Sách mới 'Duyên nợ cuộc đời' của Phạm Quang Nghị
Tôi lại được bạn đồng hương, đồng môn Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) Phạm Quang Nghị gửi tòa soạn Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển (vanhoavaphattrien.vn) tặng sách mới 'Duyên nợ cuộc đời'. Mấy năm nay, mỗi khi Phạm Quang Nghị có sách mới được xuất bản đều ưu tiên gửi tới tặng tôi. Nếu tôi nhớ không nhầm thì đây là quyển sách thứ 10 của Phạm Quang Nghị được xuất bản mà tôi được tặng.
Sách “Duyên nợ cuộc đời” do NXB Hà Nội vừa ấn hành dày hơn 340 trang, khổ 16 x 25 Cm gồm “Thay lời đầu sách” của tác giả cùng 61 bài viết của nhiều người về cuốn sách ĐI TÌM MỘT VÌ SAO do NXB Hội Nhà văn ấn hành cách nay 1 năm, trong đó có bài của tôi xếp thứ 35 theo mục lục sách, kèm ảnh minh họa, nhan đề “Đi tìm một vì sao” - Cuốn tự truyện đậm chất văn chương”. Thời buổi công nghệ 4.0, viết sách ra chỉ mong có người tìm đọc là niềm vui, hạnh phúc, là nguồn cổ vũ động viên rất lớn đối với tác giả. Nhưng đáng mừng cuốn sách ĐI TÌM MỘT VÌ SAO của Phạm Quang Nghị ra đời cách nay tròn một năm được kiểm nghiệm điều đó qua thông tin phản hồi, giới thiệu, phân tích, bình luận trên các phương tiện truyền thông, được tác giả kỳ công tập hợp lại in thành quyển sách “Duyên nợ cuộc đời”.
Trong “Thay lời đầu sách”, tác giả bày tỏ “ Có rất nhiều, rất nhiều câu chuyện, lời văn cảm động từ các nhà báo, nhà văn, bạn bè, người thân và cả những người tôi chưa từng quen biết, đã gọi điện, nhắn tin, chúc mừng cản ơn. Có rất nhiều bài viết đăng trên facebook đã thu hút hàng trăm lời bình luận… Tôi biết, trong bài viết này, dù là tóm tắt, tôi cũng không thể nào nhắc lại hết được những gì mọi người đã nói, đã viết ra” khi đọc sách ĐI TÌM MỘT VÌ SAO.
Đọc qua hơn 60 bài viết của nhiều tác giả cùng nhiều ảnh minh họa trong cuốn sách “Duyên nợ cuộc đời” nói về sách ĐI TÌM MỘT VÌ SAO, liên tưởng với những sách mà tác giả đã xuất bản như “XIN CHỮ”, “NỚI ẤY LÀ CHIẾN TRƯỜNG”, “NỖI NHỚ VÙNG VEN” (thơ)… tôi rất khâm phục tài làm công tác lưu giữ tư liệu của Phạm Quang Nghị từ khi bước vào học lớp Sử khóa 12 (1967 - 1971) Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ), rồi rời giảng đường đại học vượt Trường Sơn vào chiến trường Nam Bộ (B2) cho đến khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trải qua những thăng trầm trong quá trình công tác cho đến khi nghỉ hưu và cho tận bây giờ để viết nên những quyển sách để đời. Có thể nói Phạm Quang Nghị là một trong những cựu sinh viên viên khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) thành đạt nhất trong công danh sự nghiệp và khi về nghỉ hưu mới có thời gian viết sách, làm thơ, được bạn đọc và công chúng mến mộ.
Theo tôi, sách của Phạm Quang Nghị hấp dẫn bạn đọc bởi lối viết tự sự về người thật, việc thật, có tính thời sự. Tác giả đã khéo léo sâu chuỗi các sự kiện với những tư liệu chân thật theo suốt cuộc đời của mình mà xu hướng của bạn đọc hiện nay thích đọc sách văn chương dưới dang tư liệu, tôn trọng hiện thực khách quan một cách tối đa. Nhà văn Bùi Việt Thắng trong bài viết “Ký ức lương thiện” cho rằng “Bốn đoản khúc về ĐI TÌM MỘT VÌ SAO – tự kể chuyện mình của tác giả Phạm Quang Nghị”: “Viết là cơ hội nhúng bút vào sự thật”. Các bài viết của Hà Đăng, Nguyễn Quang Thiều, Phạm Việt Long, Nguyễn Thành Phong, Thanh Thảo, Trương Huy San, Hải Đường, Nguyễn Thụy Kha… in trong cuốn sách “Duyên nợ cuộc đời” bàn về sách ĐI TÌM MỘT VÌ SAO của Phạm Quang Nghị mỗi người một góc nhìn nhưng thể hiện rất rõ nhận định nêu trên.
Cũng như những ai từng viết báo, viết văn đều phải tuân theo nguyên tắc, “viết và lách”. Phạm Quang Nghị cũng không phải là ngoại lệ, phải tuân thủ nguyên tắc đó. Đúng như trong "Thay lời đầu sách" "Duyên nợ cuộc đời”, tác giả Phạm Quang Nghị đã bộc bạch: “Có người hỏi: Còn những chuyên a,b,c,d…mọi người rất muốn nghe, sao tác giả nhân cơ hội này mà viết ra? Thưa bạn đọc, trước khi đưa in sách ĐI TÌM MỘT VÌ SAO, tôi đã phải “nghiến răng” cắt bớt gần 100 trang để cuốn sách đỡ dày, đỡ nặng. Lại còn phải chọn loại giấy thật nhẹ. Nếu viết thêm “nam ba câu chuyện hấp dẫn nữa”, cuốn sách có là nghìn trang cũng không đủ”.
Bút lực đang ở độ chín và nguồn tư liệu lưu giữ được của Phạm Quang Nghị theo tôi biết rất dồi dào. Tuy đã U80 nhưng sức khỏe vẫn tốt và với sự ham mê nghề viết cùng với từng trải, ứng nghiệm cuộc đời, hy vọng đến lúc nào đó, chúng ta sẽ được đọc những tác phẩm tiếp theo của Phạm Quang Nghị để lại cho hậu thế.
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/sach-moi-duyen-no-cuoc-doi-cua-pham-quang-nghi-a21130.html