỗ trợ về pháp luật của cơ quan chức năng, nhân tố quyết định sự thành bại trong “cuộc chiến” chống in ấn và phát hành sách giả, sách lậu, chính là độc giả - những người bỏ tiền mua sách. Chỉ khi người đọc có đủ khả năng nhận biết sách thật, sách lậu, ý thức được việc mua sách thật là tôn trọng pháp luật và bảo vệ lợi ích chính đáng của mình thì nạn sách giả, sách lậu mới không còn.
Ông Nguyễn Văn Phước, CEO First News - Trí Việt: Sản xuất sách giả đã đạt tới trình độ gần như sách thật
Không chỉ được bày bán công khai trên các sàn thương mại điện tử, sách giả còn xuất hiện tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok với số lượng không thể thống kê được. Các chuyên gia nhận định, so với trước đây, thủ đoạn in sách giả đã tinh vi hơn rất nhiều. Bên cạnh việc thuê kho tại những địa điểm có nhiều lối ra vào, hàng hóa thường được vận chuyển, đóng gói vào ban đêm để tránh bị phát hiện, các đối tượng còn tận dụng công nghệ để hỗ trợ tối đa việc bán hàng, livestream, quảng cáo trên mạng xã hội.
Trung bình, mỗi cơ sở như vậy bán được khoảng 300 - 400 đơn hàng/ngày (với số lượng từ 300 - 600 cuốn sách, tổng giá trị tiền hàng từ 50 - 70 triệu đồng), cao hơn rất nhiều so với các cơ sở in ấn, phát hành có giấy phép. Điều này đã gây ra không ít thiệt hại cho những đơn vị làm sách và kinh doanh chân chính. Bởi những cơ sở in sách giả, sách lậu không phải đầu tư thời gian, tiền bạc để xây dựng đề tài, bản thảo, trả tiền bản quyền, nộp thuế. Chưa kể, chất lượng mực, giấy in, chất lượng hoàn thiện xuất bản phẩm lại thấp nên các xuất bản phẩm giả, lậu, có giá thành rất thấp để thu hút người mua.
Mặc dù First News - Trí Việt đã cố gắng trong “cuộc chiến” với nạn sách giả, sách lậu trong nhiều năm qua, nhưng tình trạng này ngày càng phổ biến với quy mô lớn và tính chất ngày càng phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người tiêu dùng và các nhà xuất bản, đơn vị làm sách. Có thể nói, sản xuất sách giả hiện nay đã đạt tới trình độ gần như sách thật và chỉ những người làm trong ngành in ấn, xuất bản lâu năm mới phát hiện ra…
Cách nhận diện sách thật, sách giả
Đại diện Thái Hà Books chỉ ra một số dấu hiệu nhận biết sách giả, sách thật.
Về hình thức: Bìa của sách thật thường có tiêu đề được in chìm, in nổi hoặc đổ bóng thì tiêu đề sách lậu không được in bằng kỹ thuật khác biệt nào cả. Hơn nữa, bìa sách giả thường không được phủ lớp nilon bóng, có thể bị lem màu ở một số vị trí và dễ bị bạc màu. Ngoài ra, sách giả thường có tình trạng bị dính trang và khi bung sách hết cỡ sẽ thấy rõ đường keo dán không chắc chắn. Lớp keo của sách giả sẽ có màu trắng chứ không phải màu ngà hoặc màu vàng như keo của sách thật. Bên cạnh đó, sách giả thường không được may mặt sau, rất dễ bị rách hoặc rời trang. Những thông tin về đơn vị xuất bản, đơn vị liên kết, tem sách, QR code không được in đầy đủ, thậm chí còn bị biến dạng.
Về giá sách: Sách giả để giá bìa cao hơn sách thật và áp dụng chiết khấu cao (thường cao hơn 50% giá bìa); bán kèm (hoặc tặng) sách cùng bộ trong chương trình bán hàng.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/sach-lau-sach-gia-cuoc-chien-chua-co-hoi-ket-post546662.antd