Sách lậu, sách giả: Trách nhiệm không chỉ thuộc về các nhà xuất bản
Cần có sự chung tay của nhiều bên với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giải quyết căn cơ, tận gốc vấn nạn in và tiêu thụ lậu các xuất bản phẩm trong đó có sách giáo khoa.
Hại đơn hại kép với sách giáo khoa giả
Tháng 6/2024, dư luận cả nước rúng động khi Công an TP. Đà Nẵng khám phá thành công chuyên án SGK-192, triệt xóa đường dây chuyên sản xuất, buôn bán sách giáo khoa (SGK) giả quy mô lớn tại thành phố Đà Nẵng do 2 đối tượng Lê Duy Quang (42 tuổi) và Nguyễn Văn Ánh (44 tuổi) cầm đầu.
Mở rộng điều tra, Ban Chuyên án bắt giữ tổng cộng 10 đối tượng có liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán SGK giả nói trên.
Kết quả điều tra xác định từ năm 2021 đến nay, các đối tượng đã sản xuất, tiêu thụ hơn 4 triệu cuốn sách giả trên địa bàn cả nước. Đây là một trong những chuyên án lớn và triệt để nhất từ trước đến nay mà lực lượng công an triệt phá thành công về sản xuất, buôn bán SGK giả.
Trên thực tế, đây không phải là vụ án SGK giả đầu tiên. Trước đó, nhiều vụ án tương tự đã xảy ra, nhưng quy mô phạm tội nhỏ hơn. Việc sách lậu, sách giả ngang nhiên hiện diện trên thị trường, đặc biệt là được rao bán qua mạng (các website thương mại điện tử, mạng xã hội...) không chỉ khiến các nhà xuất bản thất thu, cả phụ huynh và học sinh cũng không biết đâu mà lần.
Sách giả còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của giáo viên, tác giả, đơn vị xuất bản, đối tác liên kết, qua đó triệt tiêu sự sáng tạo và làm thất thu ngân sách nhà nước.
Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS. Nguyễn Văn Tùng – Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) – đơn vị bị in và tiêu thụ lậu đứng đầu ngành xuất bản về cả số lượng, địa bàn và mức độ thiệt hại, cho biết, sách giả làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của giáo viên, tác giả, đơn vị xuất bản, đối tác liên kết; triệt tiêu sự sáng tạo và làm thất thu ngân sách nhà nước; đặc biệt có nguy cơ và tác hại nghiêm trọng đến đối tượng sử dụng chủ yếu là học sinh; là hành vi vi phạm bản quyền nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, sách giả nếu có sai sót về màu sắc, ký hiệu, nét chữ, kiến thức, hay bị thiếu dữ liệu, không cập nhật thông tin sẽ dẫn đến sai lệch về nội dung, đặc biệt nguy hiểm nếu thiếu đường nét biên giới, vấn đề biển đảo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức và kiến thức tiếp nhận của học sinh.
Chưa kể, sách giả có chất lượng giấy in thấp, in bị mờ không đảm bảo quy cách tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất của học sinh, nhất là về thị lực. Trường hợp sử dụng sách giả, học sinh sẽ không thể truy cập và sử dụng online được các giá trị, tư liệu, tiện ích bổ sung, hỗ trợ cho học sinh…
Phân tích kỹ hơn về thiệt hại kinh tế của vấn nạn nay, PGS.TS. Nguyễn Văn Tùng cho biết, đối với các NXB nói chung và NXBGDVN nói riêng, sách giáo dục giả gây ảnh hưởng và thiệt hại trực tiếp về kinh tế, giảm sút về doanh thu, do các sách giả này thường được bán với chiết khấu cao do không phải trả các chi phí như bản quyền, dạy thực nghiệm, giới thiệu, tập huấn…
"Sách giả ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của NXBGDVN khi mà những sách giả có chất lượng in kém, có sai sót về nội dung, hình thức và giáo viên, học sinh không thể truy cập để sử dụng các học liệu số của NXBGDVN. Độc giả khi mua phải những sách giả này cũng sẽ mất lòng tin vào chất lượng sách nói chung", ông Tùng nói.
Mở rộng phân tích, Phó Tổng Biên tập NXBGDVN cho biết, đối với xã hội, sách giả gây rối loạn thị trường, gây khó khăn cho các NXB khi phải đối diện với việc cạnh tranh không công bằng. Chính quyền và các cơ quan chức năng phải tốn nhiều nguồn lực để xử lý vấn nạn này, từ việc kiểm tra, thu hồi sách lậu đến việc xử phạt các đối tượng vi phạm.
Cần nhiều "cánh tay" để đẩy lùi sách giả
Theo các chuyên gia, sách giả hiện nay được làm khá tinh vi khiến chỉ có những người trong nghề in và xuất bản lâu năm mới phát hiện. Bên cạnh đó, sự móc ngoặc của các đối tượng khiến SGK không chỉ được bán trôi nổi ở trên thị trường mà còn được bày bán công khai tại nhiều cửa hàng, nhà sách lớn nhỏ, lọt vào trong các cơ sở giáo dục, nhà trường, đánh lừa tâm lý của người sử dụng.
Để khắc phục tình trạng này, các NXB hiện nay đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn sách giả bán trên thị trường như duy trì yêu cầu chuẩn mực cao và tính chính xác đối với chất lượng nội dung và hình thức, mẫu mã sách.
Áp dụng công nghệ mới để ngăn ngừa sách giáo dục giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như tem chống giả đặc thù, tem công nghệ mới dán trên xuất bản phẩm để có quyền truy cập vào tài nguyên, dữ liệu online, ứng dụng nhận diện sách thật sách giả...
Bên cạnh biện pháp phòng vệ tự thân, để ngăn chặn hiệu quả vấn nạn này, nhất thiết cần phải có sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật, chính quyền địa phương... trong việc phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi in và phát hành sách giả.
Ngoài ra, cần tăng cường nhận biết của xã hội về sách giả và hướng dẫn phân biệt sách thật sách giả. Muốn vậy, công tác chống xuất bản phẩm lậu, sách giả cũng rất cần sự vào cuộc, hỗ trợ và đẩy mạnh truyền thông từ phía các cơ quan thông tấn, báo chí.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia cũng cho rằng các quy định pháp luật và chế tài xử lý hành vi in và phát hành sách lậu, sách giả cần được thiết kế theo hướng chặt chẽ, nghiêm minh hơn, cần xử lý hành vi này theo Điều 192 Bộ luật Hình sự về tội danh sản xuất và buôn bán hàng giả.
Bên cạnh đó, phải gắn chặt trách nhiệm của địa phương với việc quản lý, phát hiện và xử lý hành vi in, phát hành sách lậu, sách giả. Ở đâu có xưởng in sách lậu, sách giả thì cần xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Về mặt xã hội, theo PGS.TS. Nguyễn Văn Tùng, cần chú trọng nâng cao nhận thức của cộng đồng đặc biệt là giáo viên, phụ huynh và học sinh về tác hại của sách giả, sách lậu, làm thay đổi cơ bản và lâu dài hành vi tiêu dùng.
"Sách giả, sách lậu còn tồn tại là bởi nó vẫn len lỏi tìm được không gian trong thị trường. Như vậy, để ngăn chặn hiệu quả vấn nạn này, điều căn cơ là phải tìm cách xóa bỏ phần thị trường không chính đáng này bằng quản lý nhà nước, phòng vệ của doanh nghiệp và thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân. Không còn người mua, sách giả, sách lậu sẽ không còn đường sống", ông Tùng nêu ý kiến.
PGS.TS. Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh chống sách giả, sách lậu không chỉ là công việc riêng của các NXB, đó là trách nhiệm của nhiều bên để tạo lập một môi trường văn hóa lành mạnh. Do đó, công cuộc chống sách giả chỉ đạt được những kết quả tích cực nếu có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lí nhà nước, của các nhà xuất bản và sự chung tay của toàn xã hội.