Sách mới của 'Một người khổ tâm' từng là Bộ trưởng
TS. Tạ Quang Ngọc, nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản vừa ra sách 'Lắng đọng và Suy nghĩ' (NXB Khoa học Kỹ thuật). Tên cuốn sách là biểu dấu của tính cách ông, người luôn suy ngẫm và tự thấy là một người 'khổ tâm' trong những cuộc đối thoại với chính mình.
Khoảng 13 năm trước, tôi gặp ông ở Văn phòng Bộ Thủy sản lúc đó ở số 10 Nguyễn Công Hoan trong một tình cảnh khá “đặc biệt” lúc ông đang tự tay gỡ tấm biển tên và chức danh trước cửa phòng làm việc của mình. Lúc đó, tâm sự với tôi ông tự nhận mình là một người khổ tâm. Ông là người sống tình cảm, tình cảm đến mức luôn sợ vô tình làm người khác buồn.
“Lắng đọng và Suy nghĩ” là tập hợp những suy tư trăn trở của ông suốt 13 năm sau ngày giã từ công sở. Người ta “vui thú điền viên”, còn ông không cho mình nghỉ, hằng ngày vẫn làm bạn với con chữ.
Trong cuốn sách này, bạn đọc tuyệt nhiên không hề thấy bóng dáng của nguồn gốc “trâm anh thế phiệt” của tác giả, mà chỉ đơn thuần gặp được những dòng suy tư trăn trở của một trí thức (ông từng có gần 20 năm giảng dạy tại ĐH Thủy sản) và cựu tư lệnh một ngành trọng yếu của quốc gia (với gần 10 năm là Bộ trưởng Thủy sản).
Cuốn sách là những lát cắt thế cuộc dưới lăng kính của một “người trong cuộc” – một cựu quan chức cấp cao trăn trở về những bừa bộn của đất nước, bởi theo ông “mọi thành bại cần được trân trọng, và phải tìm ra được những bài học từ những việc đã qua”.
Trong sách, ta sẽ thấy ông dành nhiều suy tư cho sự phát triển nghề đánh bắt cá biển, về việc bảo vệ chủ quyền trên biển. Người đọc sẽ thấy ông dành nhiều tâm huyết để đưa ra những kiến giải giúp ngư dân bớt khổ, những bài học để giúp tránh đi hậu quả đáng tiếc của thiên tai.
Với lối kết hợp các mẩu suy tư vừa chuyện công vừa chuyện tư, “Lắng động và Nguy nghĩ” tạo ra một sự lôi cuốn riêng. Đây thực sự là một cuốn sách thú vị để hiểu về một thời “đất nước gian lao” thông qua những trải nghiệm, lát cắt và góc nhìn của tác giả.
Phải là người yêu biển, thương ngư dân, và thiết tha muốn bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, thì ông mới có thể dành nhiều tâm huyết đến vậy cho cuốn sách này. Cuốn sách cũng có thể được coi là một cuốn sử liệu của ngành Thủy sản viết dưới dạng những lát cắt suy tư, những ghi chép của một người trí thức nhiều trăn trở.